Quốc tế

“Cuộc chiến” nhắm vào đồng USD sẽ thắng thế?

Khả Hân 11/07/2024 14:44

Phi đô la hóa là mục tiêu mà nhiều quốc gia nhắm đến những năm qua, khi đồng USD được sử dụng quá nhiều trong nền kinh tế đã làm suy yếu công cụ chính sách tiền tệ của các nước và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Liệu “cuộc chiến” trường kỳ này sẽ đi về đâu?

brics-us-dollar-usd-chinese-yuan-1024x768.jpg

Phi đô la hóa

Ả Rập Xê Út gần đây được cho là sẽ chấm dứt thỏa thuận Petrodollar kéo dài hàng thập niên với Mỹ. Sau khi từ bỏ bản vị vàng vào năm 1973, Mỹ ngay sau đó đã tìm cách neo đồng USD vào dầu mỏ, bằng cách ký một thỏa thuận đảm bảo an ninh cho Ả Rập Xê Út và đổi lại quốc gia Trung Đông này sẽ định giá xuất khẩu dầu bằng đồng USD và đầu tư doanh thu thặng dư từ dầu vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Hành động này sau đó đã mở đường cho các quốc gia thuộc OPEC đồng ý định giá dầu bằng USD và đầu tư vào nợ Chính phủ Mỹ.

Và khi dầu ngày càng trở thành nguồn tài nguyên quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nước nhập khẩu dầu càng cần USD để mua năng lượng đã góp phần củng cố vị thế của đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới, mang lại thịnh vượng cho nước Mỹ trong nhiều thập niên.

Tuy nhiên, trước những biến chuyển của thời cuộc gần đây, vị thế đó của Mỹ đang bị đe dọa.

Malaysia - đất nước luôn bày tỏ mong muốn tham gia Liên minh BRICS (gồm các nước Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), cũng là một trong những nước tích cực theo đuổi chiến lược phi đô la hóa. Mới đây, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã đề xuất Quỹ Tiền tệ châu Á thảo luận về việc chấm dứt sự phụ thuộc vào USD.

“Việc Chính phủ Mỹ chi tiêu quá mức và thâm hụt ngân sách đã làm suy yếu vị thế kinh tế của Mỹ và tình trạng lạm phát đình trệ, khiến niềm tin của thị trường toàn cầu vào USD - trụ cột của sự ổn định tài chính quốc tế, có thể bị lung lay nghiêm trọng”.

Những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã tích cực thúc đẩy mở rộng khối BRICS nhằm thay đổi trật tự thế giới vốn do phương Tây thống trị. Tháng 8 năm ngoái, BRICS đã đồng ý kết nạp Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Mới đây nhất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông ủng hộ việc Kazakhstan gia nhập khối này.

Hiện Kazakhstan là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 10 trên toàn cầu, sở hữu 3% tổng trữ lượng dầu của thế giới và là nước khai thác dầu lớn thứ ba ở vùng Caspian, sau Nga và Iran, là nhà cung cấp dầu lớn thứ ba ngoài OPEC. Có thể thấy khối BRICS đang nhắm vào hợp tác với các cường quốc dầu mỏ, tiến đến mục tiêu cắt đứt mối gắn kết của đồng USD vào dầu mỏ để các nước giảm sự phụ thuộc vào Mỹ kim.

Phi đô la hóa cũng là mục tiêu mà nhiều quốc gia nhắm đến những năm qua, khi việc đồng USD được sử dụng quá nhiều trong nền kinh tế đã làm suy yếu các công cụ chính sách tiền tệ của các nước và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Đơn cử, gần đây Zambia đã soạn thảo quy định nhằm hạn chế việc sử dụng ngoại tệ, đặc biệt là đồng đô la Mỹ, theo đó những cá nhân bị phát hiện sử dụng ngoại tệ giao dịch trong nước sẽ bị phạt một số tiền lớn hoặc phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm.

“Cuộc chiến” trường kỳ

Đầu những năm 2020, hơn 70% tổng dự trữ ngoại hối của toàn cầu được giữ bằng đồng USD. Tuy nhiên, những năm gần đây, các ngân hàng trung ương đã đa dạng hóa kho dự trữ sang vàng và nhiều đồng tiền khác, khiến tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD giảm còn 58%. Việc Mỹ tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế đã làm nổi bật những rủi ro chính trị và tài chính khi quá phụ thuộc vào đồng đô la, do đó việc phi đô la hoá ngày càng được coi là cách tốt nhất để giảm thiểu những rủi ro kể trên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước.

8677856756.jpg

Nhờ công nghệ phát triển và toàn cầu hoá các chuỗi giá trị, sự trỗi dậy của các quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, cùng với căng thẳng địa - chính trị gia tăng đang đẩy thế giới tới một trật tự đa cực. Cấu trúc thương mại toàn cầu cũng đã có sự thay đổi lớn, khi trước năm 2000 Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 80% quốc gia trên thế giới, nhưng hiện con số ấy còn 30% và Trung Quốc dần thay Mỹ đảm nhận vai trò này.

Xu thế này cũng đã thúc đây việc thanh toán bằng nội tệ cho thương mại song phương đã trở nên phổ biến hơn, đi đầu là Trung Quốc khi nền kinh tế số 2 thế giới đã liên tục ký kết các hiệp định hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia. Vào năm 2023, Ấn Độ lần đầu tiên thanh toán bằng đồng rupee cho dầu thô từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, phản ánh nhu cầu rời khỏi kỷ nguyên Petrodollar đã tồn tại suốt 50 năm qua.

CEO của JPMorgan là Jamie Dimon đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra đối với đồng USD, theo đó đồng USD sẽ sớm mất giá và nỗ lực phi đô la hoá của BRICS càng khiến nhu cầu với đồng bạc xanh sụt giảm nghiêm trọng.

Phong trào phi đô la hóa do nhóm BRICS dẫn đầu có thể làm sụt giảm dần nhu cầu toàn cầu đối với đồng USD, do đó làm suy yếu vị thế thống trị của đồng bạc xanh trên thị trường tài chính quốc tế và BRICS có thể tận dụng điều này. Khi đó, các ngân hàng cho vay hàng triệu USD trên toàn cầu và số tiền được giải ngân đó có thể sụt giảm đáng kể, đồng USD sẽ gặp khó khăn trong cơ chế cung cầu.

Nếu lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ bị ảnh hưởng đầu tiên thì nạn nhân tiếp theo sẽ là lĩnh vực tài chính. Ngành này có quy mô rất lớn, liên quan đến hàng tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ và fintech cùng nhiều lĩnh vực khác. Thậm chí, tình trạng siêu lạm phát sẽ diễn ra ở Mỹ. Trong viễn cảnh đó, thương mại toàn cầu sẽ chủ yếu được thanh toàn bằng đồng tiền mới của BRICS hoặc nội tệ của các nước đang phát triển khác. Điều này sẽ giúp họ bảo vệ nền kinh tế nội địa khi việc dự trữ USD gặp rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Cuộc chiến” nhắm vào đồng USD sẽ thắng thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO