Ngân hàng rụt rè báo lãi

30/07/2013 08:51

Sắp sang tháng 8 nhưng mới lác đác vài đơn vị cán đích kế hoạch nửa năm, báo lãi quý II. Những ngân hàng còn lại, hoặc chưa công bố báo cáo tài chính hoặc tiết lộ "không đạt lợi nhuận".

Ngân hàng rụt rè báo lãi

Sắp sang tháng 8 nhưng mới lác đác vài đơn vị cán đích kế hoạch nửa năm, báo lãi quý II. Những ngân hàng còn lại, hoặc chưa công bố báo cáo tài chính hoặc tiết lộ "không đạt lợi nhuận".

Sang tháng 8 nhưng vẫn chưa có ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính quý II.

Đến nay, chưa một ngân hàng nào chính thức công bố báo cáo tài chính quý II, tình cảnh khá giống với thời điểm cuối năm ngoái, khi các nhà băng bắt đầu hết thời khoe lãi "khủng".

Đại diện của một ngân hàng cho biết, nguyên nhân chính vẫn là tình hình lợi nhuận không khả quan. "Giờ không giống trước đây nữa rồi. Thời đó, ai cũng lãi khủng và đua nhau công bố xem ai báo lãi trước. Còn nay thì phải từ từ", vị đại diện này tâm sự.

Vài ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan và may mắn cán đích kế hoạch nửa năm bắt đầu báo lãi nhưng chỉ dừng lại ở một vài chỉ tiêu cơ bản như tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tín dụng.

Là một trong những đơn vị công bố sớm nhất, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay lợi nhuận trước thuế nửa năm đạt 52% kế hoạch của cả năm, với gần 1.500 tỷ đồng.

Ngân hàng Quân đội chưa thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán nhưng thông tin về lợi nhuận bắt đầu rò rỉ. Tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, MB cho biết lãi trước thuế khoảng 1.754 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch.

Điểm chung của các nhà băng báo lãi sớm này là đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong bối cảnh toàn hệ thống vẫn ì ạch. Hoạt động cho vay của Sacombank tăng trưởng 12,9% trong khi dư nợ tại MB tăng tới 20% đạt đạt 80.156 tỷ đồng.

Ở nhóm các ngân hàng nhỏ hơn, ABBank cũng cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đạt kế hoạch nửa năm.

Là ngân hàng niêm yết, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chưa công bố kết quả kinh doanh quý II. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau 6 tháng tín dụng tại Vietcombank vẫn tăng trưởng âm 1,1%.

Chưa hoàn thành kế hoạch lợi nhuận nửa năm nhưng Vietcombank vẫn lãi trước thuế 2.600 tỷ đồng. Nguyên nhân theo VCBS là một số khách hàng lớn của Vietcombank đáo hạn các khoản vay USD khiến dư nợ cho vay USD giảm mạnh trong khi cho vay VND vẫn tăng trưởng dương.

Hầu hết các ngân hàng cổ phần đều cho biết lợi nhuận dự kiến sụt giảm và khả năng lớn là không đạt kế hoạch. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank chỉ đạt gần 800 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng, bằng một phần tư mục tiêu đặt ra cho cả năm nay. Do đó, để chạm đến đích 3.200 tỷ đồng là một áp lực không nhỏ với nhà băng này.

Một ngân hàng lớn khác là Á Châu (ACB) hé lộ, số lãi hợp nhất bán niên cũng chỉ ở mức dưới 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc lợi nhuận kinh doanh không được như kỳ vọng, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank cho biết, năm nay biên độ lợi nhuận tín dụng rất hẹp do phải cạnh tranh bằng cách giảm lãi suất.

Mặc khác, ban lãnh đạo ngân hàng kiên định với mục tiêu đảm bảo chất lượng tín dụng, tức không cho vay dưới chuẩn nên dư nợ 6 tháng đầu năm tăng khá thấp, phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Lãnh đạo ACB cũng xác định năm 2013 sẽ là cơ sở phục hồi và năm 2014 là một chu kỳ mới. Do đó, trong năm nay, nhà băng này không quá đặt nặng vấn đề lợi nhuận.

Cả Sacombank, ACB và Eximbank đều là những ngân hàng vừa qua khá tất bật với nhiệm vụ tất toán trạng thái huy động và cho vay vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Giới chuyên gia nhận xét, kết quả kinh doanh trên phần nào phản ánh đúng với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và phân hóa theo đặc điểm riêng của từng ngân hàng. Trong nửa đầu năm nay, tín dụng chỉ tăng 4,5%, trong khi GDP tăng 4,9%, khá thấp so với mục tiêu 5,5% của Chính phủ.

"Trước giờ, tín dụng thường chiếm 80% lợi nhuận. Hiện dư nợ bị ngưng trệ nên các nhà băng giảm lãi là điều khó tránh khỏi", một chuyên gia tài chính phân tích. Do đó, theo ông, với những ngân hàng có mức lợi nhuận khả quan thường rơi vào các trường hợp tín dụng tăng tưởng cao.

Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang thừa nhận, để có được mức lãi tốt trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng phải đẩy mạnh cho vay phân tán đối với khách hàng cá nhân, giúp dư nợ cho vay cao gấp 3 lần so với mức bình quân của ngành.

Cũng nhờ đẩy mạnh bán lẻ mà MB đạt được mức tăng trưởng tín dụng 20% trong nửa đầu năm. Ngân hàng này cũng vừa tung gói tín dụng 1.500 tỷ cho vay mua nhà, ôtô. Một loạt các ngân hàng cổ phần khác cũng đồng loạt đưa các chương trình ưu đãi để "thúc" cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân tăng trưởng trong khi khối doanh nghiệp vẫn "chết đứng".

Một phó tổng giám đốc của ngân hàng cổ phần khác dự báo, với tình hình hiện nay khả năng tín dụng những tháng cuối năm khó tạo ra sự đột phá. Để tìm kiếm lợi nhuận, nhà băng ông sẽ tăng cường phát triển các dịch vụ đi kèm khác như thanh toán xuất, nhập khẩu, dịch vụ thẻ…

"Thời gian tới, khi tăng trưởng dư nợ chưa khả quan, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các dịch vụ này để có thể kiếm thêm nguồn thu, bù đắp phần nào sự suy giảm từ tín dụng", ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng rụt rè báo lãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO