Hành trình 10 năm xây dựng và phát triển thương hiệu thời trang Marc, ông chủ trẻ Lê Võ Phi Vũ khẳng định, từ khi thị phần bị chia sẻ, ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh, cuộc chơi đã trở nên vui hơn, thú vị hơn rất nhiều.
Vạn sự khởi đầu nan
Năm 2006, khởi nghiệp từ năm 24 tuổi, anh Phi Vũ cùng vợ là nhà thiết kế Lê Thu Hằng gầy dựng thương hiệu thời trang nữ MARC với phong cách đơn giản, hiện đại, cá tính, cập nhật xu hướng thời trang mới. Trải qua nhiều thăng trầm, Marc đã có một cuộc trở mình 7 năm sau đó, khi người sáng lập nhận thấy MARC phải đổi mới nhiều hơn nữa, hiện đại hơn nữa để giữ vững thị trường.
Sau 10 năm khởi nghiệp, anh Lê Võ Phi Vũ vẫn tự tin, trẻ trung trong nỗ lực tìm kiếm sự đổi mới và đột phá trong từng sản phẩm nhưng anh cũng đã có sự trầm tĩnh để nhìn nhận về quãng đường đã lèo lái MARC. Qua những chia sẻ của anh, những nhà khởi nghiệp ngành thời trang sẽ nhìn thấy phần nào bức tranh về sự cạnh tranh, những yêu cầu khắt khe để tồn tại trong ngành công nghiệp khắc nghiệt này.
Thời điểm năm 2006, thị trường thời trang trong nước chỉ là sân chơi của một vài “ông lớn” với kiểu dáng, mẫu mã na ná nhau, rất ít sự lựa chọn cho khách hàng. Phi Vũ đã nắm bắt cơ hội này, kết hợp cùng vợ là nhà thiết kế trẻ Lê Thu Hằng và một số người bạn sáng lập MARC - chuyên cung cấp trang phục nữ từ dạo phố đến công sở. Những bộ trang phục của MARC đã dần trở thành điểm sáng giữa thị trường “một màu” lúc bấy giờ.
Ra đời với mô hình tự thiết kế - sản xuất - phân phối sản phẩm, MARC có lợi thế về cả giá bán, nguồn hàng cũng như kiểu dáng, tạo được sức hút trên thị trường. Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn lẫn rủi ro khi Phi Vũ, lúc này chỉ mới 23-24 tuổi, phải tự tìm hiểu thị trường, tâm lý khách hàng, trong khi còn chưa vững về cách thức quản lý doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của “người đồng hành” với Phi Vũ cũng nặng nề không kém: Phải nỗ lực tìm tòi những mẫu trang phục theo xu hướng quốc tế nhưng biến tấu sao cho phù hợp với vóc dáng, sở thích của người Việt. Vậy bí quyết nào để MARC có thể cho ra được những sản phẩm được yêu thích, trong khi xu hướng thời trang thay đổi liên tục? Anh Phi Vũ tự tin: ““Dựa vào trực giác và sự thấu hiểu khách hàng. Tôi có thể tự tin MARC hiểu 80% những điều khách hàng mong muốn ở một bộ trang phục. Và đó cũng chính là một yếu tố cạnh tranh của MARC”.
* Khởi nghiệp khi còn rất trẻ, anh đã chọn một con đường khó đó là tự thiết kế, phân phối sản phẩm. Trong khi đó, nếu là một nhà phân phối những mặt hàng có sẵn lợi nhuận sẽ nhanh chóng hơn. Vì sao anh vẫn chọn con đường khó?
- Từ khi còn đi học, tôi đã bắt tay khởi nghiệp ngay mà chưa làm ở một công ty nào, lại còn chọn mô hình khởi nghiệp phức tạp hơn khi tự thiết kế, tự sản xuất, phân phối, bán lẻ,…. Do đó, MARC là một cuộc mạo hiểm của hai vợ chồng. Tuy nhiên, mô hình này giúp chúng tôi có cơ hội phát triển bền vững hơn nhờ tự chủ, nắm được đầu vào và đầu ra sản phẩm, và trên thực tế nó giúp chúng tôi giảm cạnh tranh khi sản phẩm của chúng tôi là độc quyền, không bị so sánh giá cả cũng như nguồn hàng.
* Tiêu chí xây dựng thương hiệu tạo nên sự khác biệt của MARC là gì?
- Đó là tạo ra giá trị tương đương với giá tiền. Tôi muốn khách hàng cảm thấy họ đã mua một bộ trang phục của MARC là xứng đáng và đúng giá. Đôi khi, bạn mua một món hàng nào đó, bạn cảm thấy nó quá đắt, đôi khi lại thấy nó quá rẻ. Nhưng với MARC, chúng tôi muốn khách hàng hài lòng với những gì họ mua. Giá trị đó chính là sự khác biệt, cá tính, nữ tính, theo kịp xu hướng thời trang thế giới.
* Năm 2013, MARC đổi logo và toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu. Sự thay đổi này có ý nghĩa gì?
- Chúng tôi muốn thay đổi không ngừng để giữ vững thị trường. Thời trang là một ngành nghề kinh doanh đặc biệt, buộc bạn phải thay đổi liên tục, đổi mới không ngừng. Nó thể hiện qua các xu hướng, sở thích thời trang trên toàn thế giới thay đổi từng giờ, từng phút. Do đó, nếu bạn kinh doanh thời trang, nhất là mảng tự thiết kế - sản xuất mà chậm chạp, ngại thay đổi, sẽ không thể thành công.
Sau 7 năm gia nhập thị trường, MARC đối mặt với rất nhiều những thương hiệu mới ra mắt, tăng sự cạnh tranh và chia sẻ thị phần ngày một gay gắt hơn. Lúc đó, chúng tôi quyết định phải tạo một sự đột phá, đổi mới trong tư duy thiết kế sản phẩm và định hình lại phân khúc. Logo hiện đại hơn, thiết kế trang phục của chúng tôi năng động hơn để mang đến sự mới lạ cho khách hàng.
* Anh đã thay đổi như thế nào?
- Khi chúng tôi nhận thấy có sự trì trệ trong doanh thu, cách làm việc,… chúng tôi đã ngồi lại để nghiêm túc đánh giá những được và mất của dòng hàng cũ, thu thập góp ý của khách hàng… Từ đó, bộ phận thiết kế của chúng tôi cố gắng cập nhật xu hướng mới nhất trên thế giới, thiết kế và sản xuất những bộ trang phục vừa mới mẻ, hiện đại vừa phù hợp với văn hóa và vóc dáng của người Việt. Dựa vào trực giác của người thiết kế, sự hiểu biết thị trường và khách hàng của mình.
* Nói về cách thức quản lý, anh đã điều hành công ty khởi nghiệp non trẻnhư thế nào và làm gì để thúc đẩy nhân viên làm việc cùng mình?
-Để điều hành một công ty với quy mô 200 nhân viên, gồm các bộ phận sản xuất, quản lý – thiết kế, bán hàng làm việc tại nhiều tỉnh thành, chúng tôi xem hệ thống thông tin nội bộ là mối quan tâm hàng đầu. Mọi thông tin cần thiết sẽ được cập nhật liên tục và đưa đến những bộ phận, trách nhiệm liên quan để đảm bảo không sai lệch thông tin, công việc được thực hiện trơn tru, minh bạch. Đồng thời, khi muốn nhân viên bạn làm việc tận tâm hơn, chính người lãnh đạo cần làm việc hết mình trước để truyền cảm hứng cho nhân viên của mình.
Cạnh tranh là một niềm cảm hứng
* Thời trang có lẽ là một ngành “bạc bẽo” khi hầu như anh sẽ chẳng có khách hàng trung thành khi họ nhanh chóng bị cuốn hút bởi những mẫu mã mới lạ hơn với giá rẻ hơn. Trong khi đó, hàng loạt cửa hàng, thương hiệu ra đời, bày bán rất nhiều sản phẩm đủ loại. Anh có sợ sự cạnh tranh?
-Cạnh tranh là một điều thú vị và mang đến động lực phát triển cho chúng tôi. Như tôi đã nói, khởi nghiệp trong ngành thời trang đòi hỏi bạn phải đổi mới hay là chết. Thế nhưng, đôi khi tự bản thân bản lại không đủ sự nỗ lực cần thiết. Lúc này sự cạnh tranh là động lực tự nhiên buộc bạn phải làm việc hết sức, giúp công ty của bạn tránh được sự đào thải, bị thị trường lãng quên. Và việc bị chia sẻ thị phần, cạnh tranh không khiến tôi lo lắng bằng việc ngủ quên trên chiến thắng.
* Kế hoạch mở rộng kinh doanh của MARC sẽ như thế nào? Tiếp tục mở rộng các chi nhánh hay tiến sang thương mại điện tử (TMĐT), nhượng quyền thương mại?
-Hiện MARC đã có 22 chi nhánh từ Hà Nội vào TP.HCM và các tỉnh lân cận và sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều chi nhánh. Kể cả nhượng quyền thương mại chúng tôi cũng đã thực hiện từ rất lâu để vừa tăng sự hiện diện của MARC, vừa muốn chia sẻ cơ hội cho nhiều người cùng tham gia làm việc. Một số bạn bè hỏi tôi, công ty khởi nghiệp cho nhượng quyền thương hiệu quá sớm sẽ có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tôi tự tin vào chất lượng sản phẩm để giúp các bên cùng có lợi.
Chúng tôi cũng chia sẻ cả cách thức quản lý, điều hành, thu hút khách hàng… để chi nhánh đó làm ăn có lãi. Việc chúng tôi cần tập trung cố gắng là chất lượng sản phẩm vượt trội để khách hàng tìm đến chúng tôi chứ không phải sợ người khác giành mất khách hàng của mình.
TMĐT là một phương pháp mới chúng tôi đang tiếp cận để tiếp cận và tìm kiếm khách hàng hưng chính những cửa hàng off-line mới là cách để MARC chăm sóc khách hàng một cách tận tình và chu đáo. Dù kênh bán hàng truyền thống có những hạn chế về số lượng sản phẩm bán ra, nhưng đó là cách MARC tiếp xúc với khách hàng, tạo ra sự riêng biệt cho thương hiệu và cho chính khách hàng của mình.
Bởi mỗi bộ trang phục sẽ được MARC tùy chỉnh sao cho khách hàng hài lòng nhất và như được tạo ra dành riêng cho họ. Đó là con đường riêng mà MARC sẽ chinh phục khách hàng của mình.
>Nên khởi nghiệp dựa trên thế mạnh của mình
>Giám đốc điều hành Zalora: Càng cạnh tranh càng có lợi