Quốc tế

Đừng quá kỳ vọng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ nới lỏng nhanh

Khả Hân 28/06/2024 15:13

Trong khi động thái nới lỏng chính sách của một vài ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn đang phát đi những tín hiệu tích cực để hỗ trợ nền kinh tế, cũng như cho thấy mối lo lạm phát đang hạ nhiệt, ở chiều ngược lại một số nền kinh tế khác vẫn đang cố trì hoãn việc nới lỏng chính sách trở lại.

Một vài NHTƯ lớn đã hành động

NHTƯ Canada (BOC) đã trở thành NHTƯ đầu tiên thuộc nhóm G7 (7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm: Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, khi quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 4,75% vào hôm 5/6. Với niềm tin lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2%, BOC đã sớm hành động và thậm chí có thể cắt giảm thêm trong thời gian tới.

Chỉ sau đó một ngày, đến lượt NHTƯ châu Âu (ECB) thông báo giảm lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản, về 3,75%, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2019. Dù sức ép lạm phát vẫn dai dẳng ở khu vực đồng Euro, khi ECB cũng đã nâng dự báo lạm phát năm nay từ 2,3% lên 2,5%, nhưng nếu so với thời điểm cuối năm 2022 lạm phát lên tới hơn 10%, có thể thấy giá cả tại khu vực eurozone đã hạ nhiệt đáng kể nhờ chi phí nhiên liệu giảm và các chuỗi cung ứng bình thường trở lại sau đại dịch.

Dự báo của thị trường đối với chính sách của ECB cũng đã có sự thay đổi lớn. Trước đó 1 tháng, NHTƯ Thụy Điển (Riskbank) cũng đã cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống 3,75% từ mức 4% như dự kiến, đánh dấu lần hạ lãi suất đầu tiên trong 8 năm. Đây là động thái cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nước này sụt giảm 0,2% trong năm 2023 và tiếp tục suy yếu trong quý đầu tiên của năm, sau khi nước này đã có tám lần tăng lãi suất trong vòng chưa đầy 2 năm. Riksbank cho biết cơ quan này có khả năng cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong nửa cuối năm nếu áp lực lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp.

Mới đây nhất vào ngày 20/6, NHTƯ Thụy Sỹ (SNB) đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm nay. Với mức giảm 0,25%, lãi suất cơ bản của Thụy Sỹ hiện chỉ còn 1,25%, thấp thứ hai trong nhóm G10, sau Nhật Bản. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn vẫn còn do dự nới lỏng chính sách tiền tệ, Thụy Sỹ là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới hạ lãi suất với đợt cắt giảm đầu tiên vào cuối tháng 3.

Theo dự báo mới nhất của SNB, lạm phát của nước này sẽ duy trì ổn định quanh mức 1,4% trong cả năm 2024. Cơ quan này cũng dự báo GDP tăng 1% trong năm nay và 1,5% vào năm 2025 nhờ xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là liệu Thụy Sỹ có tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay không. Hiện giới phân tích dự đoán dự đoán SNB sẽ thực hiện đợt cắt giảm thứ ba vào quý tới và có khả năng thực hiện lần cắt giảm thứ tư vào tháng 12 nếu cơ quan này cho rằng chính sách tiền tệ chưa thực sự nới lỏng.

20240620_lscb-fed.jpg
Fed vẫn đang giữ lãi suất cơ bản ở 5,5% sau 4 lần họp trong nửa đầu năm nay

Số khác muốn chờ thêm

Trong khi động thái nới lỏng chính sách của một vài NHTƯ lớn đang phát đi những tín hiệu tích cực để hỗ trợ nền kinh tế, cũng như cho thấy mối lo lạm phát đang hạ nhiệt, ở chiều ngược lại một số nền kinh tế khác vẫn đang cố trì hoãn việc nới lỏng chính sách trở lại. Đơn cử như Cục dự trữ liên bang Mỹ, sau 4 lần họp trong nửa đầu năm nay, NHTƯ lớn nhất thế giới này vẫn đang giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,5%, cao nhất trong hơn 23 năm qua.

Đáng lưu ý là các dự báo mới nhất của những nhà hoạch định chính sách của Fed cho thấy, họ dự kiến chỉ một lần hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay, thay vì 3-4 lần như dự báo hồi tháng 12/2023 và tháng 3 đầu năm nay.

Hiện giới phân tích cho rằng lãi suất của Mỹ sẽ không được điều chỉnh cho tới tháng 9. Trong khi đó, Chủ tịch Fed là Jerome Powell nhấn mạnh rằng hoạt động kinh tế vẫn sôi động, trong khi lạm phát dù đã hạ nhiệt gần đây nhưng vẫn còn cao, nên buộc Fed phải thận trọng và chưa vội nới lỏng chính sách trở lại. Thậm chí ngay cả những quốc gia như nước Anh đã kéo lạm phát tổng thể giảm về mục tiêu 2% trong tháng 5 vừa qua, nhưng NHTƯ Anh (BOE) cũng chưa muốn hành động. Với áp lực tăng giá có thể trở lại vào nửa cuối năm nay, khi chính phủ Anh dỡ bỏ trần giá năng lượng, có lẽ BOE cần thêm thời gian để cân nhắc.

Có thể thấy xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ mà được kỳ vọng là sắp diễn ra vào cuối năm 2023, nay gần như đã lắng xuống, khi nhiều nền kinh tế lớn vẫn đối mặt với thực tế là lạm phát dai dẳng hơn hơn dự kiến, trong khi tăng trưởng kinh tế và tiền lương vẫn mạnh hơn. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo về một kịch bản lãi suất “cao hơn trong thời gian dài”. Cũng theo WB, lãi suất toàn cầu trong 3 năm tới sẽ vẫn gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2000-2019, kìm hãm tốc độ tăng trưởng và gây thêm áp lực nợ đối với các quốc gia thị trường mới nổi đã vay bằng đồng USD.

Chẳng những vậy, nhiều nền kinh tế còn phải đối mặt với dòng vốn đầu tư bị rút ra chạy ngược về Mỹ để hưởng chênh lệch lãi suất, khi Fed vẫn đang neo lãi suất cao so với các quốc gia khác. Hê quả là sự gia tăng dòng tiền mặt đột ngột có thể đưa thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính đúng vào lúc Fed đang nỗ lực kiểm soát giá cả. Hiện tượng này sẽ khiến Fed gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và làm cản trở mục tiêu “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp của ông “đang đùa với lửa”, vì Fed không cắt giảm lãi suất ngay lúc này có nguy cơ khiến nền kinh tế suy yếu, nhất là tốc độ thay đổi trên thị trường lao động đang trở thành một điềm báo về mối nguy phía trước. Dù chưa đạt mục tiêu, nhưng lạm phát đang đi đúng hướng, còn thất nghiệp đang đi sai hướng.

Dù vậy, Fed có thể vẫn tiếp tục chần chừ. Đáng lưu ý là ngay cả những NHTƯ đã cắt giảm lãi suất gần đây, cũng có thể mất thời gian lâu hơn dự báo trước khi có đợt cắt giảm tiếp theo. Đơn cử như các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức có thể cản trở đà phục hồi còn yếu của kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro. Đặc biệt, ECB cũng đang đứng trước thách thức có nên can thiệp hỗ trợ thị trường tài chính Pháp, vốn đang bị bán tháo mạnh mẽ do ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử khó lường sắp diễn ra tại nước này.

Hay như BOC cũng chỉ ra rằng lộ trình nới lỏng phụ thuộc vào tiến độ lạm phát, điều mà các nhà hoạch định chính sách cho rằng “có thể không đồng đều”. Các nhà hoạch định chính sách cho biết căng thẳng toàn cầu, giá nhà tăng nhanh hơn dự kiến và mức tăng lương cao so với năng suất là những rủi ro tiềm ẩn đối với triển vọng nới lỏng chính sách thêm trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng quá kỳ vọng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ nới lỏng nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO