Trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các tập đoàn hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính

Thanh An 18/01/2024 - 10:29

Chủ trì tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam” tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) diễn ra vào tối 17/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu nghiên cứu, phát triển giải pháp phù hợp để hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.

thi-truong-tai-chinh-vn-18012024a20240118065710.3807240.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các bộ, ngành và các nhà đầu tư nước ngoài tham dự phiên tọa đàm

Trong phiên tọa đàm, các đại biểu từ các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu đều nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm qua. Theo đó, hiện Việt Nam đang trên đường trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.

Nhiều đại diện cũng đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, các đại diện cũng tập trung phân tích về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, mô hình và kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế - khuyến nghị cho Việt Nam, cùng những điều kiện, nền tảng để xây dựng trung tâm tài chính và thu hút đầu tư như: điều kiện pháp lý, chính sách thuế, cơ sở hạ tầng điện, công nghệ thông tin, giao thông, lao động tay nghề cao, ổn định kinh tế vĩ mô…

Ghi nhận, cảm ơn với các bộ, ngành và đại diện các ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam do Tiến sỹ Philipp Rösler, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong đó chú trọng vào 3 trụ cột chính: nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thực hiện chính sách quốc phòng "4 không"; xây dựng nền văn hóa tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì "văn hóa còn thì dân tộc còn", "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Đặc biệt, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược bao gồm: xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, với phương châm “chính sách thông thoáng, hạ tầng thì thông suốt, quản lý thông minh”. Lưu ý chú trọng quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn tự sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Việt Nam đang làm mới các động lực cũ là "xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư" và bổ sung các động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

img9952-170552754196424288481.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài của Chính phủ Việt Nam trong nghiên cứu, xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam

Từ những định hướng trên, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đề nghị đề nghị các chuyên gia, các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực…

Theo đó, Việt Nam mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, phát triển hệ sinh thái tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nâng cao các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.

Song song với đó là nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam vẫn luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Thuỵ Sĩ nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam. Trong đó, cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các tập đoàn hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO