Trong nước

Thủ tướng và các doanh nghiệp tham gia thảo luận về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Thanh An 15/03/2024 08:59

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã có những thảo luận về định hướng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2024.

Chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra tại Trụ sở Chính phủ sáng 14/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 khi nước ta kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn đinh cơ bản thị trường tiền tệ...

5-1710379574933193833352-1710382122043-17103821232381370228249(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị cùng Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Bước sang năm 2024, mặc dù Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực về hồi phục kinh tế trong những tháng đầu năm nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá không được chủ quan trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới. Do đó, Thủ tướng nêu rõ cần phải tiếp tục phát huy các thành quả, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ.

Vì thế, trong bối cảnh đó, Thủ tướng rất quan tâm đến các cơ chế, chính sách và những chỉ đạo giúp đỡ doanh nghiệp, nhất là trong ngành ngân hàng phát triển bền vững, an toàn, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, để đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

Trong đó, Thủ tướng và các đại biểu đã cùng nhau phân tích rõ, tìm ra nút thắt, nguyên nhân vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm...

Sau thảo luận, các đại biểu đã đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần thực hiện để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, đại diện từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường đã có đề nghị các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất, tăng tiếp cận vốn và hạn mức cho các doanh nghiệp dệt may. Qua đó, các doanh nghiệp dệt may có điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nâng khả năng cạnh tranh đối với ngành dệt may các nước.

4-1710379145394892101533-1710382127031-17103821273181824737134(1).jpg
Quang cảnh hội nghị

Riêng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường đã đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống để tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn…

Tập đoàn Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4 -5%). Do đó, doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng và các doanh nghiệp tham gia thảo luận về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO