Bản tin tổng hợp

Bản tin trưa 17/7: Đề xuất bố trí vốn cho hai tuyến metro kết nối TP.HCM và Bình Dương

TH 17/07/2025 11:00

Tin tức nổi bật trưa 17/7: Ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gửi thư thuế quan đến hơn 150 quốc gia; Thủ tướng yêu cầu cử cán bộ xuống cơ sở tháo gỡ vướng mắc đất đai, cấp sổ đỏ; Đề xuất bố trí vốn cho hai tuyến metro kết nối TP.HCM và Bình Dương; TP.HCM tăng kết nối giao thông công cộng với khu vực mới sáp nhập; TP.HCM sẽ di dời gần 40.000 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch đến năm 2030... và một số tin tức đáng chú ý khác

Ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gửi thư thuế quan đến hơn 150 quốc gia

Phát biểu trước báo chí tại Nhà Trắng ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tiếp tục gửi thư thông báo thuế quan đến hơn 150 quốc gia, nhằm cảnh báo về các mức thuế mới mà Mỹ chuẩn bị áp dụng, theo Hãng tin Bloomberg.

Tổng thống Trump sắp gửi thư thông báo thuế cho hơn 150 nước - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA

“Chúng tôi sẽ gửi ‘thông báo thanh toán’ đến hơn 150 quốc gia, trong đó nêu rõ mức thuế mà họ sẽ phải chịu. Các mức thuế này sẽ được áp dụng đồng đều cho nhóm nước này, vốn không phải là các nền kinh tế lớn và không có nhiều giao dịch thương mại với Mỹ”, ông Trump phát biểu.

Trong những ngày gần đây, ông Trump liên tục đưa ra các cảnh báo về việc áp thuế, cho biết biện pháp này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, nếu các nước không đạt được thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho Mỹ.

Thủ tướng yêu cầu cử cán bộ xuống cơ sở tháo gỡ vướng mắc đất đai, cấp sổ đỏ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp khẩn trương cử cán bộ xuống cơ sở để nắm tình hình, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục địa chính, giải phóng mặt bằng, xác định chủ quyền đất và cấp sổ đỏ. Các thủ tục hành chính về đất đai phải được chuẩn hóa, công khai và không phụ thuộc địa giới hành chính trong cùng cấp tỉnh, hoàn thành trước ngày 20/7.

tl.cdnchinhphu.vn-344445545208135680-2025-7-1-_13-17513620780321255789071.jpg

Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối đồng bộ với hệ thống thuế, dân cư, doanh nghiệp và dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tăng cường nhân lực, trang thiết bị tại các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã và tỉnh.

Bên cạnh đó, các bộ ngành được giao theo dõi, kiểm tra định kỳ hàng tuần, bảo đảm vận hành hiệu quả mô hình chính quyền mới, cải cách hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Đề xuất bố trí vốn cho hai tuyến metro kết nối TP.HCM và Bình Dương

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM giao nhiệm vụ và bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro kết nối TP.HCM với khu vực Bình Dương cũ.

Cụ thể, tuyến metro số 1 (TP mới Bình Dương - Suối Tiên) dài hơn 29 km, toàn bộ đi trên cao, có 17 ga và sử dụng chung depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 46.725 tỷ đồng. Dự án đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua báo cáo tiền khả thi và trình Chính phủ. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký tờ trình lên Quốc hội.

Xây 2 tuyến metro hiện đại kết nối TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai

Tuyến metro số 2 (Thủ Dầu Một - Hiệp Bình Phước) dài 21,8 km, có 13 ga và một depot tại Hiệp Bình. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 50.425 tỷ đồng, đã hoàn tất thẩm định nội bộ.

Theo Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ 1/7, các dự án metro địa phương không cần thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư như trước. Do đó, Ban Quản lý đề xuất UBND TP.HCM giao nhiệm vụ và bố trí trước mắt 10 tỷ đồng/dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn để triển khai bước chuẩn bị đầu tư.

TP.HCM tăng kết nối giao thông công cộng với khu vực mới sáp nhập

Sở Xây dựng TP.HCM đang chủ động rà soát thực tế, khảo sát nhu cầu đi lại để tái cấu trúc mạng lưới xe buýt, tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố và các phường mới sáp nhập từ tỉnh Bình Dương theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính.

Hiện tại, khu vực sáp nhập có 24 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó 55% sử dụng nhiên liệu sạch. Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đã cập nhật thông tin các tuyến này lên hệ thống điện tử tại buyttphcm.com.vn và ứng dụng MultiGo; các tuyến bị trùng mã số được ký hiệu thêm “BD” hoặc “VT”.

Người dân đi xe buýt tại TPHCM được miễn phí trong ngày 30/4

Công tác điều chỉnh mạng lưới sẽ hoàn tất trong quý IV/2025, nhằm kết nối hiệu quả các khu dân cư, khu công nghiệp và các tuyến giao thông chiến lược như Quốc lộ 13, Vành đai 3 và Metro số 1.

Sở cũng lên kế hoạch phục hồi các tuyến tạm ngưng do dịch, nghiên cứu mở tuyến mới tại khu vực Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng thời duy trì kiểm tra chất lượng dịch vụ, tăng cường tuyên truyền văn hóa giao thông và tiếp nhận phản ánh qua tổng đài 1022.

Mở rộng đối tượng và điều kiện đặc xá dịp 2/9

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 108 ngày 16/7 về triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2), nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Công điện nhấn mạnh đợt đặc xá lần này có phạm vi, quy mô, điều kiện và diện đối tượng được mở rộng hơn so với các đợt trước, nhằm thể hiện chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người chấp hành án có tiến bộ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, tham mưu, trực tiếp chỉ đạo xét đặc xá cho phạm nhân trong các trại giam thuộc Bộ quản lý, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra và kịp thời tháo gỡ vướng mắc của các địa phương, báo cáo Hội đồng tư vấn đặc xá nếu vượt thẩm quyền.

Bộ Quốc phòng và Tòa án Nhân dân Tối cao cũng được giao trách nhiệm tương tự đối với các trại giam quân đội và người đang tạm đình chỉ chấp hành án.

Trước đó, đợt đặc xá 30/4/2025 có 8.055 người được hưởng chính sách, với tỷ lệ tái phạm cực thấp: chỉ 4 trường hợp vi phạm pháp luật, chiếm 0,05%, cho thấy hiệu quả tích cực của công tác đặc xá.

Từ 1/1/2026: Áp dụng quy định mới về điều động nhà giáo

Luật Nhà giáo, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 với nhiều quy định mới liên quan đến việc điều động nhà giáo.

Theo đó, việc điều động được thực hiện trong ba trường hợp chính: bố trí lại đội ngũ do sắp xếp cơ sở giáo dục hoặc khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên; giải quyết chính sách cho giáo viên sau thời gian công tác tại vùng khó khăn; và phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Từ 1/1/2026, những trường hợp nào được điều động nhà giáo?

Luật quy định rõ nguyên tắc điều động: giáo viên phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn của vị trí mới; quá trình điều động phải minh bạch, công khai, khách quan và đúng pháp luật.

Đồng thời, một số đối tượng được miễn điều động, bao gồm: giáo viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hoặc có vợ/chồng đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi và ổn định tâm lý công tác cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

TP.HCM sẽ di dời gần 40.000 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch đến năm 2030

TP.HCM đang triển khai kế hoạch chỉnh trang đô thị với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn tất di dời, bố trí tái định cư cho gần 40.000 căn nhà trên và ven các tuyến sông, kênh, rạch.

Theo UBND TP.HCM, tính đến nay, thành phố đã di dời được 2.984 trong tổng số 6.500 căn nhà thuộc giai đoạn 2021- 2025. Dự kiến đến cuối năm 2025, sẽ hoàn thành 85,35% kế hoạch với 5.548 căn được di dời.

Hiện có 5 dự án đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các công trình hạ tầng, cải tạo môi trường. 6 dự án trọng điểm khác, trong đó có rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc kênh Đôi, đang đẩy nhanh tiến độ.

TP.HCM cũng đang xây dựng Đề án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2025 - 2030 nhằm giải quyết hơn 39.600 căn nhà còn lại trên 398 tuyến kênh, rạch thuộc 16 phường, xã. Mục tiêu là cải thiện dòng chảy, môi trường sống, phát triển hạ tầng, công viên, không gian công cộng và khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông để thúc đẩy phát triển bền vững.

TP.HCM phân chia lại việc tiếp nhận và cung cấp máu sau sáp nhập

UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản do Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy ký ngày 16/7, về việc phân chia lại phạm vi tiếp nhận và cung cấp máu sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Theo đó, từ 1/7 đến 31/12/2025, Trung tâm Truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục phụ trách tiếp nhận và cung cấp máu, chế phẩm máu cho khu vực 2 và 3 (gồm địa bàn Bình Dương cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ). Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ ký hợp đồng tiếp nhận máu với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM sau khi tổ chức này hoàn tất cơ cấu nhân sự.

hien-mau-can-tho05-read-only-175.png
Đông đảo người dân đã đi hiến máu sau lời kêu gọi của các bệnh viện do thiếu máu điều trị trong dịp hè. Ảnh: TTO

Từ 1/1/2026, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM và Bệnh viện Truyền máu Huyết học sẽ đảm nhiệm vai trò đơn vị chủ lực tiếp nhận và phân phối máu cho toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM mới.

Hội Chữ thập đỏ TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch vận động, tiếp nhận và cung cấp máu cho khu vực mở rộng, đảm bảo nhu cầu sử dụng máu phục vụ công tác điều trị từ năm 2026 trở đi.

Nhiều đại học công bố điểm sàn từ 15 cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều trường đại học đã nhanh chóng thông báo mức điểm sàn cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi này.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành công bố điểm sàn 22 cho ngành y khoa và răng hàm mặt; 21 điểm với ngành y học cổ truyền, dược học; 19 điểm cho các ngành sức khỏe khác; ngành luật và luật kinh tế là 18 điểm; các ngành còn lại ở mức sàn 15 điểm.

Những trường đại học đầu tiên công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp - Saostar.vn

Trường Đại học Công nghệ TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cùng đưa ra mức điểm sàn 15 cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT và 18 điểm cho xét học bạ.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) công bố điểm sàn 24 cho ngành thiết kế vi mạch, yêu cầu môn toán từ 8 điểm; các ngành khác dự kiến điểm sàn 22,5.

Trường Đại học Công Thương TP.HCM lấy điểm sàn 16 cho tất cả các ngành.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM yêu cầu điểm phụ từ 6–8 đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển, tùy ngành và phương thức, đặc biệt chú trọng môn toán trong các ngành kỹ thuật.

TP.HCM hướng dẫn nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM hướng dẫn người dân tra cứu vi phạm và nộp phạt trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn.

Người vi phạm có thể đăng nhập tài khoản cá nhân, tra cứu thông tin xử phạt và lựa chọn hình thức nhận kết quả tại nhà (qua VNPost) hoặc tại cơ quan xử phạt. Việc thanh toán được thực hiện thông qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công, với nhiều lựa chọn như ngân hàng điện tử, ví điện tử hoặc Mobile Money.

Cách đóng phạt giao thông online vô cùng thuận tiện và đơn giản

Mã QR hướng dẫn đã được niêm yết tại các điểm xử phạt cùng cán bộ hỗ trợ thao tác. Người dân có thể tải biên lai về thiết bị cá nhân để lưu trữ và xuất trình khi cần thiết.

Ngoài ra, người dân có thể phản ánh vi phạm, tai nạn hoặc ùn tắc giao thông qua các kênh chính thức của Công an TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin trưa 17/7: Đề xuất bố trí vốn cho hai tuyến metro kết nối TP.HCM và Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO