Chấm sáng của ảo thuật Việt

HOÀNG LINH LAN| 28/06/2014 08:46

Lâu nay, nhắc đến ảo thuật Việt là nhắc đến những chương trình biểu diễn cầm hơi, mưu sinh cực nhọc. Sự ra đời Shop Ảo Thuật của ảo thuật gia Dương Ngọc Minh Triết cũng là một chấm sáng như vậy.

Chấm sáng của ảo thuật Việt

Lâu nay, nhắc đến ảo thuật Việt là nhắc đến đường phố, đến những chương trình biểu diễn cầm hơi, những mảnh đời mưu sinh cực nhọc với nghề. Thế nhưng, dù lặng lẽ và tạm bợ thì ảo thuật vẫn tồn tại với những nghệ sĩ đầy đam mê với nghề. Sự ra đời Shop Ảo Thuật của ảo thuật gia Dương Ngọc Minh Triết cũng là một chấm sáng như vậy.

Đọc E-paper

Shop Ảo Thuật

Nhọc nhằn, mãnh liệt

Thập niên 70 của thế kỷ trước, ảo thuật Việt từng có những tên tuổi lừng lẫy, tạo dấu ấn với khán giả trong và ngoài nước như: Nguyễn Thành Long (người mở trường dạy ảo thuật quốc tế tại Sài Gòn vào năm 1954), Nguyễn Khuyến, Tony Quang, "ông vua ảo thuật" Z27 - NSƯT Nguyễn Đức Trường, Nguyễn Kim, Thanh Trúc, Ngọc Phước, Hoàng Biếu, Lê Hảo Tâm (anh trai nhà văn - nghệ sĩ hài Mạc Can)...

Thời thế đổi thay, các ảo thuật gia không còn hấp dẫn, thu hút khán giả nên phải chật vật tìm đất sống. Để biểu diễn thành thạo, trơn tru một tiết mục ảo thuật đơn giản như bắn bài, hóa bồ câu mất ít nhất cũng phải 1, 2 tháng, phức tạp và độ khó cao như: vải biến thành ô đủ sắc, chui vào thùng đâm kiếm... thì mất gần một năm hoặc hơn.

Vất vả là vậy nhưng chỉ cần biểu diễn vài ba lần là khán giả đã quen và chán. Điều đó đòi hỏi ảo thuật gia phải luôn có nhiều tiết mục mới mẻ, trong khi người mê ảo thuật học và theo nghề theo kiểu tự phát, manh mún, thiếu môi trường đào tạo chuyên nghiệp khiến ảo thuật rơi vào lối mòn.

"Tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng liên quan xem đây là một môn nghệ thuật thực thụ, lồng ghép vào các chương trình biểu diễn phục vụ cộng đồng, mang ảo thuật đến gần với khán giả hơn".

 - Ảo thuật gia Dương Ngọc Minh Triết nói

Các ảo thuật gia có nghề cho biết, mỗi năm họ đều thu nạp vài đệ tử nhưng vì mạnh trò trò kiếm cơm, mạnh thầy thầy chạy chương trình biểu diễn, tình thầy trò cứ nhạt dần. Chính việc không có nơi biểu diễn ổn định, thù lao từ nghề quá ít ỏi đã đẩy ảo thuật Việt dần rơi vào quên lãng. Sự thiệt thòi của ảo thuật Việt còn ở chỗ chưa có được một sân khấu đúng tiêu chuẩn quốc tế, các chương trình luôn bị ghép vào sân khấu xiếc thay vì sân khấu hộp, phông đen với những đặc trưng riêng.

Để gắn bó và vơi nỗi nhớ nghề, đa phần người làm ảo thuật đều tự thân vận động, tự học thêm, tự tập và gia nhập các câu lạc bộ ảo thuật tại một số sân khấu, cơ quan văn hóa thành phố như: Sân khấu 126, Nhà thiếu nhi quận, Nhà văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Lao Động...

Ngoài chương trình biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc, họ còn nhận lời biểu diễn ở cả vỉa hè, quán nhậu... để đắp đổi qua ngày. Chính ở sự bấp bênh ấy, người ta lại thấy sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này. Bằng chứng là từ xưa tới nay, ở các sân khấu ca nhạc, một số quán bar, nhà hàng, dù chương trình có đặc sắc đến đâu chăng nữa, nhất định cũng phải có vài ba tiết mục ảo thuật góp vui cho khán giả.

Gọi là tiết mục phụ lấp chỗ hay trình diễn kiểu "sơn đông mãi võ” cũng được, nhưng rõ ràng là không thể thiếu.

Shop ảo thuật - Khi ấp ủ thành hiện thực

Chia sẻ suy nghĩ về ảo thuật Việt, ảo thuật gia Minh Triết, người từng biểu diễn và giao lưu với ảo thuật gia ở 12 nước trên thế giới, cho biết: "Điều Minh Triết cảm nhận ở các ảo thuật gia nước ngoài là ê kíp thực hiện, óc sáng tạo về phong cách biểu diễn để người xem lần sau vẫn thấy bị cuốn hút. Ảo thuật Việt hiện nay đang thu hút khán giả trở lại, nhưng đa phần các ảo thuật gia chưa có những nơi tập trung giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như về hình thể và phong cách biểu diễn. Bên cạnh đó, việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cũng cần được quan tâm".

"Hoàng tử ảo thuật" KTay (bìa trái), ảo thuật gia Dương Ngọc Minh Triết (bìa phải) và con trai (giữa)

Với trăn trở ấy, sau một năm đắn đo và được sự hỗ trợ tận tình của Trung tâm Văn hóa Q. Phú Nhuận, giữa tháng 6/2014, Shop Ảo Thuật do Minh Triết phụ trách đã chính thức đi vào hoạt động, song hành với hai câu lạc bộ ảo thuật tại Cung Văn hóa Lao động và Sân khấu 126.

Đây là shop ảo thuật có quy mô, được trang bị sân khấu chuyên dụng phục vụ cho việc giảng dạy và biểu diễn cho học viên. Người học sẽ được các thầy chỉnh sửa và hướng dẫn, điều chỉnh phong cách, trang phục sao cho ấn tượng và thu hút nhất cũng như quen dần với số đông khán giả.

Có lẽ vì Shop là sân chơi chuyên nghiệp đầu tiên nên nhận được sự giúp đỡ khá nhiệt tình từ các anh em trong giới ảo thuật tại thành phố, đặc biệt là sự cổ vũ của "ông vua ảo thuật" Z27. Các dụng cụ tại shop gần như đều do Z27 sản xuất.

Nhằm mở rộng sân chơi, trong tháng 7, Minh Triết sẽ mở khóa ảo thuật dành cho các doanh nhân. Anh cho biết: "Năm 2008 tôi có tổ chức một lớp, lớp thu hút và được các doanh nhân đánh giá cao vì đã đem lại cho họ những mối quan hệ mới tốt đẹp, công việc thuận lợi hơn thông qua ấn tượng nổi trội so với các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề”.

Song song đó, anh còn kết hợp với hai công ty du lịch trình diễn cho du khách nước ngoài để quảng bá ảo thuật Việt. Hỏi Minh Triết có lo ngại du khách chán vì ảo thuật tại nước ngoài rất phát triển, anh tự tin: "Tôi nhận định các ảo thuật gia nước ngoài có rất nhiều cái hay để mình học hỏi. Nhưng ngược lại họ cũng rất thích sự khéo léo và sáng tạo từ những dụng cụ, đạo cụ do mình làm ra. Tôi tin du khách sẽ thích thú”.

Ngọn lửa đã được khơi, ánh sáng đã lóe, dù chỉ mới là một chấm nhỏ. Nhưng từ khát khao mãnh liệt ấp ủ bao nhiêu năm, nếu được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng, ảo thuật Việt sẽ có tương lai tươi sáng hơn.

>Ảo thuật gia” trẻ mãi không già
>Độc chiêu quảng cáo bằng ảo thuật
>
Petey Majik Nguyễn - Ảo thuật gia đóng phim

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chấm sáng của ảo thuật Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO