Giá trị niềm tin trong thời AI
Khi nội dung giả ngày càng được tạo ra dễ dàng hơn nhờ AI, giá trị của niềm tin sẽ cần nhiều cách đánh giá mới và thông minh hơn.
Một tháng trước, hơn 140 quảng cáo về phương pháp làm giàu nhanh được phát tràn lan trên Facebook với nhân vật chính là Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Trong đó, có quảng cáo cho thấy ông Sunak bày tỏ về một ứng dụng được phát triển bởi tỷ phú Elon Musk giúp người dùng "tiết kiệm" hơn. Theo The Guardian, loạt quảng cáo trên có thể đã tiếp cận đến 400.000 người dù vi phạm chính sách của Facebook và thực tế là hoàn toàn giả mạo do được tạo ra từ AI.
Trước đó, một video giả mạo người nổi tiếng khác cũng từng lan truyền mạnh mẽ trên TikTok vào tháng 10/2022. Thu hút hàng triệu lượt xem, video ghi lại cảnh người mẫu Paris Hilton đứng bên cạnh tài tử Tom Cruise trong bộ áo choàng tắm và nhờ anh hát ca khúc Tiny Dancer. Dù hình ảnh hết sức chân thật, đây lại là một video deepfake với gương mặt Tom Cruise được ghép bởi AI.
Nội dung giả ngày càng khó phát hiện
Theo The Economist, những kẻ lừa đảo qua điện thoại giờ chỉ cần 10 giây âm thanh là đã có thể mô phỏng giọng nói của một người, từ đó tạo ra đoạn hội thoại theo mong muốn của chúng trong vài cái click chuột. Trong khi đó, các đoạn quảng cáo sản phẩm với gương mặt của nhiều người nổi tiếng như Tom Hanks hay Taylor Swifts, lẫn hàng loạt video giả mạo về các chính trị gia, cũng đang ngày càng lan tràn trên Internet.
Không chỉ người của công chúng mà cả người bình thường cũng có thể trở thành nạn nhân bị lợi dụng hình ảnh vào mục đích xấu. Tháng 6 năm ngoái, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng cảnh báo về việc kẻ xấu sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh khiêu dâm giả mạo để tống tiền.
Trên thực tế, những hiện tượng vừa nêu là sự lặp lại của một vấn đề cũ: công nghệ mới khiến việc truyền bá thông tin sai sự thật và mạo danh người có uy tín trở nên dễ dàng hơn. Điều này đã từng xảy ra khi Internet xuất hiện và dần thay thế báo in, và giờ nó lại tái diễn khi AI xuất hiện.
Nếu trước đây, có nhiều cách để nhanh chóng nhận ra nội dung giả, như việc có quá nhiều lỗi chính tả trong một email, hình ảnh và âm thanh trong một video không đồng bộ, hay hình ảnh bàn tay người kỳ quặc v.v..., thì giờ nội dung giả ngày càng khó phát hiện, khi sức mạnh thuật toán lẫn nguồn cấp dữ liệu ngày càng dồi dào.
Bên cạnh đó, kể cả phần mềm phát hiện giả mạo hiện đại nhất được tích hợp trong trình duyệt web hỗ trợ bởi AI cũng không thể xác định liệu một nội dung có do máy tính tạo ra hay không. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của các đại biểu tham dự NeurIPS - một hội nghị khoa học quốc tế về hệ thống xử lý thông tin và học máy được tổ chức thường niên vào tháng 12, triển vọng về một phần mềm có thể phát hiện nội dung giả khá u ám ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, 17/23 đại biểu được hỏi cho rằng nội dung truyền thông do AI tạo ra cuối cùng sẽ trở nên không thể bị phát hiện.
Đồng nghĩa, về lâu dài, phần thắng trong cuộc đua phát hiện và tạo nội dung giả sẽ nghiêng về những kẻ xấu, trừ phi chính sách giới hạn các mô hình có mã nguồn mở (vốn cho phép thu thập dữ liệu từ cộng đồng) được thiết lập. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng và thực thi được một chính sách như thế ở quy mô lớn là vô cùng khó khăn.
Theo đó, thế giới trong tương lai sẽ khó có thể tránh được việc bị tống tiền bởi những đoạn video, hình ảnh khiêu dâm giả mạo - điều mà FBI đã cảnh báo, hay video bài phát biểu của nguyên thủ quốc gia thông báo về một cuộc tấn công hạt nhân. Kể cả những kẻ lừa đảo nhờ mạo danh người thân cũng sẽ có thêm nhiều công cụ để "làm ăn phát đạt".
Vậy, làm thế nào để không rơi vào bẫy? Để thích ứng với thời đại tràn lan nội dung giả, xã hội vốn đã xem hình ảnh và âm thanh được ghi lại là bằng chứng gần như tuyệt đối để xác nhận sự thật sẽ cần thay đổi nhận thức.
Cụ thể, hình ảnh, âm thanh hay video trực tuyến về một điều gì đó chưa hẳn đã đủ để chứng minh điều đó đã thực sự xảy ra hay chưa. Khi nội dung trực tuyến không còn có thể tự xác minh tính đúng đắn của nó, việc ai đã đăng chúng sẽ trở nên quan trọng không kém bản thân nội dung được đăng.
Trong trường hợp các nguồn cấp nội dung vẫn còn có thể tiếp tục tự chứng minh bản thân một cách an toàn (thông qua URL, địa chỉ email và nền tảng truyền thông xã hội), danh tiếng và xuất xứ của nguồn cấp sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.