Công nghệ

Việt Nam là quốc gia có số người bị lừa đảo qua mạng cao nhất trên toàn cầu

Nguyễn An 06/01/2024 20:00

Theo nhận định của Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ an ninh mạng VinCSS Philip Hùng Cao tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo diễn ra vào ngày 5/1 vừa qua, trong năm 2023, có gần 16 tỉ USD của người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu. Con số trên cho thấy rằng nước ta là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.

Cũng theo ông Philip Hùng Cao, trong năm qua, ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500%, dự đoán năm 2024 tỉ suất lợi nhuận càng tăng.

Đồng ý với nhận định trên, Phó chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) Võ Văn Khang đánh giá lừa đảo qua mạng hiện nay là ngành công nghiệp, không phải xuất phát là cá nhân hay nhóm nhỏ. Trong đó, nhiều hacker có giáo trình, có phương pháp về mặt tâm lý học và công cụ hiện đại để tiếp cận nạn nhân. Đặc biệt là khi Việt Nam là môi trường rất 'đắc địa' để tội phạm khai thác thu về lợi nhuận cao.

image50444801-170444548484441133089.jpg
Các chuyên gia an ninh mạng tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo

Thực tế, trong năm 2023, Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) đã có cuộc khảo sát cho thấy có đến 71% người dùng Facebook và Gmail bị lừa đảo qua mạng từ 2 nền tảng mạng xã hội này. Tiếp theo Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%).

Hầu hết các vụ lừa đảo xuất phát từ các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn/SMS Facebook và Gmail. Trong đó, lừa đảo trộm danh tính có tác động lớn nhất so với các trò lừa đảo khác, sau đó đến mua sắm và tuyển dụng. Đặc biệt, nhiều người trẻ Việt Nam còn bị lừa bởi những lời mời gọi việc nhẹ lương cao. Hậu quả là nhiều người bị lừa sang Campuchia, bị nhốt, đánh đập nếu không làm việc theo yêu cầu của các đối tượng phạm tội...

Hiếu PC – một chuyên gia an ninh mạng tại buổi kỷ niệm dự án Chống lừa đảo cũng cho biết vào tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tổng kết 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm. Dữ liệu trên được lấy từ khảo sát 1.000 người dùng mạng xã hội tại Việt Nam trong năm qua.

aq.png
Có 3 hình thức lừa đảo qua mạng chủ yếu là lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm

"Qua các bước như từ mạng xã hội, cuộc gọi điện thoại, sau đó nạn nhân của lừa đảo qua mạng sẽ bị dẫn dụ vào Telegram. Khi đến bước này thì khả năng bị lừa đã là 95%", Hiếu PC nói về thủ đoạn của kẻ lừa đảo.

Sau khi đưa ra những nhận định và phân tích trên, cả hai chuyên gia an ninh mạng là Philip Hùng Cao và Hiếu PC đều đưa ra những lời khuyên và giải pháp cho người dùng mạng xã hội tránh bị lừa đảo. Cụ thể, Philip Hùng Cao cho rằng, trước khi sử dụng mạng người dùng cần chậm lại; nín thở 7 giây trước khi click chuột; hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như WiFi, bluetooth… khi nghi ngờ bản thân có thể bị lừa đảo. Còn Hiếu PC thì khuyến khích người dùng mạng sử dụng dự án Chống lừa đảo do Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo phát triển nhằm bảo vệ thông tin người dùng trên không gian mạng bằng công cụ, kỹ thuật để tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam là quốc gia có số người bị lừa đảo qua mạng cao nhất trên toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO