Quốc tế

Doanh nghiệp Mỹ đối mặt rủi ro tại Trung Quốc

Khả Hân 13/04/2024 00:32

Từ bài học của Apple, doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng cũng có thể gặp những rủi ro tương tự, khi cả Mỹ và Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách cạnh tranh thương mại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Từ câu chuyện của Apple

“Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với Apple hơn chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, đó là tuyên bố của Giám đốc điều hành (CEO) công ty công nghệ lớn nhất thế giới Tim Cook, tại lễ khai trương cửa hàng thứ 8 của hãng Apple tại TP. Thượng Hải gần đây. Bên cạnh kế hoạch hợp tác với Google Open AI về việc đưa trí tuệ nhân tạo lên iPhone mới ở thị trường toàn cầu, Apple cũng đang đàm phán với Baidu để đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo lên các model iPhone ở Trung Quốc.

thumnail-the-gioi-1200x800px.jpg

Việc CEO Tim Cook có mặt trực tiếp để khai trương một cửa hàng bán lẻ mới tại đất nước tỷ dân đang phát đi những tín hiệu trái chiều. Trong vòng 1 năm trở lại đây, Tim Cook đã tới Trung Quốc 3 lần, trong bối cảnh hoạt động của tập đoàn công nghệ hàng đầu này đang đối mặt với không ít khó khăn ở thị trường lớn nhất thế giới. Doanh thu của Apple tại Trung Quốc đại lục trong quý 1 đầu năm nay đã giảm gần 13% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, sau thời kỳ khó khăn, sự hồi sinh của Huawei trong phân khúc smartphone cao cấp ở Trung Quốc đang tạo sức ép lớn và giành lấy thị phần từ Apple. Trong thời gian gần đây, vượt qua những trở ngại từ việc bị hạn chế tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ, Huawei đã chủ động phát triển chip di động và hệ điều hành riêng. Hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc cũng đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu và phát triển, liên tục đổi mới và thu hút khách hàng Trung Quốc với các ứng dụng độc quyền.

Ngoài ra, doanh số bán hàng của Apple còn bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc kể từ đại dịch Covid-19 đến nay, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Thống kê cho thấy có 215 triệu người dùng iPhone Trung Quốc chưa nâng cấp trong 3 năm qua. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng có xu hướng ủng hộ thương hiệu nội địa, hưởng ứng các chính sách kêu gọi của các cơ quan quản lý, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung “cơm không lành canh không ngọt” trong những năm qua.

Trước tình hình này, giới phân tích cho rằng “Kỷ nguyên vàng” của Apple tại Trung Quốc đã kết thúc. Đáng lưu ý là hôm 27/3, trong buổi tiếp xúc của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với đại diện từ giới kinh doanh và học thuật chiến lược của Mỹ, đã không có sự hiện diện của CEO Tim Cook. Kể từ khi trở thành CEO của Apple, ông Cook đã đến thăm Trung Quốc hơn 20 lần. Ông dự đoán một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Apple, nhưng sau nhiều năm, thị trường Trung Quốc vẫn chỉ bằng 2/3 thị trường châu Âu và 40% thị trường Bắc Mỹ trong tổng doanh số của Apple.

Vì vậy, Apple cũng đang nỗ lực phát triển các thị trường mới như là cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Vào tháng 12/2023, Apple đã thông báo với các nhà cung cấp linh kiện rằng họ sẽ lấy pin từ các nhà máy ở Ấn Độ cho chiếc iPhone 16 sắp ra mắt của mình. Công ty đã cân nhắc việc mở rộng hoạt động tại Ấn Độ kể từ năm 2016, khi CEO Tim Cook đến thăm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Rủi ro cho các doanh nghiệp Mỹ

Apple là một trong những công ty Mỹ chịu tổn thất đáng kể tại Trung Quốc do căng thẳng thương mại và công nghệ ngày càng gia tăng cũng như áp lực địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một số cơ quan chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu cán bộ nhân viên không sử dụng iPhone và các thiết bị thông minh mang nhãn hiệu ngoại quốc khác tại nơi làm việc, lấy lý do lo ngại về bảo mật dữ liệu. Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước khác chuyển sang sử dụng phần mềm trong nước và thúc đẩy sản xuất chất vi mạch dẫn trong nước.

Từ bài học của Apple, các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng cũng có thể gặp những rủi ro tương tự, khi cả Mỹ và Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách cạnh tranh thương mại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đến nay, Mỹ đã bổ sung hơn 1.300 thực thể và cá nhân Trung Quốc vào các danh sách trừng phạt khác nhau và danh sách này có thể sẽ còn tăng thêm. Ngược lại, Trung Quốc cũng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, đồng thời đáp trả các đòn trừng phạt về kinh tế - thương mại của Mỹ, như thông qua Luật Chống gián điệp mở rộng, khiến một số doanh nghiệp Mỹ bị tổn hại.

d74690c26424cb7a9235.jpg

Với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, chịu ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản suy yếu, nhu cầu bên ngoài và đầu tư nước ngoài giảm, Trung Quốc đang đối diện với tình trạng dư thừa công suất trong số một số ngành. Đây sẽ là một thách thức kinh tế lớn cần giải quyết vào năm 2024. Hệ quả là các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc không chỉ phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp nội địa, mà doanh nghiệp tại nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến hàng Trung Quốc ồ ạt tràn sang.

Trong cuộc điện đàm mới đây vào ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Joe Biden cũng đã nêu ra loạt quan ngại với ông Tập Cận Bình, về các chính sách thương mại không công bằng và các hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc. Ông Biden cho biết sẽ tiếp tục thực hiện những hành động cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ nếu việc tiếp cận gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Ngược lại, ông Tập Cận Bình cũng lưu ý những hạn chế thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang tạo ra rủi ro cho quan hệ giữa hai nước và “Trung Quốc sẽ không chỉ ngồi yên và nhìn theo”.

Dù vậy, trước những rủi ro ảnh hưởng đến “chuyện làm ăn”, từ các chính sách quản lý khó lường, căng thẳng địa chính trị, chính sách tiền tệ nới lỏng và kinh tế suy yếu, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang cân nhắc rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Trung Quốc đạt 33 tỷ USD, giảm hơn 82% so với năm 2022 và đây là mức thấp nhất kể từ năm 1993.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Mỹ đối mặt rủi ro tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO