Thuê xe tự lái dịp Tết nên chú ý những gì?

Bảo Quân| 24/01/2022 03:00

Trái ngược với giai đoạn "ngủ đông" giữa năm, dịch vụ cho thuê ô tô tự lái cận Tết Nhâm Dần 2022 đã nhộn nhịp trở lại, và để việc lái xe về quê dịp Tết được trọn vẹn, người thuê xe cần chú ý 4 điểm dưới đây.

Dịp Tết Nhâm Dần 2022, do lo lắng tình trạng đông đúc, chen lấn ở các sân bay, bến xe hay nhà ga làm lây lan dịch bệnh, nhiều người đã quyết định thay đổi phương thức di chuyển, tìm đến hình thức thuê ô tô tự lái, giúp thị trường này sôi động trở lại sau giai đoạn "ngủ đông".

[Caption]

Dịch vụ thuê xe tự lái tại TP.HCM sôi động trở lại vào dịp cuối năm.

Bên cạnh dịch vụ cho thuê ô tô tự lái truyền thống, nhiều ứng dụng (app) cho thuê giúp người thuê có thêm lựa chọn về loại xe, giá cả cùng dịch vụ đi kèm. Và, đi cùng với đó là một số lưu ý để việc thuê xe được suôn sẻ, tránh ảnh hưởng đến không khí của chuyến đi chơi đầu năm hay làm người thuê "mất tiền không đáng".

1. Lựa chọn xe phù hợp mục đích sử dụng và đặt sớm

Người thuê nên dự tính quãng đường bao xa, điều kiện địa hình, thời gian đi và số lượng người đi. Xác định rõ mục đích sẽ giúp chọn được loại xe phù hợp và gói dịch vụ thuê xe tương ứng (theo ngày hay km). Ví dụ, gia đình 3-5 người có thể thuê sedan hạng B hoặc C. Nếu thuê cỡ A sẽ kém thoải mái và không chở được nhiều hành lý, trong khi xe 7 chỗ có giá đắt hơn nhiều và dư hàng ghế cuối. Nếu đi đông người, MPV hoặc SUV là đáp án.

Tiếp đến, người thuê nên nghĩ đến điều kiện địa hình di chuyển. Nếu chủ yếu đi đồi núi, đường gập ghềnh, nên ưu tiên chọn xe gầm cao hoặc bán tải. Nếu người lái chỉ có giấy phép lái xe B1 số tự động hoặc ít khi lái xe số sàn, thì chỉ nên chọn xe số tự động.

Giai đoạn đầu năm Âm lịch, nhu cầu thuê xe tự lái tăng mạnh, nên người dùng cần sớm liên hệ bên cho thuê để chọn được ô tô phù hợp với mục đích sử dụng, tránh "chậm chân" rồi rơi vào tình huống buộc phải nhận loại xe không ưng ý. Vào thời điểm thường xuyên "cháy" xe cho thuê như các kì nghỉ dài, nên gọi và đặt thuê trước ngày sử dụng từ 2 tuần đến 1 tháng. Nhiều người vì chủ quan, cho rằng lượng xe cho thuê nhiều, nên đến cận ngày mới hỏi thuê thì đã không còn xe hoặc nếu còn thì bị "hét giá" cao gấp rưỡi bình thường.

Link bài viết

2. Tham khảo nhiều nơi cho thuê, loại xe và mức giá

Để thuê được xe trong thời gian mong muốn với giá hợp lý, nên tham khảo nhiều địa điểm trước khi quyết định và nên đặt cọc trước để chắc chắn có xe. Khi thỏa thuận đặt cọc, hãy thêm điều khoản đền bù cụ thể của nơi cho thuê trong trường hợp không giao xe đúng hẹn.

Hiện, có 2 hình thức thuê ô tô tự lái phổ biến là qua các công ty dịch vụ và qua ứng dụng, bên cạnh thuê xe của cá nhân hay người quen. Trong đó, các công ty vào dịp Tết thường ưu tiên khách thuê dài ngày bằng các gói 7, 10 hoặc 14 ngày; giá thuê lẻ sẽ cao hơn. Ngoài ra, nếu thuê trước hoặc sau giai đoạn cao điểm thì có thể được giá tốt.

Theo một khảo sát của báo Tuổi Trẻ tại TP.HCM, ô tô cho thuê tự lái 4 chỗ phổ biến ở các dòng Toyota Altis, Camry, Mazda 3, Honda City... Với 7 chỗ là Fortuner, Ford Everest, Innova G, Kia Sedona và 16 chỗ là Ford Transit, Mercedes Sprinter. Giá thuê theo ngày đối với dòng 4 chỗ từ 1,1-1,5 triệu đồng, tương ứng thời gian thuê 4-14 ngày; giá thuê trọn gói 6-12 triệu đồng. Với xe 7 chỗ, giá thuê theo ngày từ 1,8-2,5 triệu đồng, tương ứng thời gian thuê 4-14 ngày; giá thuê trọn gói 10-25 triệu đồng.

Trong khi đó, theo một khảo sát của báo Lao Động cho biết, trên ứng dụng Chungxe - công ty cung cấp dịch vụ cho thuê xe tự lái, giá thuê theo gói vẫn tiết kiệm hơn so với thuê ngày lẻ. Ứng dụng này đưa ra cho khách hàng 3 gói 7, 10 và 14 ngày với mức giá khác nhau.

Cụ thể, giá thuê dịp Tết xe 5 chỗ hạng A là 1,2-1.5 triệu đồng/ngày tùy gói; 5 chỗ hạng B 1,4-1,8 triệu đồng/ngày tùy gói; 5 chỗ hạng C từ 1,6-2,5 triệu đồng/ngày và 7 chỗ là 3,2-4 triệu đồng/ngày. Trên ứng dụng cho thuê xe Sigo cũng có gói cho thuê Tết âm lịch trong 10 ngày với giá 1-1,5 triệu đồng/ngày tùy mẫu với xe 5 chỗ; 1,4-2,1 triệu đồng/ngày với xe 7 chỗ. Còn Aleka cung cấp dịch vụ cho thuê kèm tài xế với quãng đường 200km là 1,9 triệu đồng. Nếu khách muốn giữ xe lại trong 3 ngày, mức phí cho thuê lên đến 11 triệu đồng. Khách phải trả thêm 10.000đ/km và 200.000đ/giờ vượt quy định.

Người thuê cần đọc kỹ hợp đồng và nắm rõ thủ tục cho thuê của bên cho thuê dù đã lựa chọn được xe phù hợp

Người thuê cần đọc kỹ hợp đồng và nắm rõ thủ tục cho thuê của bên cho thuê dù đã lựa chọn được xe phù hợp

3. Nắm rõ điều khoản thuê xe

Người thuê cần đọc kỹ hợp đồng và nắm rõ thủ tục cho thuê của bên cho thuê. Về thủ tục thuê xe, thông thường bên cho thuê sẽ yêu cầu người thuê phải có giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, phương tiện thế chấp. Tùy theo nơi cho thuê mà khách hàng có thể được yêu cầu ký quỹ tiền mặt, ký gửi giấy tờ hoặc phương tiện khác trong quá trình sử dụng xe thuê.

Tiếp đó, cần nắm rõ các khoản có thể phát sinh ngoài chi phí tính theo ngày hoặc số km di chuyển. Danh sách có thể kể đến phí giao/nhận xe tận nơi, phí phạt khi trả xe chậm, phí đi vượt km quy định… Đồng thời, cần chú ý phần quan trọng là quy trình xử lý khi xe phát sinh sự cố, tai nạn khi thuê.

Link bài viết

Thông thường, người thuê sẽ phải tự bỏ tiền để khắc phục hư hại do mình gây ra. Nếu xe có bảo hiểm tai nạn, chi phí này có thể được giảm trừ, song khách hàng vẫn phải trả thêm tiền thuê xe trong thời gian phương tiện được sửa chữa.

4. Kiểm tra giấy tờ và nội, ngoại thất xe khi giao, nhận

Người thuê ô tô tự lái nên kiểm tra thời hạn lưu hành và giấy tờ xe để tránh gặp rắc rối trong trường hợp bị cảnh sát giao thông tuýt còi. Với các loại xe đã hết hạn đăng kiểm, mức phạt là 2-3 triệu đồng cùng với 30 ngày giữ xe.

Ngoài kiểm tra giấy tờ xe, người thuê cần kiểm tra bản thân xe thật kỹ khi giao, nhận để không phải chịu các khoản phí từ "trên trời rơi xuống". Chẳng hạn, nếu chỉ kiểm tra vỏ xe qua loa, khi về có khả năng người thuê sẽ phải chi tiền đền một vết xước bị bùn đất che lấp và "có từ đời nào" với giá không rẻ.

Do đó, hãy kiểm tra thật kỹ các vết xước, vành bánh, gương kính, đèn pha, hậu và ghi chi tiết vào thoả thuận nếu không muốn "mất tiền oan". Đối với một số mẫu xe, hãy để mắt đến cả lốp sơ cua và phụ tùng đi kèm. Về máy móc và tình trạng xăng, người thuê có thể nhìn biển đăng ký để tránh thuê phải xe quá cũ và có thể lái thử một đoạn để xem máy móc.

Nhìn chung, danh sách cần kiểm tra tổng quan gồm hiện trạng nội/ngoại thất, tình trạng khoang động cơ với nước làm mát, nước rửa kính, tình trạng hệ thống điện, tính năng trong cabin, mâm lốp, bánh dự phòng, số odo và mức nhiên liệu... Nếu kỹ hơn, khách nên chụp hình hoặc quay video lại tình trạng ô tô thuê trước khi được bàn giao để có cơ sở đối chứng khi cần thiết, tránh tình trạng phát sinh tranh cãi, "bắt đền" khi trả xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thuê xe tự lái dịp Tết nên chú ý những gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO