Lối nào cho mật ong Việt Nam vào EU?

LÊ LOAN| 09/11/2017 03:41

Với nhu cầu tăng khoảng 5,5% - 7%/năm, châu Âu, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đang là thị trường tiêu thụ mật ong lớn. Thế nhưng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU lại không nhiều.

Lối nào cho mật ong Việt Nam vào EU?

Hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, trong 9 tháng năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 29.000 tấn mật ong các loại, trong đó thị trường châu Âu chỉ chiếm 1.469 tấn.

Theo ông Đinh Quyết Tâm - Phó chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, dù mật ong Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu trong 10 tháng năm 2017 đã vượt số lượng cả năm 2016, nhưng thị trường này vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, ước khoảng 5% trong cơ cấu xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Cụ thể, năm 2016, sản lượng mật ong của Việt Nam đạt gần 50.000 tấn, xuất khẩu 40.174 tấn, nhưng xuất khẩu vào thị trường châu Âu chỉ đạt 1.330 tấn.

Dù EU đã cho phép nhập khẩu mật ong từ Việt Nam kể từ năm 2013, nhưng theo đánh giá của một số nước trong EU, mật ong Việt Nam thu hoạch "chưa chín", dẫn đến mật bị lên men hoặc ngưng lên men và hàm lượng Glycerin, hàm lượng axit cao, vì thế mà lượng nhập khẩu chưa được bao nhiêu, trong khi nhu cầu mật ong của thị trường này tăng từ 5,5 - 7%/năm.

Viện dẫn ý kiến của một nhà nhập khẩu châu Âu, ông Nicolaus Bieger - chuyên gia của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư của Liên minh Châu Âu (EU-MUTRAP) chia sẻ, các nhà nhập khẩu châu Âu đã phải lặp đi lặp lại vấn đề về chất lượng đối với mật ong Việt Nam khiến họ khá thận trọng, cho dù họ thấy mật ong Việt rất có tiềm năng. Do đó, nếu muốn tăng xuất khẩu vào châu Âu thì các nhà sản xuất cần phải cải thiện chất lượng mật ong.

Theo các doanh nghiệp sản xuất mật ong, từ năm 2015 trở lại đây, thị trường mật ong liên tục biến động. Cụ thể, năm 2015 người nuôi ong lao đao vì giá mật xuống quá thấp, năm 2016 thị trường biến động do vấn đề chất lượng mật ong và năm 2017, giá mật ong trên thị trường đã tăng trở lại nhưng các doanh nghiệp lại "giẫm đạp lên nhau" để giành khách hàng. Điều này dẫn đến sự "chết dần" về thương hiệu của mật ong Việt Nam ở thị trường các nước.

>>Ngành gỗ Việt Nam: Kỳ vọng tăng trưởng ở thị trường EU

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Việt Cường, CEO Công ty TNHH Khai thác mật ong Đắk Nguyên Hồng chia sẻ, vấn đề hiện nay của doanh nghiệp trong ngành mật ong là vẫn sản xuất theo hệ số an toàn ở thị trường Mỹ. Dù có tiềm năng ở châu Âu do nguồn cầu mật ong lớn nhưng doanh nghiệp vẫn chưa dám "mạnh bước" bởi chưa nắm bắt được thông tin thị trường.

Theo ông Cường, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước luôn mong muốn làm sao để mở rộng cửa ở thị trường EU thì doanh nghiệp lại thiếu thông tin, cũng như chưa nắm được yêu cầu chất lượng đối với mật ong nhập khẩu vào thị trường này. Hơn nữa, các nhà nhập khẩu vẫn nói chung chung về chất lượng mật ong Việt Nam chứ không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể. Các nhà nhập khẩu EU vẫn còn hoài nghi về chất lượng một phần do chưa hiểu rõ về mật ong Việt Nam, và trong mắt họ mật ong Việt Nam đang bị xếp cùng "mặt bằng" với mật ong Trung Quốc.

Để cải thiện tình hình, các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc Chính phủ cung cấp cơ sở pháp lý để xuất khẩu mật ong sang thị trường châu Âu, cần phải cải thiện phương thức hoạt động của các nhà sản xuất mật ong, cần xây dựng thương hiệu mật ong Việt Nam. Các bộ, cơ quan quản lý có liên quan cần đàm phán từng chỉ tiêu mật ong với EU, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nuôi ong về kỹ thuật và cách tiếp thị để đưa mật ong vào thị trường này.

Nhìn nhận vấn đề này, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dù xuất khẩu mật ong đạt hàng chục nghìn tấn nhưng về mặt giá trị lại thấp. Nếu không đảm bảo được chất lượng mật ong thì chẳng khác nào doanh nghiệp tự đào thải, do đó cần phải có sự liên kết giữa các nhà xuất khẩu mật ong để tạo sự bền vững cho thị trường.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (văn phòng thông báo và hỏi đáp về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật quốc gia) phân tích, muốn mật ong Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên thị trường thế giới nói chung và thị trường EU nói riêng thì an toàn sản phẩm là yếu tố mang tính quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lối nào cho mật ong Việt Nam vào EU?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO