Người dùng tự nguyện móc hầu bao

PHƯƠNG QUYÊN - ĐẶNG QUÝ YÊN| 22/08/2016 06:25

6 năm kể từ khi 3G chính thức ứng dụng, các nhà mạng đã góp phần thay đổi đời sống con người. Khi 4G triển khai, sự thay đổi này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Ai là người hưởng lợi trong cuộc chơi công nghệ mang tên 4G?

Người dùng tự nguyện móc hầu bao

Sáu năm kể từ khi 3G chính thức ứng dụng, các nhà mạng đã góp phần thay đổi đời sống con người, bởi việc kết nối đã có thể diễn ra thường trực. Khi 4G triển khai, sự thay đổi này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Ai là người hưởng lợi trong cuộc chơi công nghệ mang tên 4G?

Đọc E-paper

Khuya ngày 9/8, khu vực công viên Tao Đàn, TP.HCM đông đúc hơn hẳn ngày thường. Vài ngày sau khi Pokémon GO - trò chơi trực tuyến đang "gây sốt" người dùng thế giới, đến Việt Nam, nhiều người trẻ đã rủ nhau ra đường, theo bản đồ mô phỏng trên game, đi "bắt" Pokémon.

Thay đổi hành vi

Tại các khu vực trung tâm Hà Nội, TP.HCM... nhiều nhóm bạn ngủ ngày, dành sức để đêm đi chinh phục thử thách trong game bởi chỉ vào thời điểm đó, họ mới tránh được kẹt xe cũng như gây phiền cho người đi đường.

Theo thống kê của công ty theo dõi dữ liệu trực tuyến SimilarWeb, hiện số lượng trung bình người dùng thường trực hằng ngày trên toàn cầu của Pokémon GO đang không ngừng gia tăng và có dấu hiệu vượt qua Twitter - mạng xã hội lớn nhất nhì của Mỹ.

Chỉ 2 ngày sau khi chính thức xuất hiện, Pokémon GO đã được cài đặt lên 5,16% thiết bị Android ở Mỹ. Một tuần sau đó, game này đã cán mốc 15 triệu lượt tải về ở Mỹ.

Chưa tính đến giá trị kinh tế mà nhà phát hành game Nintendo thu được khi sở hữu dữ liệu của người dùng (cổ phiếu của Nintendo đã tăng 53% chỉ trong 3 ngày, giá trị công ty tăng thêm 12 tỷ USD), việc các nhà mạng hưởng lợi từ trò chơi này là không nhỏ.

Bởi, điểm bắt buộc khi chơi game này chính là người dùng phải sử dụng điện thoại có định vị GPS và có đăng ký dữ liệu di động để đi "săn" Pokémon mọi lúc mọi nơi, không chỉ quẩn quanh trong nhà.

Theo thống kê, một người dùng trung bình bỏ ra khoảng 43 phút 23 giây/ngày để chơi Pokémon GO. Lưu lượng này quy ra cước dữ liệu mà nhà mạng thu về rõ ràng là con số không nhỏ.

"Khi 4G triển khai, các ứng dụng đang phổ biến hiện nay sẽ còn mượt mà hơn, trải nghiệm sẽ cao hơn... Người dùng sẽ tăng lượng sử dụng, dự kiến lên đến 50% so với nhu cầu hiện tại. Và như thế, họ sẽ trả tiền nhiều hơn cho kết nối, không phải vì nhà mạng tăng cước mà vì nhu cầu sử dụng của họ nhiều hơn. Kể cả khi cước 4G bán ra bằng 3G hiện nay thì việc đầu tư 4G cũng không lỗ. Nó chắc chắn tăng doanh thu tốt cho nhà mạng", ông Thiều Phương Nam - TGĐ Qualcomm nhận định.

Lạc quan với lợi nhuận

Năm 2015, doanh thu của 3 nhà mạng lớn ở Việt Nam là Viettel, Vinaphone và Mobifone đều tăng mạnh. Thông tin từ Viettel cho thấy, tập đoàn này đạt 222.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với năm 2014 và lợi nhuận đạt 45.800 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5%. Tương tự, doanh thu của VNPT - Vinaphone và Mobifone lần lượt là 89.122 tỷ đồng và 36.900 tỷ đồng.

Báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel khẳng định, từ 2016, chiến lược tăng trưởng của nhà mạng này thời gian tới sẽ không còn dựa vào gọi thoại, SMS truyền thống để tăng doanh thu nữa mà đã có lộ trình đưa giá dịch vụ thoại, SMS về bằng 0 đồng. Thay vào đó nhà mạng sẽ chú trọng hơn đến việc đầu tư dịch vụ tiện ích và hướng người dùng đến dịch vụ số liên quan đến y tế, giáo dục... Để sử dụng tất cả những dịch vụ này, người dùng tất nhiên phải trả phí sử dụng dữ liệu di động 3G, 4G.

Thống kê sơ bộ cho thấy, nguồn thu từ 3G vài năm trở lại đây đều tăng khoảng 60%, mang lại khoản lợi nhuận đáng kể cho nhà mạng. Kể cả khi nhà mạng chưa khấu hao hết chi phí đầu tư 3G sáu năm trước đây thì việc đầu tư 4G vẫn có lợi. Đó là vì cũng như 2G, 3G và 4G sẽ tồn tại song song trong một thời gian dài cho đến khi nhà mạng có thể trang bị phát sóng 4G trên diện rộng.

Tuy hỗ trợ tốt hơn hẳn trong việc truyền dữ liệu nhưng đến nay, ứng dụng thoại vẫn cần đến 3G vì công nghệ thoại trên 4G chưa hỗ trợ trên tất cả các loại điện thoại hiện nay.

Ông Nam khẳng định: "Cho đến khi các dịch vụ thoại trên nền tảng 4G chín muồi thì các nhà mạng vẫn còn đến vài năm nữa khai thác khoản đầu tư đã dành cho 3G".

Đó chính là lý do không có nhà mạng nào đắn đo khi quyết định đầu tư 4G. Riêng ở Việt Nam, cơ hội này lại rộng mở hơn bởi hiện mới chỉ có 1/2 dân số sử dụng 3G và con số này đang tiếp tục tăng cùng với sự tăng trưởng của thị trường smartphone.

"Người chưa dùng thì sẽ dùng 3G, còn người đã dùng 3G thì chắc chắn sẽ chấp nhận 4G vì nó mang lại trải nghiệm tốt hơn hẳn", ông Nam nói.

Trở lại với Pokémon GO, khi mà mới chỉ có 150/800 loài Pokémon được giới thiệu với người dùng thì những tín đồ của trò chơi này sẽ còn gắn bó với game, sử dụng dữ liệu di động để "săn bắt" dài dài. Tiếp đó là việc ra đời của những trò chơi, ứng dụng mới...

Đồ thị của việc sử dụng dữ liệu di động là con đường tiến đến vô cực. Nhà mạng sẽ tiếp tục thu hoạch "hoa thơm trái ngọt" từ những đầu tư mà người dùng thì tự nguyện móc hầu bao.

>Đầu tư hạ tầng cho 4G: Không lãng phí

>Thị trường viễn thông: Cuộc đua 4G của các nhà mạng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người dùng tự nguyện móc hầu bao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO