Giải pháp cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường Ba Lan
Ba Lan là "cửa ngõ" chiến lược giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường phương Tây và Đông Âu. Việc tiếp cận thị trường Ba Lan không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh tại quốc gia này mà còn mở rộng con đường đến khu vực EU với hơn 500 triệu dân.
Chiều nay (9/1), trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương 9th Monthly B2B lần thứ 22 tại tỉnh Long An đã diễn ra phiên giao thương trực tuyến, quy tụ hơn 200 doanh nhân trong nước và doanh nhân kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan.
Thị trường còn nhiều dư địa phát triển
Việt Nam và Ba Lan từ lâu đã duy trì mối quan hệ kinh tế chiến lược, nơi cả hai quốc gia đóng vai trò cửa ngõ quan trọng cho nhau. Việt Nam, với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á và là trung tâm sản xuất toàn cầu, là cầu nối để các doanh nghiệp (DN) Ba Lan tiếp cận thị trường ASEAN với hơn 650 triệu dân. Ngược lại, Ba Lan là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU rộng lớn, với gần 500 triệu người tiêu dùng và sức mua cao.
Theo ông Trần Trọng Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, sự bổ trợ giữa hai nền kinh tế là minh chứng cho tiềm năng hợp tác lâu dài. Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm như dệt may, nông sản, thủy sản, và thực phẩm chế biến, trong khi Ba Lan cung cấp dược phẩm, công nghệ và thực phẩm chế biến chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo ra cơ hội lớn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU. EVFTA không chỉ giảm thiểu các rào cản thuế quan mà còn giúp tăng cường lưu thông hàng hóa và đầu tư song phương.
Ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam ở châu Âu cho biết, một trong những điểm sáng trong quan hệ thương mại giữa hai nước là khu trung tâm thương mại Wólka Kosowska. Đây không chỉ là trung tâm giao thương lớn nhất của người Việt tại Ba Lan mà còn là nơi tập trung các hoạt động kinh doanh đa dạng và hiệu quả. Với diện tích hơn 300.000 m², Wólka Kosowska đã trở thành cơ sở logistics quan trọng, nơi hàng hóa Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường Ba Lan mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực EU.
"Điểm đặc biệt là vai trò của cộng đồng người Việt tại Wólka Kosowska. Họ không chỉ là những nhà kinh doanh năng động mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa Việt Nam với người tiêu dùng châu Âu", ông Huê nói.
Tuy nhiên, theo ông Huê, lợi thế là vậy nhưng dư địa để hợp tác còn rất nhiều, chưa được tận dụng triệt để. Đơn cử, tại Wólka Kosowska, 80 - 85% người Việt chưa bán hàng Việt ở chính trung tâm của người Việt mà là nhập hàng của các quốc gia khác. "Đây là một điều đáng suy nghĩ...", ông Huê chia sẻ.
Cùng quan điểm, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Sơn, cho rằng, với nhiều lợi thế hợp tác nhưng thị trường Ba Lan vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Một số DN tại Việt Nam có thể chưa tiếp cận thị trường này do khoảng cách địa lý hoặc những biến động chính trị tại các khu vực lân cận trong thời gian vừa qua.
"Nhưng dự báo trong thời gian tới, cơ hội sẽ mở rộng hơn, đặc biệt khi những bất ổn chính trị ở các khu vực lân cận được giải quyết, hứa hẹn sẽ mang lại những biến động lớn, mang tính cơ hội trong hoạt động thương mại tại Ba Lan", ông Nguyễn Sơn nói.
Hướng đi cho doanh nghiệp Việt
Ông Hoàng Mạnh Huê cho rằng, để thâm nhập thị trường Ba Lan, DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem sản phẩm của mình có đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu tại đây hay không, cần hiểu rõ nhu cầu, thói quen tiêu dùng và các xu hướng nổi bật tại Ba Lan. Chính sự phù hợp này sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Theo ông Nguyễn Sơn, với một thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như EU nói chung, Ba Lan nói riêng, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành công. Các chứng nhận kiểm định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… cần được chú trọng.
Chung quan điểm, ông Hoàng Xuân Bình - Trưởng ban tư vấn Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam ở châu Âu cho rằng, nông sản là một trong những mặt hàng có tiềm năng lớn nhất khi xuất khẩu sang Ba Lan. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam, cụ thể là của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế trong khâu thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến việc sơ chế và bảo quản chưa đạt chất lượng cao.
"Chưa kể, sản phẩm Việt Nam còn thiếu các thương hiệu riêng, phần lớn vẫn dừng lại ở gia công và xuất khẩu thô, chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Đây là điều cần phải cấp bách cải thiện trong thời gian tới", ông Bình nói.
DN cũng cần xác định các kênh phân phối phù hợp với sản phẩm của mình. Ngoài các kênh phân phối truyền thống vẫn còn nhiều dư địa như chợ truyền thống, các siêu thị châu Á..., các nền tảng trực tuyến như Allegro, Amazon và các sàn thương mại điện tử độc lập cũng đang nổi lên như một kênh phân phối đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để tiếp cận, DN cần thích ứng với công nghệ hiện đại, tăng cường ứng dụng các nền tảng thanh toán điện tử xuyên biên giới để phù hợp với nhu cầu của các đối tác.
Ngoài ra, ông Trần Trọng Hùng cho rằng thế hệ trẻ người Việt tại Ba Lan, với nền tảng học vấn vững chắc, sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa bản địa, sẽ là lực lượng then chốt trong việc đổi mới mô hình kinh doanh. Họ có thể đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa DN Việt Nam và thị trường Ba Lan, từ khâu phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu. Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động kết nối giao thương thiết thực và hiệu quả, tập trung khai thác tiềm năng của nhóm đối tượng này, là điều cần ưu tiên trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An
Với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,3%, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Long An đã chứng minh sức mạnh kinh tế của mình, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản với sản lượng lúa đạt 3 triệu tấn, trong đó 72% là lúa chất lượng cao; cùng với các loại nông sản đa dạng khác.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư cùng với yêu cầu phát triển xanh và bền vững mở ra cơ hội lớn cho các DN tại Long An, đặc biệt trong việc kết nối với thị trường quốc tế như Ba Lan. Chương trình 9th Monthly B2B hôm nay đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược kết nối toàn cầu, giúp DN Long An tiếp cận gần hơn với thị trường Ba Lan, khai thác tiềm năng hợp tác không chỉ trong sản phẩm nông sản và các lĩnh vực khác.
Ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài:
Long An không chỉ là cửa ngõ chiến lược kết nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là địa phương sở hữu tiềm năng vượt trội để vươn xa ra thị trường quốc tế. Vị trí địa lý đắc địa giúp Long An trở thành trung tâm giao thương quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của cả khu vực.
Trong thời gian tới, Long An cần chủ động thúc đẩy hợp tác giữa các DN địa phương và các vùng lân cận, đồng thời mở rộng kết nối với thị trường quốc tế. Địa phương không nên chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, mà cần xây dựng chiến lược rõ ràng để phát triển thương hiệu riêng. Đây là bước đi cần thiết để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng, đồng thời nâng cao giá trị và vị thế của thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, sự đoàn kết giữa các bên liên quan, từ chính quyền, DN, thông qua các Hiệp hội, hội, câu lạc bộ... sẽ là yếu tố then chốt.
Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết MoU với Hội Doanh nhân Trẻ 3 tỉnh thành:
Nhằm tăng cường hợp tác truyền thông, kết nối kinh doanh và xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu cho DN các tỉnh thành, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ký kết thỏa thuận hợp tác tham gia chương trình 9th Monthly B2B với các Hội Doanh nhân Trẻ 3 tỉnh: Vĩnh Long, Bình Dương, Cà Mau.