Mạng trực tuyến cứu nền công nghiệp âm nhạc thế giới

PHÚC NHƯ THỦY| 12/05/2018 06:39

Nhờ vào thành công của mạng trực tuyến như Spotify, những ngôi sao lớn từ Ed Sheeran đến Fleetwood Mac đang hái ra tiền, ngay cả nghệ sĩ của thể loại cloud rap (vốn ít người hâm mộ) cũng đang "sống" tốt.

Mạng trực tuyến cứu nền công nghiệp âm nhạc thế giới

Một số nghệ sĩ có thu nhập cao từ mạng trực tuyến năm 2017

Suốt nhiều thập kỷ, các hãng thu âm từng đẩy giá trị một chiếc đĩa lên đến 20 bảng Anh, thu về hàng trăm triệu bảng cho một album. Rồi sau đó, trong chưa đầy một thập kỷ, ngành công nghiệp âm nhạc đổ sụp bởi nạn vi phạm bản quyền và nhiều hệ lụy khác.

Tại Mỹ - thị trường lớn nhất, doanh thu giảm từ 14,6 tỷ USD năm 1999 xuống còn 6,3 tỷ USD vào năm 2009. Tuy những năm đầu 2010, một số nghệ sĩ lớn vẫn hoạt động ổn định nhờ vào sô diễn, bán hàng hóa hay đĩa hát, nhưng các công ty âm nhạc đã phải cắt giảm chi phí và nhân sự.

Trong khi mọi người đều nói về sự suy tàn, thậm chí là sự kết thúc của ngành kinh doanh âm nhạc, thì mọi thứ đã thay đổi. Năm 2015, Universal Music Group - công ty lớn nhất trong ngành âm nhạc toàn cầu, thông báo doanh thu của Hãng đạt được hơn 5 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ đến từ phát trực tuyến.

Còn năm ngoái, doanh thu từ những người nghe nhạc trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Apple Music và Amazon Music đã tăng hơn 41%, lên 6,6 tỷ USD, chiếm hơn 38% tổng thị trường âm nhạc toàn cầu. Việc bán các định dạng vật lý, chủ yếu là CD, giảm 5,4%, xuống còn 5,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng thị trường âm nhạc toàn cầu.

Link bài viết

Lần đầu tiên vào năm ngoái, tổng thu nhập từ đăng tải trực tuyến, tải xuống và doanh thu quảng cáo xung quanh video tăng 19%, lên 9,4 tỷ USD, chiếm 54% doanh thu toàn cầu. Spotify bắt đầu phát hành cổ phiếu vào tháng 4 vừa rồi, với giá trị Công ty lên đến 25 tỷ USD. Và Apple Music đang nỗ lực tăng số lượng người dùng trả tiền, đặc biệt tại Mỹ.

Trước đây, nhiều nghệ sĩ thường không nhận được một xu nào cho đến khi album của họ được phát hành. Hiện nay, họ có thể nhận được tiền từ ngày đầu tiên phát hành bài hát hay album trên mạng trực tuyến. Khi ra mắt vào năm 2008, Spotify đảm bảo các nghệ sĩ sẽ được trả tiền ngay từ lần nghe đầu tiên và Hãng cũng hứa sẽ xóa sổ nạn vi phạm bản quyền âm nhạc.

Theo khảo sát mới nhất của Digital Music News, Apple Music trả 0,00783 USD/lượt nghe và Spotify trả 0,00397 USD/lượt nghe. Ban đầu, nhiều nghệ sĩ đã phản ứng vì cho rằng số tiền quá thấp. Tuy nhiên, trước đây, số tiền một nghệ sĩ thu được từ một album là khoản thanh toán một lần. Còn trên Spotify, mỗi lần một người nghe nghe một bài hát, nghệ sĩ sẽ nhận được một ít tiền.

Khi bài hát được phát đi phát lại nhiều lần, hoặc được thêm vào một trong những danh sách nhạc theo tâm trạng của Spotify, ví dụ như Acoustic Spring (Nhạc acoustic cho mùa xuân), nghệ sĩ có thể nhận được hàng chục triệu lượt nghe. Như vậy, những nghệ sĩ sở hữu bản "hit" có lượng phát trực tuyến cao sẽ nhận được một số tiền lớn mỗi tháng mà không cần làm gì.

Năm ngoái, YouTube - thuộc sở hữu của Google và có khoảng 1,3 tỷ người dùng, đã trả 856 triệu USD tiền bản quyền cho các công ty âm nhạc, ước tính 0,67 USD cho mỗi người dùng/năm. Thu nhập từ 272 triệu người sử dụng dịch vụ trả tiền và hỗ trợ quảng cáo cho Spotify đã tạo ra 5,57 tỷ USD tiền bản quyền và khoảng 20 USD cho mỗi người dùng/năm.

Ed Sheeran là nghệ sĩ đứng đầu bảng xếp hạng doanh số bán hàng trên mạng trực tuyến với Shape of You Divide. Chỉ riêng trên Spotify, Shape of You đã thu về 1,7 tỷ lượt nghe. Các nhà phân tích cho biết, Ed Sheeran đã nhận được hơn 50 triệu USD từ Spotify trước khi những dịch vụ phát trực tuyến khác tham gia vào. Hãng thu âm của Sheeran là Warner Music cũng thu về 1,3 tỷ USD từ riêng dịch vụ phát trực tuyến vào năm ngoái.

Mạng trực tuyến cũng đang khiến cách mà những bộ phận tìm kiếm và quản lý nghệ sĩ tìm những nghệ sĩ mới phải thay đổi. Ngày nay, tất cả các hãng thu âm lớn đều có ít nhất một chuyên gia phân tích theo dõi các xu hướng trên các nền tảng phát trực tuyến và đánh dấu những nghệ sĩ chưa ký hợp đồng đang thể hiện tốt. Điều này có nghĩa ngay cả một cậu bé vô danh đăng tải một bài hát lên Spotify và nhận được phản hồi tốt cũng có thể nhận được lời mời ký hợp đồng từ các hãng thu âm trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, các mạng trực tuyến như Spotify đã thay đổi nhiều điểm trong cách tạo ra âm nhạc. Những đoạn nhạc dẫn của các bài hát đã ngắn hơn để ngăn người nghe bỏ qua một bài hát có tiết tấu chậm. Các album dài hơn, thường từ hơn 20 bài, đơn giản vì một album có 20 bài sẽ thu về gấp đôi lợi nhuận so với một album có 10 bài.

Nhờ mạng trực tuyến, các nghệ sĩ sẽ được nổi tiếng toàn cầu, điều này rõ ràng sẽ tốt hơn nhiều so với chỉ nổi tiếng tại một đất nước. Sự sáng tạo ra rất nhiều danh sách nhạc dành riêng cho các hoạt động, như âm nhạc cho chạy bộ, âm nhạc để thư giãn... cũng đem đến nhiều thử thách cho những nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc.

Tuy nhiên, có lời cảnh báo rằng, mặc dù nghệ sĩ trước đây không thu về nhiều tiền từ bán đĩa, nhưng họ có thể phát triển mối quan hệ tài chính với người hâm mộ qua các tour biểu diễn hay bán hàng hóa... Giờ đây điều đó đã không còn, vì lượt nghe không đảm bảo liệu mọi người có muốn mua vé xem họ biểu diễn hay mua album của họ không.

Song, những lợi ích tổng thể của việc phát trực tuyến vẫn nhiều hơn những bất lợi. Có một cảm giác chung rằng phát trực tuyến đã tạo ra một nền công nghiệp âm nhạc dân chủ hơn, khi các nghệ sĩ có thể làm ra tiền mà không phải phụ thuộc vào hãng thu âm và khả năng chi tiền của khán giả không ảnh hưởng đến số tiền nghệ sĩ thu được.

(Nguồn: The Guardian) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mạng trực tuyến cứu nền công nghiệp âm nhạc thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO