Thanh toán điện tử: 105 triệu thuê bao tiềm năng

MINH HÀO| 22/07/2014 03:34

105 triệu thuê bao điện thoại là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử (VĐT).

Thanh toán điện tử: 105 triệu thuê bao tiềm năng

105 triệu thuê bao điện thoại là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử (VĐT).

Đọc E-paper

Ví điện tử đang được DN đẩy mạnh đầu tư

Tiềm năng lớn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa cấp phép cho Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến M_Scrvice cung cấp dịch vụ chuyển tiền di động MoMo. Dịch vụ này được thực hiện nhờ sự phối hợp với Vietcombank và VinaPhone. Thông qua điện thoại di động, người sử dụng VĐT MoMo có thể chuyển tiền tự động, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, viễn thông, mua thẻ chơi game...

Khi tài khoản ngân hàng nối với MoMo, tại các khu vực không có máy rút tiền ATM, khách hàng có thể đến hơn 2.000 điểm giao dịch MoMo để rút tiền. Ông Nguyễn Bá Diệp, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến M_Scrvice, cho rằng, chính sự kết hợp giữa viễn thông, ngân hàng và dịch vụ di động trực tuyến tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp, người lao động tiếp cận các dịch vụ tài chính với chi phí thấp nhất.

Trước MoMo, Payoo của Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) cũng đã thực hiện các dịch vụ thanh toán hóa đơn khá đa dạng với hơn 30 nhà cung cấp điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet... Payoo cũng đã kết nối với nhiều ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán của hơn 95% chủ thẻ, tài khoản tại Việt Nam.

Theo đại diện của Payoo, giao dịch VĐT đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng vì xóa bỏ khá nhiều khâu trung gian như đi lại, ký giấy tờ, rút tiền mặt... đồng thời đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

> Triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

> Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt

> Thanh toán di động: “Miền đất hứa” cho các nhà bán lẻ

> Phiền toái thanh toán không dùng tiền mặt

Theo ước tính của các chuyên gia, hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng VĐT của 10 nhà cung cấp dịch vụ VĐT trên nền internet và thiết bị di động như nganluong.vn của Công ty Ngân Lượng, Payoo của Công ty VietUnion, MoMo của Công ty M_Scrvice, Netcash của Paynet, Vcash của VinaPay, VnMart của Vnpay, Smartlink của Công ty CP dịch vụ thẻ Smartlink... Năm 2009, khi NHNN cấp phép thí điểm dịch vụ VĐT thì chỉ trong vòng 1 năm sau đó đã có khoảng 70.000 VĐT được mở.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion), cho rằng, VĐT là lĩnh vực được kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn, rất tiềm năng đối với các DN và các nhà đầu tư.

Những năm đầu hoạt động, Payoo chú trọng phát triển mảng dịch vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng do tốc độ phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam còn khá chậm nên hiệu quả chưa được như kỳ vọng.

Trong khi chờ thị trường thương mại điện tử có những chuyển biến tích cực hơn, từ cuối năm 2011, Payoo tập trung đầu tư phát triển mảng dịch vụ thanh toán hóa đơn, tạo ra nhiều tiện ích cho người dùng nên đã nhận được sự hưởng ứng từ khách hàng. Trong gần 3 năm qua, số lượng giao dịch qua Payoo tăng nhanh, năm sau tăng 5-7 lần so với năm trước đó.

Chưa tương xứng

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, phụ trách tiếp thị và kinh doanh Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) của VinaPhone, chuyển tiền di động đang là dịch vụ được các nhà mạng, tổ chức tài chính đầu tư mạnh mẽ. Khi nhà mạng đã sở hữu một lượng thuê bao nhất định có thói quen thanh toán trực tuyến thì nguồn thu mang lại sẽ không nhỏ.

Dù VĐT đang được các doanh nghiệp đầu tư nhưng các chuyên gia cho rằng, sự phát triển của lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính đến tháng 12/2013, Việt Nam có khoảng 105 triệu thuê bao điện thoại, 93% trong số này là thuê bao di động.

Bên cạnh đó, mạng 3G đã phủ sóng rộng khắp với gần 20 triệu thuê bao di động. Đây chính là tiềm năng để VĐT phát triển. Thế nhưng, hiện nay, mới chỉ có 22% dân số Việt Nam tiếp cận các dịch vụ tài chính và việc giao dịch thông qua VĐT càng ít.

Đã vậy, số người đã sử dụng dịch vụ này chủ yếu ở các thành phố lớn nên mục tiêu phục vụ những người khó có điều kiện tiếp cận với các dịch ngân hàng của VĐT chưa thực hiện được.

Theo chia sẻ của ông Lĩnh, năm 2008, khi NHNN cấp phép thử nghiệm cho những đơn vị phi ngân hàng cung cấp dịch vụ VĐT, số lượng người sử dụng VĐT tăng nhanh hằng năm và số lượng sản phẩm, dịch vụ chấp nhận kênh thanh toán này cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nếu so sánh với tiềm năng của Việt Nam thì vẫn còn rất khiêm tốn.

Một trong những lý do khiến thị trường VĐT chưa đạt được những con số mong muốn là do thói quen tiêu dùng của người Việt. Thêm vào đó, gần đây, thông tin về những sự cố và rủi ro khi thanh toán trực tuyến cũng làm cho người dùng có phần e dè hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, "với chính sách khuyến khích không sử dụng tiền mặt của NHNN, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, thương mại điện tử Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh mẽ kéo theo sự phát triển mạnh của VĐT. Khi đó, việc có được thương hiệu nổi tiếng về VĐT là hoàn toàn có thể”, ông Lĩnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh toán điện tử: 105 triệu thuê bao tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO