Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp điện tử Ấn Độ
Nỗ lực của Ấn Độ để trở thành cường quốc sản xuất đang mang lại thành quả, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện tử.
Để có thể thấy rõ hơn sự trỗi dậy của Ấn Độ với tư cách một trung tâm sản xuất, hãy hướng về phía Bắc của thành phố Bangalore - nơi được gọi là Thung lũng Silicon của quốc gia Nam Á.
Cách đô thị này khoảng 45km, Foxconn - một trong những nhà sản xuất linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, đang gấp rút biến 120ha đất nông nghiệp trở thành một nhà máy hiện đại, với sản lượng dự kiến khoảng 20 triệu chiếc iPhone/năm. Sau khi hoàn tất, nhà máy của Foxconn sẽ là cơ sở thứ ba gần Bangalore chuyên sản xuất điện thoại cho Apple. Hai cơ sở còn lại do Tata - tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, điều hành.
Bangalore - nơi tọa lạc của nhiều gã khổng lồ công nghệ thông tin ở Ấn Độ, trước đây nổi tiếng với mảng dịch vụ phần mềm hơn sản xuất phần cứng. Tuy nhiên, loạt nhà máy mới được xây dựng tại đây là thành quả rõ ràng nhất cho những nỗ lực của chính phủ Ấn Độ trong lộ trình biến quốc gia Nam Á trở thành một cường quốc sản xuất.
Sản xuất đồ điện tử phát triển mạnh mẽ
Từ năm 2016 đến 2023, giá trị sản xuất đồ điện tử của Ấn Độ tăng từ 37 tỷ USD lên 105 tỷ USD (3% GDP) và chính phủ muốn tăng gấp 3 con số này trong 3 năm tới. Dù sản lượng đồ điện tử của Ấn Độ hiện chỉ chiếm 3% tổng sản lượng toàn cầu, thị phần của quốc gia này đang tăng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác. Trong đó, không phân khúc nào cho thấy sự bùng nổ mạnh mẽ như sản xuất điện thoại, với tỷ trọng chiếm gần một nửa ngành công nghiệp điện tử Ấn Độ.
Trên thực tế, quốc gia Nam Á hiện là nhà sản xuất thiết bị lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nếu vào năm tài chính 2015, Ấn Độ phải nhập khẩu gần 80% số điện thoại của mình thì hiện con số này gần như bằng không. Theo dữ liệu thu thập bởi The Economist, khoảng 14% iPhone của Apple được sản xuất từ Ấn Độ, gấp đôi so với một năm trước và Samsung - đối thủ Hàn Quốc của Táo khuyết, cũng có cơ sở sản xuất điện thoại lớn nhất tại quốc gia Nam Á.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất theo hợp đồng, tức các doanh nghiệp (DN) chế tạo sản phẩm thay mặt cho DN khác, đã và đang nhanh chóng mở rộng tại Ấn Độ. Foxconn - nơi lắp ráp gần 2/3 số iPhone do Ấn Độ sản xuất, hiện có hơn 30 nhà máy tại nước này và sử dụng khoảng 40.000 công nhân. Dù mảng hoạt động tại Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu, Foxconn đang liên tục tăng vốn đầu tư và đã dành riêng 2,6 tỷ USD cho nhà máy ở Bangalore.
Liu Young - Chủ tịch của Foxconn, hồi năm ngoái nói với các nhà đầu tư rằng số tiền rót vào Ấn Độ cho đến nay mới "chỉ là khởi đầu". Ngoài ra, một lượng lớn nhà cung cấp nước ngoài cho Foxconn và các DN cùng ngành cũng đã mở cửa hàng tại Ấn Độ. Theo ước tính của công ty tư vấn PwC, tỷ lệ giá trị mà Ấn Độ cộng thêm cho những chiếc điện thoại được sản xuất tại đây đã tăng từ 2% năm 2014 lên đến 15% vào năm 2022.
Bên cạnh sự tích cực của các DN nước ngoài, Tata từ năm 2021 cũng bắt đầu tham gia sân chơi điện thoại với dây chuyền sản xuất bộ phận cho các mẫu iPhone cũ hơn. Đến tháng 11/2023, Tata đã mua lại mảng hoạt động tại Ấn Độ của Wistron - một công ty Đài Loan, và bắt đầu lắp ráp iPhone.
Hiện, kế hoạch của tập đoàn là mở rộng nhà máy để giành được nhiều thị phần kinh doanh hơn với Apple. Một DN Ấn Độ khác cũng hưởng lợi từ cơn sốt chế tạo thiết bị điện tử là Dixon Technologies - nhà sản xuất thiết bị điện tử nội địa lớn nhất nước. Bắt đầu sản xuất đồ dùng cho thị trường trong nước từ cách đây 30 năm, Dixon giờ cũng nhảy vào sản xuất điện thoại thông minh cho các DN nước ngoài.
Make in India
Có thể nói, sự trỗi dậy của ngành công nghiệp điện tử Ấn Độ là kết quả từ mong muốn của các công ty công nghệ phương Tây và nhu cầu to lớn của người dân Ấn Độ. Trong đó, một bên là các công ty công nghệ muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, còn một bên là hơn 1 tỷ người muốn sử dụng các thiết bị thông minh. Hơn nữa, các khoản hỗ trợ hào phóng từ chính phủ đã làm cho thỏa thuận trở nên hấp dẫn hơn với các DN đang cân nhắc sản xuất tại Ấn Độ.
Trên thực tế, sự trỗi dậy này là một phần thành công của sáng kiến Make in India được chính phủ Ấn Độ công bố vào tháng 9/2014. Trong 8 năm sau đó, chính phủ Ấn Độ đã vạch ra nhiều kế hoạch và sáng kiến như Chương trình sản xuất theo giai đoạn (PMP), Sản xuất tại Ấn Độ, Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) và Atma-Nirbhar Bharat (Ấn Độ tự lực) để tăng sản xuất địa phương và giá trị gia tăng.
Theo tỷ phú Sunil Vachani - Chủ tịch của Dixon, những nỗ lực của chính phủ xứng đáng được ghi nhận, đặc biệt là niềm tin vào tiềm năng sản xuất của Ấn Độ. Đây là điều được ông Vachani cho rằng đã mang đến "sự thay đổi trong tư duy" của đất nước.
Dù vậy, điều chắc chắn là chính phủ Ấn Độ vẫn luôn bận rộn trong việc thu hút và giữ chân các nhà sản xuất nước ngoài. Một ví dụ là việc chính phủ trao giải Padma Bhushan - giải thưởng dân sự cao thứ ba của đất nước, cho Chủ tịch Liu Young của Foxconn hồi đầu năm nay.
Theo chuyên gia Pranay Kotasthane của Viện Takshashila - một nhóm nghiên cứu ở Bangalore, chính phủ đã làm vui lòng các DN như Foxconn để thu hút "các nhà đầu tư chủ chốt" mà có thể hình thành chuỗi cung ứng xung quanh. Mục tiêu lớn đằng sau những hành động này là một ngày nào đó Ấn Độ sẽ có thể thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng điện tử của thế giới.
Và dù Thủ tướng Narendra Modi đã mất đa số ghế ở Quốc hội trong cuộc bầu cử vào đầu tháng này, nhiệt tình với mục tiêu nói trên vẫn không giảm. Chính phủ mới của ông cũng đã cho thấy tinh thần tiếp tục hỗ trợ sản xuất và cho đến nay, tiến triển của Ấn Độ vẫn đầy hứa hẹn.
Trong 12 tháng tính đến cuối tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu điện tử của nước này đạt 29 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất xa so với gần 900 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu điện tử của Trung Quốc vào năm ngoái.
Naushad Forbes, một doanh nhân người Ấn Độ, lập luận rằng trừ phi DN Ấn Độ đầu tư vào việc đào sâu kiến thức kỹ thuật của mình, nếu không họ sẽ phải vật lộn để cạnh tranh trong các lĩnh vực tiên tiến hơn như sản xuất chip.
Sự miễn cưỡng của Ấn Độ trong việc hạ thấp rào cản thương mại với các nước láng giềng châu Á cũng là một trở ngại. Cụ thể, thuế nhập khẩu với nguyên liệu thô và linh kiện cần thiết để sản xuất đồ điện tử của Ấn Độ thường cao hơn so với các quốc gia khác đang cạnh tranh để giành giật hoạt động sản xuất từ tay Trung Quốc.