Những ngã tư hương tình

PHƯƠNG HÀ| 04/06/2009 04:41

Đã hai năm không có máy bay xé trời, không có pháo bầy khoan bung lòng đất, không có trọng liên phá toang lồng ngực, không có xe tăng vằn vện chĩa ca-nông băm nát bờ tre, gốc rạ; đã hai năm dân lánh nạn lục tục trở về xóm ấp, làm nên vụ gặt đầu tiên, làm xanh lại vạt cỏ, luống khoai..., vậy mà tôi không thể tìm được em!

Những ngã tư hương tình

Đã hai năm không có máy bay xé trời, không có pháo bầy khoan bung lòng đất, không có trọng liên phá toang lồng ngực, không có xe tăng vằn vện chĩa ca-nông băm nát bờ tre, gốc rạ; đã hai năm dân lánh nạn lục tục trở về xóm ấp, làm nên vụ gặt đầu tiên, làm xanh lại vạt cỏ, luống khoai..., vậy mà tôi không thể tìm được em!

 .. Đã hai năm dân lánh nạn lục tục trở về xóm ấp, làm nên vụ gặt đầu tiên, làm xanh lại vạt cỏ, luống khoai..., vậy mà tôi không thể tìm được em!...

1. Hai năm chiến tranh, với đất nước là hai thế kỷ, với em và tôi dài bằng hai đầu nỗi nhớ. Hai năm hòa bình, đồng đội xếp hàng vào nghĩa trang, đồng đội trở thành nông dân, trở thành buôn lậu, trở thành sĩ quan, trở thành phế binh..., còn với tôi là dằng dặc tìm em, dằng dặc đắm chìm trong ký ức trận mạc, đến nỗi tiếng sấm ngỡ tiếng bom rền, tiếng vạc khắc khoải trong đêm tưởng là mật khẩu tìm nhau của lính trinh sát...

Em có nhớ buổi trưa tháng 5 ngột ngạt ấy, qua đường dây thông tin mặt trận, chúng mình hẹn gặp nhau ở ngã tư Hương Tình, trước khi em theo Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu, anh theo một trung đoàn chủ lực tiến xuống đồng bằng, mà cả hai đứa chỉ loáng thoáng biết được tham gia đợt hai chiến dịch tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968).

Thời gian trôi qua, cả trong chiến tranh, cả trong hòa bình, chúng mình xa nhau đã 9 năm, nhưng chắc em không thể quên ngã tư ấy, ngã tư trên một nhánh đường mòn Hồ Chí Minh, có cái tên đối lập hoàn toàn với sự khốc liệt của chiến tranh, có hai hướng chính vào Nam ra Bắc, hai hướng phụ xuống đồng bằng Thừa Thiên và lên Tây Trường Sơn, qua nước bạn Lào. Đường Hồ Chí Minh có biết bao ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, trên bản đồ quân sự, chúng được đặt tên theo con số, theo mật danh, nhưng với em và tôi, những ngã rẽ ấy đều có tên, do những người lính đặt, như ngã ba Tâm Tình, ngã tư Hò Hẹn, ngã năm Chia Xa...

Những cái tên ấy đều có “sự tích”, ghi dấu nơi những người lính Giải phóng, những cô gái Thanh niên xung phong vào Nam ra Bắc,
xuống Đông Trường Sơn, lên Tây Trường Sơn, gặp nhau, xa nhau, thường là xa mãi mãi. Lính Binh đoàn Trường Sơn truyền miệng, mấy cây dẻ chụm đầu vào nhau ở ngã tư ấy, quanh năm nở hoa, quanh năm cho trái chín, dịu nhẹ trùm hương thơm lên một khu rừng già chen chúc cổ thụ, nên những hôm máy bay Mỹ không thả bom phá đường, các cô Thanh niên xung phong thường rủ nhau ra đón bộ đội hành quân ngang qua, chỉ để được nhìn nhau, được nói cười, trêu chọc thỏa thích, chỉ để được nắm vội tay nhau. Vậy mà trong sự vội vã ấy, có một mối tình rất lãng đãng mà cũng rất đắm say, như là tình cờ, như là trời định...

Ba lần đi đón lính, ba lần cô gái ấy đều nắm đúng bàn tay một chàng trai. Cái lần thứ ba ấy, họ không thể buông nhau, tay trong tay dìu nhau chạy vào lòng rừng, rừng che chở họ, mặc cho đoàn quân của chàng trai cứ tiến, mặc cho đồng đội của cô gái kêu thất thanh... Họ sống trọn vẹn cho nhau nửa ngày và một đêm, sáng sớm hôm sau, người lính đuổi theo đơn vị, cô gái trở lại công việc mở đường thông xe, phá bom nổ chậm.

Người lính đi sâu vào Nam, không còn tin tức. Cô gái đu mình trên cánh cửa một chiếc xe tải dẫn đường cho cả đoàn xe chở đạn ra mặt trận vượt ngầm, cố vượt khỏi cung đường đang bị hàng chục máy bay phản lực Mỹ oanh tạc. Một ánh chớp chói loà bên trái chiếc xe, người lính cầm lái bị mảnh bom phạt nửa đầu, cô gái chồm qua xác anh, nắm chặt vô lăng đưa đoàn xe lách vào bãi đỗ an toàn rồi đổ vật xuống đất. Cô bị một viên trọng liên từ máy bay xuyên qua đùi non, đâm vào động mạch, đứa con ba tháng tuổi hy sinh cùng mẹ! Chỉ còn lại cái ngã tư họ gặp nhau, được đồng đội đặt tên là Hương Tình để nhớ về họ...

Từ xa tôi đã thấy tấm lưng em thon thả buông hờ mái tóc dày dưới vành mũ tai bèo, bên gốc mấy cây dẻ chụm đầu, nơi cô gái và chàng trai ba lần gặp nhau rồi chia xa mãi mãi. Muốn em bất ngờ khi nhận ra hơi ấm bàn tay tôi, nhưng hình như em biết tôi đang đi đến, rất khẽ, đến mức lá khô trên con đường mòn cũng không vỡ, đã quay lại với nụ cười thật tươi. Em không trách tôi đến trễ vì
biết đường rừng lúc gặp thú giữ, lúc gặp pháo bầy, bom tọa độ, có khi phải tránh hoặc đánh nhau với biệt kích, nếu là mùa mưa thì phải vượt lũ, nhưng tôi thấy có lỗi vì để em thân gái một mình đơn côi giữa heo hút đại ngàn, có thể gặp tai họa bất cứ lúc nào...

Hãy ngồi với nhau thêm chút nữa, em. Lúc này trên đầu chúng mình chỉ có vòm lá xanh, trên vòm lá xanh là bầu trời xanh không một tiếng động, chung quanh chúng mình là không gian xanh với suối nước thì thầm, với tiếng chim rúc rích. Em hãy hình dung chúng mình đang tận hưởng những giây phút không có chiến tranh. Chặng đường từ ngã tư Hương Tình đến trạm giao liên để xuống đồng bằng, tôi vẫn thường qua lại, biết bao đèo dốc, có dốc lởm chởm đá, rỉ nước quanh năm, trơn tuột, sơ sẩy một bấm chân là đổ ào xuống vực, vậy mà hôm nay được đi bên em, sao mà ngắn ngủi, sao mà dễ dàng!

Chút nữa thôi em, chúng mình phải mỗi đứa một nơi, lặn vào đêm, theo các hướng đã vạch sẵn trên bản đồ, mất hút giữa khói bom. Sống chết trong chiến tranh không thể tính bằng giờ, bằng giây, mà bằng một tầm đạn. Ta nghỉ chút đi em. Trời chiều giữa bịt bùng rừng không bóng núi nghiêng, chỉ có hai đứa mình, như anh lính nọ và cô gái thông đường kia, hãy dành chút thời gian quá ít cho nhau bằng hơi ấm hai bờ vai. Chỉ cần vậy là chúng mình đủ niềm tin để mà sống, mà đánh giặc, cho đến lần gặp sau.

2. Đợt một của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, tôi theo một cánh quân chủ lực vào Huế, sau khi tổng biên tập tờ báo quân khu tổ chức cho toà soạn làm lễ “ly sơn” với quyết tâm không trở lại rừng. Những phóng viên như tôi, do được đi nhiều, biết rõ lực lượng hai bên ở chiến trường Trị - Thiên - Huế, biết một phần lực lượng của Bộ Tổng tư lệnh đã tập kết ở Tây Trường Sơn, biết cả tàu hải
quân có thể tăng viện khi cần thiết, vẫn không nghĩ đây là trận chiến cuối cùng để kết thúc cuộc chiến tranh giữ nước, tất nhiên chẳng ai dám nói ra điều đó vì kỷ luật chiến trường không được phép thiếu niềm tin, nên đã bí mật chôn giấu số gạo và muối dự phòng, mà theo lệnh, cứ để trên giàn bếp Hoàng Cầm, may ra có đồng bào Tà ôi, Vân kiều tìm đến. Chúng tôi cũng không dở lán trại, phá hủy hầm tránh bom pháo và giao thông hào như nhiều cơ quan của Quân khu, Khu ủy để biểu hiện quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong dịp Tết này.

Cuộc chiến ở Huế vô cùng ác liệt, quân chủ lực Quân khu tổn thất nặng nề mà vẫn không chiếm được đồn Mang Cá, nơi đóng sở chỉ huy Sư đoàn 1 Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Khi quân Mỹ đưa Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 với 500 máy bay trực thăng đủ loại, hiện đại nhất mà nước Mỹ có vào phản kích và tăng cường pháo từ Hạm đội 7, Quân Giải phóng phải rút lui. Chúng tôi trở lại rừng sau gần một tháng quần nhau với địch, quân số hao hụt, mệt mỏi bơ phờ. Những hạt gạo, hạt muối mà đám phóng viên “láu cá” chúng tôi giấu được trở nên vô cùng quý giá, không những giúp tòa báo qua cơn ngặt nghèo mà còn cứu đói tạm thời cho vài cơ
quan bạn.

Trong khi tôi vào Huế thì em xuống mặt trận Quảng Trị, với nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh, bởi theo kế hoạch, phải bắt được sĩ quan và lính Mỹ. Hai tiểu đoàn chủ lực và mấy đại đội bộ đội địa phương không hoàn thành nhiệm vụ chiếm Thành cổ, nhưng vẫn bám ngoại vi thị xã đánh phản kích cho đến lúc không trụ nỗi vì Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 ồ ạt đổ quân hòng tiêu diệt lực lượng Quân Giải phóng lúc này đã rất mỏng. Đã có lệnh lui quân, nhưng Ban chỉ huy tiền phương bị kẹt giữa vòng vây quân Mỹ, đại đội vệ binh mở đường với không ít tổn thất nhưng không thành công. Giữa lúc cam go nhất, em đề nghị được đi trinh sát.

Chỉ huy trưởng hoàn toàn không muốn để chiến sĩ quân báo độc nhất của mặt trận rất có thể hy sinh hoặc rơi vào tay địch, nhưng khi nghe em trình bày kế hoạch, đã miễn cưỡng đồng ý. Lợi dụng một số dân còn kẹt giữa hai trận tuyến, trong bộ cánh như một nữ sinh trung học, em bắt chuyện với tốp lính Mỹ này đến tốp lính Mỹ khác, thân thiện đến mức như họ là bạn. Trong khi lính Mỹ tranh nhau tỏ thiện cảm với “người đẹp” thì em thu vào trí nhớ các tuyến bố phòng và những loại hỏa lực của địch.

Đêm rằm tháng giêng rét héo da thịt, mưa lất phất, những con đường ngoại vi thị xã lép nhép bùn, trơn tuột, em dẫn Ban chỉ huy lách giữa những khe hở dày đặc hầm hào của địch, thận trọng từng bước chân, vậy mà khi sắp thoát vòng vây, ai đó ngã, làm lính Mỹ chồm dậy, vãi đạn đỏ rực bầu trời. Đại đội trưởng vệ binh hy sinh, bắp chân trắng ngần của em bị mảnh M79 xuyên ngang. Trong khi sắp sa vào tay đối phương, em chợt nhớ mình còn có đồng bào, lấy súng carbin làm gậy, tựa vào nó, một chân nhảy cò cò vào căn nhà gần nhất.

Nhà chỉ có ba mẹ con đang nép vào nhau dưới hầm tránh pháo, vì lạnh, vì sợ. Thấy cô gái với súng và thắt lưng quân dụng, chị chủ nhà biết là Việt Cộng, nhưng không bất ngờ, bởi nhiều ngày qua, chị đã quen với những con người mà nếu không mặc quân phục cỏ úa, không đội mũ tai bèo thì cũng như dân làng của chị, chắc cũng là thợ cấy thợ cày, nghề mộc nghề rèn. Mà cô gái Việt Cộng
này coi ngồ ngộ, trắng trẻo, xinh xắn, chắc bằng tuổi em gái chị đang học bác sĩ ở Sài Gòn.

Không còn tiếng súng, con gà trống sau chái bếp đập cánh gáy sáng, nhưng không còn lanh lãnh, có lẻ nó hít phải quá nhiều khói đạn. Chị đun nước rửa vết thương cho em, đỡ em ngồi tựa vào vách hầm rồi cầu nguyện. Em không nghe được chị xin Đức chúa Trời điều gì, nhưng qua nét mặt và ánh mắt, em đoán trong những lời thành khẩn đó, có một phần dành cho mình. Em không nghĩ chị là người có cảm tình với cách mạng, bởi như bao người dân thị thành khác, có thể chị không hiểu cách mạng là gì, nhưng lơ mơ biết rằng, nước Mỹ xa xôi đã đem bom đạn dội xuống đồng bào mình, làng xóm mình là không thể chấp nhận, nên khi gặp một cô gái dám đánh Mỹ, lại bị thương, chị có thiện cảm, nên sẵn lòng giúp đỡ. Chồng chị đi lính Cộng hòa, bắt buộc chứ không tự nguyện, vì không ai muốnchết cho quyền lực và sự giàu sang của kẻ khác.

Qua đài phát thanh Huế, đài phát thanh Sài Gòn, chị biết Việt Cộng đã đánh vào tất cả các thành phố, thị xã miền Nam, nhưng không biết chồng mình đang ở đâu, còn hay mất. Khi chiến sự nổ ra, bất ngờ quá, ba mẹ con chị không kịp tản cư, bịkẹt giữa hai làn đạn, và bây giờ thì chứa chấp một Việt Cộng. Trời sáng đã lâu, không gian đục ngầu nước, gió bấc từng đợt, từng đợt luồn vào da thịt, vết thương trên cơ thể em càng tím tái, dội cơn đau theo từng nhịp tim.

Biết em lo chị bị liên lụy nếu đối phương phát hiện ra em là Việt Cộng, chị nói cứ yên tâm chữa lành vết thương, lính Mỹ thì chủ quan, trong vùng do chúng kiểm soát, chúng không thể ngờ có Việt Cộng, sẽ tưởng em là em của chị, cái cô gái buổi sáng đã vui vẻ với chúng, chẳng may bị đạn, còn lính Cộng hòa thì không lục soátnhững gia đình có người cũng là lính như họ, chỉ đáng ngại là đám hội đồng xã, nhưng còn lâu những kẻ rất sợ Việt Cộng này mới dám trở về.

Rất may là vết thương không bị nhiễm trùng nên mươi hôm sau em đã đi lại được. Người đàn bà còn xuân sắc ấy, lợi dụng lúc trời sắp sáng, nhiều người đi chợ, đã đưa em sang sông Thạch Hãn, ra đến Ái Tử, từ đó em bắt liên lạc với Huyện đội Triệu Phong rồi theo giao liên vũ trang lên chiến khu. Lần nữa em gặp may, chỉ huy trưởng mặt trận vượt được vòng vây, đang rất buồn vì nhớ cô lính quân báo cũng như nhiều sĩ quan và chiến sĩ trong đơn vị đã hy sinh, bất chợt em trở về, chỉ bảo làm tường trình những ngày bị kẹt lại vùng địch hậu chứ không bắt kiểm điểm rồi đưa sang Tây Trường Sơn làm rẫy để thử thách lòng kiên trung, bởi ông tin em.

3. Đợt hai của cuộc tổng tấn công, chúng tôi không được lệnh ly sơn nữa, mà được lệnh tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, nhất là quân chủ lực của chúng. Cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân của Quân Giải phóng, qua truyền hình, đã vào tận giường ngủ người dân Mỹ, càng làm cho họ không còn niềm tin vào chiến thắng, càng thấy cuộc chiếntranh do chính phủ tiến hành ở Việt Nam là phi nghĩa, buộc họ phải xuống đường đòi đưa con em họ về nước.

Từ thực tế chiến trường và qua các nguồn tin tình báo, Bộ thống soái nhận định, Mỹ buộc phải đàm phán với ta để chấm dứt chiến tranh và thắng hay thua trên mặt trận ngoại giao là do chiến trường quyết định. Sau Mậu Thân, Bộ Quốc phòng Hoa kỳ và Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn cho rằng còn lâu Việt Cộng mới tổ chức được những trận đánh lớn, nên càng bất ngờ khi Quân Giải phóng lại tiến công trên khắp các mặt trận, dù không đánh vào trung tâm các thành phố.

Tại chiến trường Trị - Thiên - Huế, sau Tết Mậu Thân, Mỹ và Quân lực Sài Gòn nống ra lập các cứ điểm cấp trung đoàn trở lên dọc theo vùng trung du để khống chế chiến khu và cắt đứt đường tiếp tế lương thực từ đồng bằng lên rừng, nên việc tiêu diệt các cứ điểm này và giải phóng những vùng nông thôn bị địch kiểm soát là nhiệm vụ cấp bách của quân chủ lực cũng như bộ đội địa phương.

Tôi mải miết theo chiến dịch và không thể bắt liên lạc được với em, có lúc biết nơi đơn vị em đóng quân cách một tầm ống nhòm mà đành gửi thương nhớ vào ánh mắt xót xa chờ mong. Những ai yêu nhau trong chiến tranh chắc cũng như chúng tôi, không lo tính mạng bản thân mà luôn phấp phỏng sự an nguy của người thương. Không thể gửi thư cho em, tôi trút khắc khoải thương nhớ xen vào những trang nhật ký trận mạc, những ghi chép vội vã dưới ánh sáng ma quái của hỏa châu, của pháo sáng dù - tư liệu
cho những bài báo có xương máu đồng đội và rất có thể có tính mạng của chính mình.

Chiến trường Trị - Thiên - Huế trải dài từ Đông Trường Sơn xuống biển, từ đèo Hải Vân ra sông Hiền Lương, nơi là giới tuyến tạm thời chia cắt Bắc - Nam hai năm mà đã 14 năm non sông vẫn hai miền, dằng dặc như càng ngày tôi càng xa em, dù đã tìm nhau qua từng tin chiến sự, qua từng tin giao liên...

Giữa tháng 10/1968, trong khi chiến trường lặng bớt tiếng súng, nhiều đơn vị được rút về rừng chỉnh quân, bổ sung quân số thì tôi được lệnh luồn sâu vào vùng địch kiểm soát, vừa viết về chiến tranh du kích, vừa góp phần gầy dựng lại cơ sở cách mạng trong dân vì qua hai đợt tổng tiến công, lực lượng này ở chiến trường Tri - Thiên - Huế gần như mất trắng, một số bị lộ phải thoát ly, số lớn hy sinh hoặc bị địch bắt.

Rồi cuối năm Con Khỉ ấy, tôi bị địch khui hầm bí mật ở ngoại vi thành Huế, do bị gián điệp phát hiện. Khi đã dùng mọi cực hình mà không khai thác được tin tức có giá trị từ một Việt Cộng cứng đầu, trước sau chỉ nhận là binh nhất, mới từ miền Bắc vào, địch đưa tôi ra trại tù binh Phú Quốc. Diệu vợi trùng khơi, mịt mù tin chiến trận, tôi lại càng mịt mù tin em.

4. Trở lại chiến trường xưa ngay sau ngày đất nước không còn giặc giả, tôi tìm em ở Cát Hải, một làng không xa thị xã Quảng Trị, nơi mà theo một số người trong Ban Quân báo Quân khu, em đã mất tích trong một trận chống càn khi đợt hai cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân sắp kết thúc. Tôi tìm em suốt hai năm dọc những triền cát lúc cao lúc thấp theo gió mùa, dọc theo những bụi bờ từng có
hầm bí mật do du kích đào để giấu cán bộ từ chiến khu về công tác, để trú ẩn những lúc không thể đương đầu với địch. Tôi tìm em theo manh mối của dân, mỗi người một cách chỉ dẫn. Với tôi, em không thể mất tích mà đơn côi, lạnh lẽo nằm lại đâu đó giữa lòng đất mẹ.

Tôi tìm em ròng rã hai năm, khắc khoải cho đến giữa tháng 5/1977, đúng giờ khắc của chín năm về trước, trong hoàng hôn bầm màu máu nơi trời tây, chúng mình phải buông tay nhau, trên một triền cát của làng Cát Hải đã vơi bớt vì gió, tôi đốt một nén nhang, thì thầm mong em về... Bổng nén nhang bùng cháy soi bóng em bồn chồn
đợi tôi như hôm nào ở ngã tư Hương Tình..

Chín năm là hơn ba ngàn ngày đau đáu tìm nhau...

Quảng Trị, tháng 5/1977 -
Sài Gòn, tháng 5/2009

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những ngã tư hương tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO