Nhờ nâng cao sản lượng, chất lượng, mặt hàng, hàng Việt đang vươn ra thị trường nhiều nước. Cơ hội phát triển thị trường càng rõ nét hơn khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương có hiệu lực. Mới đây, tại một diễn đàn xúc tiến xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, nhiều loại sản phẩm của Việt Nam đang được khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và thế giới. Đáng chú ý, xuất khẩu đang giảm lượng hàng thô, tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là hàng nông sản, điện thoại và linh kiện điện tử. Tính đến hết tháng 4/2019, xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử đạt 16,01 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 4,38 tỷ USD, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 94,4%, đạt trị giá 3,32 tỷ USD, sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,67 tỷ USD, tăng 8,1%. Với mặt hàng dệt may, trị giá xuất khẩu trong 4 tháng năm 2019 đạt 9,46 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Hải quan, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá 4,42 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp đó, thị trường Nhật Bản nhập khẩu trị giá 1,16 tỷ USD, tăng 4,7%, thị trường EU 1,16 tỷ USD, tăng 5,5%.
Ngoài hai nhóm hàng kể trên, không ít mặt hàng khác gia tăng kim ngạch xuất khẩu như gỗ và đồ gỗ, thủy sản, nông sản.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch khẳng định: “Nông sản Việt đang có bước chuyển rõ nét tại thị trường nước ngoài. Nhiều nhóm hàng đã có mặt ở các thị trường khó tính. Dư địa ở thị trường các nước dành cho mặt hàng nông sản còn nhiều”. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ, nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đang chờ nông sản Việt khai thác thị trường. Đơn cử, Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được ký trong năm nay. Đây là một hiệp định quan trọng bởi hiện nay thị trường này chiếm tới 19% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU còn tăng mạnh trong thời gian tới khi các dòng thuế dần dần về 0%.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm khẳng định: “Nông sản Việt đang có bước chuyển rõ nét tại thị trường nước ngoài. Nhiều nhóm hàng đã có mặt ở các thị trường khó tính. Dư địa ở thị trường các nước dành cho mặt hàng nông sản còn nhiều”.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) nêu ý kiến, sắp tới đây, hàng Việt nói chung và ngành gỗ nói riêng có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành gỗ đến từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Thị trường khối CPTPP đang chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại vượt 5.000 tỷ USD. Vì thế, CPTPP sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Một số đối tác đã xóa bỏ đa số các dòng thuế về gỗ và đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực.
Nhìn nhận cơ hội xuất khẩu hàng hóa hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, các hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ Việt Nam tận dụng lợi thế từ các chuỗi cung ứng mới hình thành. Tuy nhiên, việc tham gia các FTA cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe. Doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng xuất khẩu. Bởi vì, chất lượng sẽ quyết định tính tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động. Đây là điều kiện quan trọng nâng cao trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm dần tỷ lệ gia công, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.