Người “quyền lực nhất” của mỹ thuật thế giới 2015

LÊ BẢN/DNSGCT| 31/12/2015 00:15

Danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm 2015.

Người “quyền lực nhất” của mỹ thuật thế giới 2015

Cứ vào cuối năm, tạp chí ArtReview(*) lại đưa ra danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực mỹ thuật đương đại toàn cầu (ArtReview Top 100); năm 2015 người đứng đầu danh sách này là đôi vợ chồng doanh nhân – nhà sưu tập người Thụy Sĩ Iwan và Manuela Wirth.

Đọc E-paper

Đây là lần đầu tiên Iwan và Manuela Wirth được xếp ở vị trí cao nhất của ArtReview Top 100 bởi một hội đồng thẩm định gồm 16 thành viên. Hai vợ chồng này được ca ngợi bởi những gì họ đã làm trong thời gian qua đã thay đổi mô hình mua và bán tác phẩm mỹ thuật.

Với khối tài sản được tạp chí Forbes ước tính 225 triệu USD, Iwan và Manuela Wirth được đánh giá cao hơn hẳn các nhà sưu tập tỉ phú và các doanh nhân lừng lẫy trong giới mỹ thuật, đơn cử như Larry Gagosian – ông chủ của một hệ thống 14 gallery mang tên mình tại các thành phố lớn ở Mỹ và châu Âu, với khối tài sản được Forbes ước tính 925 triệu USD.

Đôi vợ chồng nhà Wirth hiện sở hữu một “vương quốc nghệ thuật” gồm các gallery trải dài từ Zurich, London, Somerset đến New York và sắp tới là Los Angeles.

Theo chủ biên Mark Rappolt của ArtReview, Iwan và Manuela Wirth không sống trong “tháp ngà” và thay vì ôm khư khư những tác phẩm được lưu giữ trong nhiều không gian khác nhau để chỉ bán và làm giàu thêm, đôi vợ chồng ấy đã có cách làm khác hẳn: “Bạn có thể thấy điều này trong hình mẫu bảo tàng ở Los Angeles mà họ sẽ khai trương vào năm tới bên cạnh những không gian nghệ thuật đã vượt lên trên thông thường ở Zurich và New York, và ở đó có những thứ lại khác hẳn so với gallery của họ tại Somerset. Những gì họ làm không chỉ trong phạm vi một doanh nghiệp toàn cầu mà còn gắn bó mật thiết với các địa phương. Trong một chừng mực nào đó, họ đang làm mới lại mô hình gallery, thách thức các kiểu mẫu trưng bày truyền thống mà chúng ta thường vẫn làm”.

Tượng nhện của Louise Bourgeois tại gallery Hauser-Wirth ở London

Những mô hình gallery theo kiểu truyền thống mà Mark Rappolt nói tới thường gắn với hình ảnh những nhà buôn tác phẩm nghệ thuật chỉ nhắm tới lợi nhuận, những người mà cây bút nữ Catherine Milne khi viết về Iwan Wirth trên tờ The Telegraph đã mô tả họ khá là tiêu cực: “Họ có cái nhìn vô hồn khi đi ngang qua bạn, với bộ mặt trông thật chán”. Và theo cô thì Iwan Wirth không như vậy, dù là một trong những nhà kinh doanh nghệ thuật có ảnh hưởng mạnh nhất trên thế giới nhưng ông vẫn có sức thu hút mạnh mẽ người đối diện từ cái nhìn tới giọng nói, và điều hết sức khác biệt ở doanh nhân Thụy Sĩ này là các không gian nghệ thuật mà gia đình ông làm chủ luôn mở rộng cửa đón mọi người đến thưởng ngoạn. “Tôi muốn các gallery của chúng tôi luôn chào đón mọi người; chúng tôi không đặt còi báo động – cửa của chúng tôi luôn mở. Tôi coi nhân viên tiếp tân là nhân vật quan trọng nhất trong bộ máy làm việc của chúng tôi”, Iwan Wirth nói.

Một gian trưng bày tại gallery Hauser-Wirth ở London

Sinh ra và lớn lên ở thành phố St Gallen dưới chân dãy Alps, Iwan Wirth là con trai của một kiến trúc sư. Năm 16 tuổi, Iwan đã bắt đầu công việc kinh doanh nghệ thuật và bán được bức tranh đầu tiên là một tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Bruno Gasser. Năm 2010, ở tuổi tứ tuần Iwan Wirth đã có một tài sản đáng kể và lần đầu tiên được đưa vào danh sách ArtReview Top 100 nhưng ở vị trí cao hơn những tên tuổi như Charles Saatchi và cả François Pinault, ông trùm của nhà đấu giá Christie’s.

Đó là bởi các không gian nghệ thuật của Iwan Wirth và vợ ông lúc nào cũng có đông đảo khách tham quan, ngay cả khi kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái khiến nhiều gallery phải đóng cửa hẳn hay chỉ hoạt động cầm chừng: “Chúng tôi hầu như luôn mở cửa các gallery vào những thời kỳ kinh tế khó khăn. Tôi không hề lo sợ. Thị trường tạo nên sự thay đổi về nhu cầu của con người và mỹ thuật. Điều đó rất hấp dẫn”. Ông biến các gallery của gia đình mình trở thành nơi “đáng yêu và thân thiện”, là nơi “khác thường” để có thể thực hiện “những dự án nghệ thuật gây ngạc nhiên” cho người xem, và tất cả tác giả – tác phẩm cho các gallery được tìm kiếm theo hướng đó.

Tranh trong bộ sưu tập của Reinhard Onnasch (Đức) được triển lãm tại gallery Hauser-Wirth ở London

Một phần hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của Iwan Wirth chính là các nghệ sĩ mà các gallery của gia đình ông nhắm tới. Ông chưa quên một ai suốt những năm qua, kể từ khi bắt đầu sự nghiệp sưu tập nghệ thuật của mình. “Làm việc với một nghệ sĩ giống như một cuộc hôn nhân. Nó là một quyết định mà hậu quả thật mật thiết và đáng yêu”, Iwan Wirth cho biết.

Trong phòng trưng bày điêu khắc đương đại tại gallery Hauser-Wirth ở khu Chelsea, New York

Nhưng phải nói đến chính cuộc hôn nhân của ông. Ông cưới Manuela Hauser năm 1996, từ đó cô trở thành người đồng hành với ông trong kinh doanh. Họ gặp nhau khi Iwan đang cộng tác với mẹ của Manuela – bà Ursula Hauser, vốn là một nhà sưu tập danh tiếng đồng thời sở hữu một tập đoàn bán lẻ tại Thụy Sĩ. Mọi quyết định của Iwan đều có sự tham gia của Manuela.

Bà giúp ông điều hành hệ thống gallery hiện có và tiếp tục mở thêm những điểm mới. Họ có với nhau bốn đứa con đều đang ở tuổi đi học. Để có ngân sách thực hiện những không gian nghệ thuật luôn chào đón người xem, họ bán tác phẩm cho các bảo tàng quan trọng bậc nhất thế giới là Tate ở London và MoMA, Whitney ở New York. Họ đã bán tranh của Picasso, Miró, tượng của Giacometti, Henry Moore, tất nhiên với những giá kỷ lục, nhưng không bỏ qua các nghệ sĩ trẻ, chẳng hạn như Martin Creed – người đoạt giải thưởng mỹ thuật Turner danh giá ở Anh năm 2001 với tác phẩm mà nay có giá lên tới hàng trăm ngàn USD.

Với “mắt xanh” của mình, Iwan Wirth biết được tác giả nào sẽ “hot” trong tương lai để đầu tư. Ông đã chứng tỏ được mình không sai lầm khi bán được khá nhiều tác phẩm cho các nghệ sĩ chưa thành danh khi ông sưu tập tranh, tượng hay tác phẩm đương đại của họ: “Ngay từ năm 2007, chúng tôi đã kiếm được khá nhiều tiền cho các nghệ sĩ”, ông nói và kết luận: “Sưu tập (tác phẩm nghệ thuật) giống như một chứng bệnh, bạn chỉ ngưng khi mình qua đời!”.

(*)ArtReview là tạp chí mỹ thuật quốc tế có trụ sở tại London, ra đời năm 1949 và hiện được phát hành ở 28 nước

>Những thủ đô mới của mỹ thuật thế giới

>Những ngôi sao nữ của mỹ thuật đường phố

>Chứng khoán Trung Quốc khiến thị trường mỹ thuật thế giới tan nát?

>Mỹ thuật Nhật Bản truyền cảm hứng cho van Gogh như thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người “quyền lực nhất” của mỹ thuật thế giới 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO