Giải pháp nào để chấn hưng văn hóa đọc?

KIM DUNG| 11/03/2008 06:07

Nằm trong khuôn khổ Hội sách TP.HCM lần 5, hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?” do Sáchhay.com tổ chức diễn ra vào sáng 14/3 tại Công viên Lê Văn Tám. Tính đến ngày 10/3, có hơn 10 tham luận được gửi tới ban tổ chức với tham vọng cùng mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm chấn hưng văn hóa đọc...

Giải pháp nào để chấn hưng văn hóa đọc?

Nằm trong khuôn khổ Hội sách TP.HCM lần 5, hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?” do Sáchhay.com tổ chức diễn ra vào sáng 14/3 tại Công viên Lê Văn Tám. Tính đến ngày 10/3, có hơn 10 tham luận được gửi tới ban tổ chức với tham vọng cùng mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm chấn hưng văn hóa đọc...

Xem sách tại gian hàng của sách Phương Nam - Ảnh: Quý Hòa


Không ai có thể phủ nhận vai trò của sách trong cuộc sống. Sách là phương tiện truyền đạt kiến thức vượt không gian và thời gian. Thế nhưng, một khoảng thời gian khá dài sách lại trở nên khá xa lạ với số đông người Việt. Thậm chí đa số học sinh, sinh viên, thành phần cần đọc sách nhất và có nhiều thời gian để đọc nhất lại chỉ biết đến mỗi bộ sách giáo khoa.

Vì sao vậy? Với “định nghĩa” sách không chỉ là những tác phẩm văn chương “mùi mẫn” dễ đọc mà còn là cả những công trình nghiên cứu, các loại chuyên khảo được viết đạt đến chuẩn mực của tư duy, trong bản tham luận gửi về cho ban tổ chức hội thảo “Người Việt có mê đọc sách không?”, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn khẳng định người Việt không có thói quen đọc sách. Ông chỉ ra 3 nguyên nhân: Thứ nhất là “ở ta không có văn hóa làm sách, các hoạt động xuất bản trước kia gần như chưa có”.

Thứ hai là “con người nặng về tình mà nhẹ về lý, thường thích sống trong đám đông hơn là đơn độc với chính mình - tức là thiếu những phẩm chất mà việc đọc sách đòi hỏi”. Thứ ba là “xã hội không coi trọng kiến thức, người trí thức không được đánh giá đúng mức. Khi bản thân người trí thức cũng còn lười đọc sách thì việc đông đảo người dân xa lạ với sách cũng là điều dễ hiểu”. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến tác động của việc kiếm sống và coi đây cũng là một trong những lý do khiến người Việt chưa có thói quen đọc sách.


Trong tham luận của mình, nhà nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc Phạm Xuân Thạch cho rằng chưa thể trả lời chính xác câu hỏi “Người Việt có mê đọc sách?” vì chúng ta chưa có những điều tra xã hội học quy mô, bài bản. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc sinh viên quay lưng lại với sách, đến thư viện tham khảo tư liệu chẳng qua do giảng viên bắt buộc, và ngay cả việc một số giảng viên đại học không có thói quen đọc sách là chuyện không xa lạ với mình.

Đề cập đến vấn đề chấn hưng văn hóa đọc, ông cho rằng nên hình thành một hình thức tổ chức phi chính phủ về sách ở Việt Nam, có giải pháp phát triển hệ thống thư viện công cộng (đặc biệt chú ý chất lượng), phát triển loại sách “bỏ túi” cho người nghèo, cùng sự vào cuộc nhiệt tình của các cơ quan giáo dục.


Tham luận của ông Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Minh Quân cho thấy việc chấn hưng văn hóa đọc cần có sự đồng lòng, quyết tâm, kiên nhẫn của toàn xã hội mà cụ thể là 6 “nhà”: nhà quản lý (Nhà nước), nhà doanh nghiệp (nhà xuất bản), nhà văn (tác giả), nhà trường (từ mẫu giáo đến đại học), nhà tiêu thụ (gia đình), nhà hảo tâm (tổ chức từ thiện, tổ chức hoạt động xã hội).

Cũng đề cập đến vấn đề này, tham luận của doanh nhân Lý Trường Chiến đi sâu vào những giải pháp cụ thể như: mỗi cá nhân cố gắng vượt thói quen lười đọc và tập thói quen tặng sách hay cho người thân - trẻ em, mỗi gia đình lập một tủ sách trong nhà - khuyến khích các thành viên đọc sách, mỗi cơ quan truyền thông và tổ chức văn hóa luôn xem việc cổ vũ văn hóa đọc là nhiệm vụ hàng đầu, ngành giáo dục cổ vũ việc đọc sách mọi lúc mọi nơi qua những việc làm thiết thực (giới thiệu sách hay, mỗi ngày có 15 phút đọc truyện qua hệ thống âm thanh của nhà trường...), các cơ quan quản lý nên xem việc cổ vũ đọc sách như là phương pháp phòng bệnh tích cực cho các vấn đề của xã hội, nên tổ chức ngày toàn dân đọc sách...


Hướng đến mục tiêu góp phần chấn hưng văn hoá đọc, cũng trong khuôn khổ của của Hội sách TP.HCM lần 5, Sáchhay.com còn tổ chức buổi giao lưu “Ngôi sao và sách” vào 15 giờ ngày 15/3.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp nào để chấn hưng văn hóa đọc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO