Trong một buổi tọa đàm gần đây, một nữ giảng viên kể câu chuyện đi chợ, khi đã chọn xong mớ rau thì mới nhớ ra không mang ví. Rón rén, chị hỏi người phụ nữ bán hàng có thể chuyển khoản được không. Người phụ nữ quay lại chỉ vào cây cột điện. Ngẩn ra một lúc, nữ giảng viên mới nhận ra trên cột điện dán mã QR Code với thông tin tài khoản của người phụ nữ bán hàng.
Sau lần ấy, chị để ý tìm hiểu và có một thống kê nho nhỏ: 100% quán cà phê ở Hà Nội mà chị đến đều đã có mã QR Code tài khoản để khách hàng có thể chuyển khoản. Các cửa hàng quần áo, tạp hóa hầu hết cũng đã có mã QR Code.
"Thanh toán bằng quét mã QR Code hơi mất thời gian thêm một chút, nhất là ở những nơi 3G, 4G sóng yếu, nhưng lợi ích rất rõ. Không phải đem theo tiền mặt để sợ mất tiền, không phải lo tiền rách, tiền giả, không phải rơi vào tình cảnh loay hoay khi người bán không có tiền lẻ trả cho khách...", nữ giảng viên này kết luận.
Một bạn trẻ thanh toán qua ứng dụng trên thiết bị di động tại quầy tự phục vụ ở nhà sách Fahasa (trung tâm thương mại Lotte quận 7, TP.HCM) |
Cách đây 20 năm, khi thương mại điện tử bắt đầu manh nha ở Việt Nam cũng là lúc vấn đề thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt được đặt ra. Nhưng tại thời điểm đó, số người có tài khoản cá nhân là rất ít, chưa có điện thoại di động thông minh nên phương thức thanh toán chủ yếu chỉ là COD (trả tiền khi nhận hàng).
Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3/2023, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS (máy đọc thẻ); tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%; giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,55% về số lượng và 13,31% về giá trị.
Nhiều phương thức thanh toán không tiền mặt đang được các cửa hàng, hộ kinh doanh khai thác để giữ chân khách hàng |
Ngoài ra, giao dịch qua phương thức QR Code tăng 160,71% về số lượng và 43,84% về giá trị; tổng số tài khoản Mobile Money được đăng ký và sử dụng hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8.880 điểm kinh doanh được thiết lập, 15.300 đơn vị chấp nhận thanh toán.
Các con số trên nói lên nhiều điều:
Thứ nhất, các thẻ ngân hàng vẫn được sử dụng. Nhưng thay vì dùng thẻ để rút tiền mặt rồi mới chi tiêu thì người dùng chuyển sang dùng thẻ để thanh toán trực tiếp, chuyển từ tài khoản của mình sang tài khoản người bán. Như vậy, các máy ATM cồng kềnh, đắt tiền dần dần sẽ trở nên ít tác dụng hơn, số lượng lắp đặt, giá trị giao dịch sẽ giảm so với máy POS.
Thứ hai, với 3/4 dân số có tài khoản cá nhân, việc triển khai các phương thức thanh toán không tiền mặt, dựa trên tài khoản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Qua đó, các ngân hàng cũng giảm được khối lượng tiền mặt rất lớn phải xử lý mỗi ngày.
Thứ ba, số lượng giao dịch qua Internet và qua điện thoại di động tăng rất cao, nhưng giá trị giao dịch tăng vừa phải. Có nghĩa là giao dịch qua các kênh số chủ yếu là giao dịch có giá trị nhỏ. Điều này phù hợp với tính chất tiêu dùng cá nhân, khác với tiêu dùng của tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ tư, số lượng giao dịch qua phương thức QR Code tăng đột biến cả về số lượng và giá trị, cho thấy tốc độ phổ biến của phương thức này trong vài năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng này sẽ còn duy trì trong thời gian tới, là động lực rất tốt để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt. Đến một lúc nào đó, các máy POS và thẻ ngân hàng cũng sẽ không còn trở nên cần thiết, vì mọi cái đều nằm trong điện thoại.
Thứ năm, việc cho phép mỗi số điện thoại trở thành một tài khoản sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho quản lý tài chính cá nhân. Và các công ty viễn thông sẽ trở thành người cạnh tranh với ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán dựa trên tài khoản. Đó là chưa kể đến các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như ví điện tử, vốn cũng đang là những đối thủ cạnh tranh của ngân hàng.
Mọi ngân hàng hiện nay cũng đã có app (ứng dụng) trên thiết bị di động để giúp người dân quản lý tài khoản, thực hiện các giao dịch một cách nhanh chóng, tiện lợi. Có một cuộc đua giữa các ngân hàng để làm cho app này có thêm nhiều tính năng hơn, sử dụng đơn giản hơn, thời gian xử lý ngắn hơn, tích hợp thêm các sản phẩm tài chính khác như mua vé máy bay, đặt khách sạn, thanh toán định kỳ tiền điện nước, mua thẻ trả trước hay nạp tiền cho điện thoại... Viễn cảnh người tiêu dùng ra đường không cần mang ví đang dần thành hiện thực.
Từ thiết bị di động và các app liên quan, người dân hiện có thể thanh toán nhiều dịch vụ như phí quản lý chung cư, điện, cước viễn thông và thậm chí tiền bảo hiểm sức khỏe - nhân thọ |
Tấm huy chương nào cũng có mặt trái. Thanh toán không tiền mặt cũng đặt người dùng đối diện với một số nguy cơ, ví dụ như rò rỉ thông tin cá nhân, bị mất cắp dữ liệu, không giao dịch được do lỗi hệ thống... Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, năng lực quản lý dữ liệu của các ngân hàng được nâng cao, tỷ lệ rủi ro này gần như rất nhỏ.
"Thói quen đúng là khó bỏ. Nhưng một khi bỏ được thì sẽ tạo nên bứt tốc", đó là lời của nữ giảng viên khi nói về thói quen sử dụng tiền mặt trước đây. Tôi chắc rằng đó cũng là suy nghĩ của nhiều người đang hằng ngày rút điện thoại ra để thanh toán thay vì rút ví trả tiền.