Hàng Việt xuất ngoại qua kênh phân phối hiện đại

LUÂN TÂM| 22/05/2019 03:49

Ngoài việc xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn tận dụng kênh bán lẻ hiện đại nhằm thâm nhập thị trường các nước.

Hàng Việt xuất ngoại qua kênh phân phối hiện đại

Siêu thị đưa hàng Việt ra thế giới

Đại diện nhiều nhà bán lẻ nước ngoài khẳng định, Việt Nam có nhiều sản phẩm tiêu dùng được thị trường ưa thích. Do đó song song với xuất khẩu trực tiếp thông qua đối tác, DN nên tận dụng kênh phân phối hiện đại để thâm nhập thị trường các nước. 

Nhận thức được lợi thế trên cùng với sự hỗ trợ từ những thương hiệu phân phối hiện đại như Co.opmart, Aeon, Big C, Lotte... hàng Việt từng bước tham gia thị trường các nước. Điển hình, Co.opmart xuất khẩu vải, bưởi da xanh qua Singapore, Lotte xuất khẩu hàng tiêu dùng và hàng đặc sản qua Hàn Quốc... Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, trung bình một năm Co.opmart thu về gần 2 triệu USD bưởi, khoai lang, thanh long xuất khẩu vào thị trường Singapore.

Năm 2018, xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản đạt 250 triệu USD. Dự kiến, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu hàng “made in Vietnam” qua Aeon sẽ cao hơn. Theo Aeon, không ít sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được thị trường Nhật Bản với doanh số tăng cao. Trong năm 2018, cá ba sa của một nhà máy tại Bến Tre xuất khẩu khoảng 1.000 tấn qua Nhật. Dự kiến, năm 2019 nhà máy này sẽ tăng xuất khẩu lên 1.500 tấn. Ông Yakimoto Koji - Trưởng văn phòng Jetro tại TP.HCM cho biết, DN Nhật có nhu cầu tìm đối tác Việt Nam đưa hàng hóa sang thị trường Nhật. Đáng chú ý, nhiều DN Nhật đã hợp tác với DN Việt để mua trái cây, như trái xoài Việt Nam tham gia thị trường Nhật Bản bước đầu đã cạnh tranh được với xoài Thái Lan, Philippines, Pakistan. 

Không chỉ xuất khẩu hàng hóa vào hệ thống Aeon Nhật Bản, hàng Việt liên tục có mặt ở hệ thống siêu thị của Central Group Thái Lan. Tại Thái Lan, có khoảng 50 sản phẩm của Việt Nam có mặt trong các siêu thị thuộc Central Group, chủ yếu là cà phê và trái cây sấy. Bà Nguyễn Thị Hồng - đại diện Central Group cho hay, đơn vị này mong muốn tìm kiếm DN Việt cung ứng hàng hóa để Central Group đưa vào hệ thống phân phối toàn cầu. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Nguyễn Thắng Hải thông tin, thời gian qua Bộ Công Thương thống nhất với Aeon đưa hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống phân phối toàn cầu của tập đoàn này. Theo cam kết, đến năm 2020, mỗi năm Aeon tiêu thụ khoảng 500 triệu USD hàng hóa Việt Nam và đến năm 2025 là khoảng 1 tỷ USD. Bộ Công Thương cũng xúc tiến việc ký kết tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại hệ thống phân phối của Central Group. Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore với nhiều mặt hàng như tôm, cá, trái cây và một số món ăn. Hơn 600 mặt hàng Việt Nam đang có mặt tại các siêu thị của Singapore đã tạo điều kiện lan tỏa sang thị trường một số nước. 

Theo ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP.HCM (ITPC), ITPC đang làm cầu nối cho DN tiếp cận các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để xuất sản phẩm đến nhiều thị trường.

Xây dựng chuẩn chất lượng

Khen ngợi sự cố gắng của DN Việt Nam khi đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối toàn cầu, song các nhà phân phối cũng chỉ ra những khuyết điểm ở sản phẩm. Theo nhiều nhà phân phối, không ít sản phẩm của Việt chưa đạt chất lượng như người tiêu dùng mong muốn, chưa đảm bảo nghiêm ngặt tiêu chuẩn của thị trường các nước phát triển. Theo đại diện của Aeon, xoài Việt Nam rất ngon nhưng so với xoài Philippines hay Thái Lan còn thua ở vị ngọt. Ông Nich Reitmeier - Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm và thức uống có cồn của Central Group, nhận định, bánh phồng tôm của Việt Nam ngon hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Tuy nhiên, bao bì chưa phù hợp, thiếu tiếng Anh hoặc tiếng Thái nên hạn chế khách hàng. Theo các nhà phân phối Thái Lan, Thái Lan không phải là thị trường dễ tính. Trên bao bì buộc phải ghi rõ nguyên liệu, thành phần cụ thể. Hàng hóa là đồ uống, thực phẩm đòi hỏi phải có chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan. 

Giới kinh doanh khẳng định, xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán lẻ hiện đại không đơn giản. Muốn thâm nhập hay chinh phục thị trường tiêu dùng nước ngoài, DN Việt Nam phải tuân thủ quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn các hệ thống phân phối. Nói về những cải tiến của nhà sản xuất trước yêu cầu của nhà phân phối, ông Yasuo Nishitoghe - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam dẫn chứng, để nhập 1.000 tấn cá ba sa trong 2018, đơn vị phải sàng lọc kỹ nhà sản xuất. Sản phẩm đạt độ ngon, sạch do nhà cung cấp sẵn sàng làm theo yêu cầu của nhà phân phối, như vậy, nhà sản xuất phải cải thiện chất lượng thức ăn cho cá, đầu tư công nghệ nuôi, sản xuất

Bàn về việc gia tăng xuất khẩu nông sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn đạt hiệu quả cao phải đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng, nhất là sản phẩm phải đảm bảo an toàn. Với mặt hàng tiêu dùng, cần có những sản phẩm tốt về mọi mặt. Song song với các yêu cầu về sản phẩm, DN phải nắm bắt kịp thời các chính sách mới, những rào cản thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt xuất ngoại qua kênh phân phối hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO