Truyền thông trả giá: Ai cũng làm "phóng viên"!

12/07/2012 02:09

Góp tay làm rối tung làng giải trí Việt thời gian qua, ngoài nghệ sĩ, có “tội” không nhỏ của nhiều trang mạng.

Truyền thông trả giá: Ai cũng làm

Góp tay làm rối tung làng giải trí Việt thời gian qua, ngoài nghệ sĩ, có “tội” không nhỏ của nhiều trang mạng. Chính những tác nhân này đã làm đảo lộn các thang giá trị của đời sống văn hóa nghệ thuật, đưa công chúng chìm trong các vụ xì-căng- đan, không đếm xỉa đến nỗ lực phấn đấu của nhiều người vì sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật chân chính.

Sử dụng đội ngũ không có nghề nên thông tin đến với độc giả quá cẩu thả, không hề có sự sàng lọc, kiểm chứng; nguy hiểm hơn là rất dễ bị lợi dụng.

Cao Thái Sơn (X) đang phân trần mình có đồng tính hay không. Ảnh: NGÔI SAO

Một số đơn vị chủ quản của những trang thông tin điện tử đang phải hầu tòa, phải công khai xin lỗi vì thông tin quá đà qua vụ đường dây mua bán dâm của một số người đẹp bị cơ quan chức năng bóc gỡ mới đây, khi những thông tin này không có chứng cứ, chủ yếu là suy đoán để câu người đọc, đã làm ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của một vài cá nhân là nghệ sĩ, người mẫu.  

Hành nghề lôm côm

Lượng báo nở rộ, nhất là số trang thông tin mạng, khiến phóng viên trẻ xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”. Nhiều người chưa có nghề nhưng nhiệt tình, thích nghề báo nên tình nguyện cộng tác cho các trang mạng và cũng đi tác nghiệp, viết tin, bài, chụp ảnh như một nhà báo thực thụ.

Chọn lĩnh vực nghệ thuật để khai thác thông tin nhưng do chưa có nhiều mối quan hệ nên đa phần phóng viên trẻ rất chú trọng săn sự kiện. Họ nhiệt tình tác nghiệp rồi nhanh nhảu đưa tin, bài lên mạng.

Tuy nhiên, hầu hết bài này đều được tác nghiệp và thể hiện một cách dễ dãi, không sàng lọc hay kiểm chứng thận trọng. Thậm chí, do thiếu kinh nghiệm nên ngay cả cách tác nghiệp cũng đã gây không ít chuyện “dở khóc dở cười”.

Khó ai có thể tưởng tượng ra ở buổi “họp báo” không cần xin phép của ca sĩ Cao Thái Sơn tổ chức mới đây, chủ yếu để nghe ca sĩ này trần tình về những thông tin cho rằng anh bê bối lừa tình, tiền; nhiều phóng viên trẻ nháo nhào chụp ảnh đến mức ban tổ chức phải đứng ra khuyên can, biến buổi “họp báo” thành một cái chợ bát nháo.

Họ chỉ cố gắng chụp thật nhiều ảnh, ghi nhận vội vàng những lời trần tình của nhân vật rồi nhanh chóng đưa thông tin nói qua nói lại của những người có liên quan lên trang mạng với những nhận định mang tính suy diễn của người viết.

Một số người hoạt động trong giới nghệ thuật dưới dạng quản lý, thậm chí làm chân sai vặt của các nghệ sĩ hạng sao, cũng chuyển qua làm phóng viên. Họ dựa vào mối quan hệ với các nghệ sĩ, cộng tác đưa tin cho các trang mạng một thời gian rồi chuyển hẳn sang nghề viết lách.

Và chính điều này dẫn đến hệ quả là thông tin đến với độc giả quá cẩu thả, không hề có sự sàng lọc, kiểm chứng. Nguy hiểm hơn, những tay viết trẻ này vẫn chưa hiểu rõ được nghề, vẫn còn non yếu trong nhận thức vấn đề nên rất dễ trở thành đối tượng bị giới giải trí lợi dụng.

Thậm chí một số nghệ sĩ sử dụng các phóng viên “tay mơ” như người giúp việc, bị lợi dụng mà bản thân họ chẳng hay biết gì.

Chầu chực hàng giờ trước khi sự kiện diễn ra, liên tục chĩa máy ảnh vào nhân vật chính..., đưa tin “tất tần tật” mọi chuyện về người nổi tiếng là hình ảnh thường thấy ở một bộ phận phóng viên trang mạng mạng hiện nay.

Vì vậy, một số người nổi tiếng lợi dụng sự nhanh nhạy của các trang tin điện tử, hời hợt của nhiều phóng viên tung chiêu “đánh bóng” bản thân mà không tốn tiền.

Cửa hàng “thịt tươi”

Không phải tự nhiên, các chân dài, người đẹp lắm chiêu có thể ngày ngày xuất hiện hình ảnh trên nhiều trang mạng. Không ít website muốn “câu” nhiều lượt truy cập đã không ngại sử dụng nhiều hình ảnh nóng bỏng, phơi da thịt của một số người mẫu trẻ.

Có cầu ắt có cung, nhận thấy cơ hội được xuất hiện trước công chúng lại chẳng bỏ tiền ra để được viết bài giới thiệu, những hotgirl, hoa khôi cấp phường hay người mẫu thường thường bậc trung thi nhau tung tin “nóng”.

Họ không ngại chụp ảnh trong những bộ trang phục “thiếu vải”, gửi trực tiếp đến các phóng viên kèm theo thông tin giới thiệu. Nếu được đăng dù chỉ trên website, tên của họ cũng được nhắc đến và công chúng nhảy vào bàn luận. Dù khen hay chê, phê phán, chỉ trích thì họ cũng thỏa mãn.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam nói: “Nhiều trang mạng thời nay đã thực sự trở thành một cửa hàng thịt online!”. Dẫn chứng cho lời của mình, anh kể hàng loạt tít tựa gây sốc với ngôn từ nhạy cảm, những tấm ảnh “thiếu vải” của các người đẹp nhưng kéo dài đến gần 10 kỳ, những cảnh “lộ hàng” một cách cố ý…

Rõ ràng, điều này đã đem lại lợi ích không nhỏ cho những người cố tình khoe thân, một hình thức tiếp thị miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyền thông trả giá: Ai cũng làm "phóng viên"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO