Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2016, cả nước có 324 khu công nghiệp (KCN) được thành lập (gồm 44 KCN đầu tư nước ngoài và 280 KCN đầu tư trong nước). Trong số này có 220 KCN đã đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 51%.
Đọc E-paper
Nếu so với Hong Yeung Việt Nam hay một số nhà đầu tư hạ tầng KCN ngoại khác thì Sembcorp Development (100% vốn thuộc Tập đoàn Sembcorp Industries, Singapore) được xem là doanh nghiệp (DN) có "thâm niên" tại thị trường Việt Nam.
Thông qua Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP, liên doanh giữa Sembcorp Development, Becamex IDC và một số đối tác khác), từ KCN VSIP đầu tiên phát triển ở Bình Dương (năm 1996), đến nay, VSIP đã có ở 6 tỉnh - thành phố của Việt Nam (Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An), với 7 KCN - đô thị - dịch vụ với tổng diện tích đất 6.660ha, thu hút 718 khách hàng đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ vào thuê đất, với tổng vốn đầu tư hơn 9,9 tỷ USD (tạo ra giá trị xuất khẩu hơn 84 tỷ USD) và hơn 198.021 lao động làm việc trong các KCN.
Tháng 11/2016, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã giao các đơn vị chức năng chọn khu đất phía nam cầu Thuận Phước để Tập đoàn Sembcorp có thể triển khai xây dựng KCN phần mềm tích hợp hiện đại, thông minh với quy mô khoảng 20ha. Báo cáo thường niên năm 2016 của tập đoàn này cho biết, trong năm, ban lãnh đạo VSIP đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh để tìm hiểu tính khả thi cho việc mở rộng các KCN tại những địa phương này, với diện tích đất có thể bổ sung vào quỹ đất hiện tại là 1.500ha.
>>Khu công nghiệp phía Nam: Tăng tỷ lệ lấp đầy nhờ "sóng FDI"
Việc liên tục mở rộng thương hiệu VSIP phần nào phản ảnh kết quả kinh doanh khả quan. Báo cáo thường niên năm 2016 của Sembcorp ghi nhận, doanh thu từ mảng cho thuê đất tại thị trường Việt Nam khả quan hơn những thị trường châu Á khác mà Sembcorp đầu tư, theo đó tăng 9%, đạt 163ha so với 149ha của năm trước do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh tại các khu VSIP.
Báo cáo này cũng đồng thời nhìn nhận, chi phí lao động và ưu đãi thuế có sẵn ở Việt Nam, cũng như sự gần gũi của các quốc gia châu Á tiếp tục làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất nước ngoài.
Không chỉ các nhà đầu tư Singapore, các DN phát triển KCN đến từ Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã và đang có động thái mở rộng diện tích đất công nghiệp thông qua việc mở KCN mới. Có thể kể đến như trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (do các nhà đầu tư Nhật Bản là Sojitz Corporation, Daiwa House Industry, Kobelco Eco-Solutions và Donafoods - Việt Nam hợp tác đầu tư), năm 2016, DN này cũng đã xin mở rộng KCN Long Đức (Long Thành, Đồng Nai) sau khi KCN cũ gần như được lấp đầy bởi các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản.
Theo nhận định của Jones Lang Lasalle (JLL) trong bảng báo cáo liên quan đến M&A nửa đầu năm 2017, hiện có hàng trăm triệu đô la Mỹ chờ đợi để đổ vào thị trường Việt Nam ở hầu hết các phân khúc bất động sản, trong đó có KCN. Đáng chú ý, từ năm ngoái, Công ty TNHH Phát triển bất động sản CFLD Việt Nam (CFLD Việt Nam), thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development Co. (CFLD), được biết đến là một trong 10 tập đoàn bất động sản đứng đầu ở Trung Quốc, vốn đã niêm yết và là nhà điều hành, phát triển các thành phố công nghiệp (mô hình KCN - đô thị - dịch vụ), cũng đã có những đầu tư nhất định vào Việt Nam.
Trong chiến lược phát triển, CLFD đang xúc tiến xây dựng hàng chục thành phố công nghiệp, chủ yếu ở Đông Nam Á, châu Phi, Bắc Mỹ và châu Âu. Và dĩ nhiên trong số các thị trường ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng được xem là điểm đến quan trọng. Từ tháng 1/2016, CFLD đã đến làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Sau khi thăm dò thị trường Đồng Nai, tháng 9/2016, CFLD đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa (tính đến cuối năm 2016, Tỉnh ủy Đồng Nai nắm 50% vốn điều lệ, trong số các các cổ đông còn lại có Tập đoàn Thành Thành Công) để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC - New Industry City) với KCN Ông Kèo. Theo chia sẻ của một đơn vị tư vấn đầu tư, ngoài CFLD, một số nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang thể hiện sự quan tâm đối với các KCN nằm dọc các tỉnh miền Trung và đặc biệt là trong Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam.
Đòn bẩy từ giá thuê đất công nghiệp Báo cáo kết quả khảo sát về thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam quý II/2017 và nửa đầu năm nay, Công Ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) cho biết, nhu cầu mở rộng nhà máy sản xuất của các DN vẫn diễn ra mạnh mẽ. Riêng nửa đầu năm 2017, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn ngoại trong tổng số 18 lĩnh vực mà DN nươc ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2016. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam đã tác động tích cực đến nhu cầu về nhà xưởng, đất KCN để triển khai hoạt động. Tình hình này đã tác động đến giá thuê đất tại các KCN. Khảo sát về thị trường KCN ở khu vực Đông Nam bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước) của JLL cho thấy có 109 KCN, chiếm 34% của cả nước. Tính đến cuối quý II/2017, tổng diện tích đất tại các KCN của 6 địa phương này đạt khoảng 38.308ha, trong đó, diện tích đất cho thuê đạt 25.556ha, tăng khoảng 2,8% so với quý IV/2016 (Bình Dương và Đồng Nai đang dẫn đầu về nguồn cung và diện tích đất cho thuê). Nhu cầu thuê đất, nhà xưởng xây sẵn tại các KCN tiếp tục tăng mạnh, tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 74,5% trong nửa đầu năm 2017. Song song đó, đến cuối quý II/2017, giá thuê đất ở khu vực Đông Nam bộ tăng khoảng 2 - 5 USD/m2/chu kỳ thuê so với quý IV/2016. Trong số các tỉnh - thành được khảo sát, giá thuê đất tại các KCN ở TP.HCM đạt mức cao nhất, trung bình khoảng 140 USD/m2/chu kỳ thuê (tương đương 3,174 triệu đồng), các khu vực còn lại có mức giá thuê thấp hơn, dao động từ 30 - 100 USD/m2/chu kỳ thuê. Theo dự báo của JLL, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê của thị trường công nghiệp khu vực Đông Nam bộ dự kiến sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu nhờ vào nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, một phần cũng do nguồn cung bất động sản công nghiệp chỉ tăng nhẹ bởi trong thời gian tới không có thêm dự án quy mô lớn hoàn thành. |