Để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Trong thời gian tham dự Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị phía UAE tăng cường đầu tư, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và vận hành Trung tâm Tài chính Quốc tế ở TP.HCM.
Vậy TP.HCM đang có khó khăn và thuận lợi gì để trở thành trung tâm tài chính quốc tế? Cơ quan chức năng cần làm gì để biến kế hoạch này thành hiện thực? Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với PGS-TS. Trương Văn Vỹ - Đại học Quốc gia TP.HCM để hiểu rõ hơn vấn đề này.
* Theo ông, TP.HCM có lợi thế gì để có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế?
- Lợi thế hàng đầu của TP.HCM trong việc trở thành trung tâm tài chính quốc tế là vị trí địa lý. TP.HCM nằm ở giao điểm của Đông Nam Á, cửa ngõ giao thương quan trọng của châu Á lẫn toàn cầu. Từ TP.HCM dễ dàng đi bằng đường biển lên phía Bắc tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Nga, đi xuống phía Nam và phía Tây tới Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, châu Phi và châu Âu.
Hiện nay, gần như toàn bộ ngân hàng và những thể chế tài chính lớn trên thế giới đều có chi nhánh ở TP.HCM. Điều này rất thuận lợi trong giao dịch xuyên biên giới, làm nền tảng cho các bước tiến xa hơn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ví dụ việc chuyển tiền xuyên ngân hàng tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, hiện nay chỉ mất vài giây là xong. Tốc độ này ở nước ta còn nhanh hơn nhiều nước trong khu vực và một số nước trên thế giới.
Môi trường chính trị ổn định ở nước ta cũng là điểm cộng. Các công ty phát hành cổ phiếu hoặc tìm nơi để IPO đều xem trọng sự ổn định chính trị. Thời gian qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đổi mới nhanh, nhất là ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tôi tin rằng, xu thế này sẽ ngày càng phát triển.
* Vậy còn những hạn chế cần khắc phục, thưa ông?
- Thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng có nhiều điểm chung như các ngành khác. Điểm trừ của TP.HCM là cơ sở hạ tầng còn yếu, ví dụ về giao thông. Tắc đường, kẹt xe và ngập lụt khi mưa lớn, nhiều năm qua chưa thể giải quyết triệt để. Môi trường cũng vậy. Một nhà đầu tư người Hà Lan tâm sự, ông không chọn TP.HCM sau khi tham dự bữa tiệc trên sông Sài Gòn vì nhìn thấy bên dưới rất nhiều rác. Vệ sinh môi trường là yếu tố cơ bản, nếu không quản lý hiệu quả rất khó để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư dù có làm tốt những thứ khác.
Điểm trừ thứ hai là tốc độ của quá trình chuyển đổi số. Trong Hội nghị lần thứ 24 Đảng bộ TP.HCM mới đây, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đã thừa nhận điều này. Ông khẳng định chuyển đổi số phải là ưu tiên của Thành phố trong thời gian tới. TP.HCM đã thực hiện tương đối tốt chính sách một cửa tại cơ quan công quyền. Quá trình nộp thuế điện tử cũng được thực hiện rốt ráo. Nhưng về chính phủ điện tử, như thực hiện thủ tục hành chính thông qua công nghệ, nâng cấp hệ thống công nghệ tại cơ quan hành chính và cải thiện năng lực công nghệ của đội ngũ viên chức vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng.
Để thu hút các tập đoàn tài chính lớn, thì chuyển đổi số phải được thực hiện rốt ráo. Cái gì công nghệ làm được nên để công nghệ làm nhằm tiết kiệm thời gian và công sức cho doanh nghiệp. Chính phủ UAE cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua, rằng họ sẽ cử một đoàn chuyên gia tới Việt Nam để tìm hiểu và cố vấn về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. UAE có nhiều kinh nghiệm trở thành điểm sáng về kinh tế - tài chính giữa khu vực Trung Đông đầy nắng gió và bất ổn. Bài học và công nghệ quản trị tiên tiến của họ, tôi tin rất hữu ích cho chúng ta.
* Theo ông, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần phát triển một số lĩnh vực gì là chủ đạo?
- Đây là vấn đề mà TP.HCM vẫn “loay hoay” trong thời gian qua. Trong cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tỉnh miền Đông Nam bộ vào tháng 11 vừa rồi, nhiều vấn đề được nêu ra khá cụ thể, như TP.HCM phải ưu tiên phát triển công nghệ và chuyển đổi năng lượng xanh. Cụ thể, đó là công nghệ thông tin, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng viễn thông và các giải pháp đô thị thông minh. Mục đích làm sao để mọi ngành nghề của TP.HCM đều được tin học hóa và công nghệ hóa. Trong thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ như ngày nay, thất bại trong phát triển công nghệ là thất bại tất cả.
Giữa năm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển. Nội dung chủ yếu của Nghị quyết 98 là TP.HCM được tự chủ hơn trong nhiều vấn đề về tài chính và đầu tư. Rất mong Thành phố tận dụng điều này để đẩy mạnh đầu tư vào khoa học - công nghệ, trong đó có liên quan đến các giải pháp tài chính như Fintech hay Blockchain. Dẫu vậy, hiện nay gần 80% ngân sách của TP.HCM phải nộp ra Trung ương. Tôi thấy vẫn cao. Tôi tin, nếu xác định được lĩnh vực chủ đạo ưu tiên khoa học - công nghệ, lên kế hoạch rõ ràng và quyết tâm thực hiện thì Thành phố sẽ có những bước tiến nhanh, xứng đáng là đầu tàu kinh tế cả nước.
* Nếu TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực trong tương lai gần, sẽ mang lại lợi ích gì cho cả nước, thưa ông?
- TP.HCM đóng góp trên dưới 1/4 ngân sách cả nước, đứng hàng đầu về du lịch, xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hóa và giao thông vận tải. Do đó, bất kỳ biến động kinh tế nào của TP.HCM, cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến phần còn lại của cả nước. Nếu TP.HCM vươn tầm khu vực và châu Á sẽ tác động rất tích cực tới địa phương khác. Ví dụ, một khi HOSE được nhiều doanh nghiệp toàn cầu chọn làm nơi IPO, TP.HCM sẽ thu hút thêm nhiều vốn, chuyên gia và công nghệ hiện đại. Các nguồn lực này không chỉ tập trung ở Thành phố mà còn lan toả đến các tỉnh thành khác…
* Cảm ơn ông!