Nguồn cung mặt bằng thương mại sẽ dồi dào hơn

Quỳnh Chi thực hiện| 09/12/2009 08:36

Việt Nam dự kiến công bố phát triển gần 50 dự án bất động sản cuối năm nay và đầu năm 2010, là dấu hiệu cho thấy trong năm tới, thị trường BĐS sẽ phát triển tốt.

Nguồn cung mặt bằng thương mại sẽ dồi dào hơn

Việt Nam dự kiến công bố phát triển gần 50 dự án bất động sản (BĐS) cuối năm nay và đầu năm 2010, là dấu hiệu cho thấy trong năm tới, thị trường BĐS sẽ phát triển tốt. Thậm chí một số nhà phân tích còn dự báo một “bùng nổ nhẹ” về trung tâm mua sắm và cửa hàng bán lẻ vào năm tới. Sau đây là ý kiến của ông Mark Farquhar, Giám đốc Bộ phận bán lẻ Công ty Dịch vụ Bất động sản Savills Vietnam về vấn đề này.

- Thực tế đã cho thấy ở Việt Nam, xu hướng bán lẻ chuyển dần từ hình thức truyền thống sang hiện đại, kéo theo sự phát triển mạnh của các trung tâm thương mại (TTTM) với các loại hình chính, gồm: TTTM, siêu thị và TTTM theo dạng chia sẻ doanh thu. Những năm gần đây, cả ba loại hình này đều nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Chính vì vậy mà nhu cầu về mặt bằng bán lẻ lớn nhưng nguồn cung còn ít. Năm 2009, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài có kế hoạch vào Việt Nam nhưng vấp phải khủng hoảng kinh tế. Do vậy, rất nhiều chủ dự án đã phải dừng tiến độ thực hiện. Chỉ những doanh nghiệp nào có đầy đủ vốn và huy động được nhiều nguồn mới có cơ hội triển khai tiếp. Tuy nhiên, những dự án đang triển khai hiện nay sẽ có cơ hội lớn để đón đầu sự hồi phục của kinh tế.

* Diện tích bán lẻ tại các TTTM ở TP.HCM và Hà Nội còn quá nhỏ, lại không tập trung. Liệu điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành bán lẻ trong tương lai?

- Vấn đề là do giá đất ở trung tâm tại TP.HCM và Hà Nội rất cao. Vì thế xây dựng TTTM ở những khu vực này không khả thi. Tôi cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường vì thông thường ở đâu cũng hình thành những khu vực mua sắm trung tâm và bên ngoài trung tâm. Đây sẽ là cơ hội để các vùng đất xung quanh phát triển.

* Vậy theo ông, mặt bằng bán lẻ sẽ được phát triển ở các khu vực nào và vì sao? Nếu là nhà đầu tư, tôi nên đầu tư vào khu vực và thời điểm nào?

- Xu hướng đầu tư mặt bằng bán lẻ tương lai sẽ là các quận vùng ven như quận 5, quận 7, quận 11... Sắp tới, với mức độ phát triển của khu vực này, nơi đây sẽ hình thành một khu vực dân cư tập trung hiện đại. Nhà đầu tư nào sử dụng các dịch vụ quản lý TTTM tốt nhất sẽ đưa dự án đó đến thành công. Xét về mặt đầu tư, nhà đầu tư thường mắc tâm lý nóng vội hoặc chần chừ. Nếu bạn căn cứ vào tình hình thị trường thấy thuận lợi thì nên tham gia. Hiện nay, mặt bằng bán lẻ đang thu hút đầu tư do các yếu tố như tôi đã trả lời trước đó như mức sống, quy mô thị trường... Tôi nghĩ bạn nên cân nhắc trước khi đầu tư.

Ảnh Quý Hòa

* Trong những năm tới, ưu thế và cơ hội đầu tư sẽ thuộc về nhóm nào?

- Thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng mạnh, quy mô tăng trưởng 20%, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu và mức thu nhập bình quân tăng nhanh. Hình thức kinh doanh bán lẻ theo truyền thống là chủ yếu nên vẫn còn nhiều cơ hội cho các kênh bán lẻ cao cấp. TTTM cao cấp có nhãn hiệu đảm bảo, đa dạng mặt hàng kèm các dịch vụ cũng như khu giải trí cho nhiều người. Một điều cần lưu ý là BĐS bán lẻ cần thời gian thu hồi vốn vì tiền thuê bắt đầu từ mức thấp những năm đầu và cao lên trong những năm sau. Với kinh nghiệm của tôi, BĐS bán lẻ luôn đứng vững trong mọi khủng hoảng vì người dân luôn có nhu cầu mua sắm. Thực tế, giá thuê trên mỗi mét vuông tại các TTTM cao hơn so với giá thuê nhà ở hoặc văn phòng. Chính vì vậy mà rất nhiều dự án mọc lên để đáp ứng nhu cầu thị trường. Như vậy, cơ hội là của tất cả mọi người.

* Những rào cản khi đầu tư vào mặt bằng bán lẻ là gì, thưa ông?

- Nguy cơ rõ nhất là không phải lúc nào cũng có thể tìm được khách thuê để lấp đầy toàn bộ diện tích với một mức giá như mong đợi. Một rủi ro nữa là sẽ có các dự án cạnh tranh được phát triển ngay bên cạnh. Tuy nhiên, cơ hội cũng có rất nhiều vì nguồn cung còn ít mà cầu thì rất lớn.

* Xin cảm ơn ông!

Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của TP.HCM tính đến đầu năm 2009 là 210.323m2, với 17 TTTM và TTTM tổng hợp. Trong năm 2009 này, tại TP.HCM mới chỉ có duy nhất một tòa nhà là Sài Gòn Paragon (Q.7) đi vào hoạt động hồi tháng Ba vừa qua với 21.229m2 mặt sàn. Tòa nhà này đã thu hút một loạt thương hiệu lớn như Givenchuy, Jean Paul Gautier, Thierry Mugler, Giorgio Armani, Omega... đến thuê. Trong năm nay, dự kiến sẽ có thêm các dự án như The Plemington và The Everich tại Q.11, KumhoAsiana (Q.1) hoàn thành vào cuối năm. Bước sang năm 2010, nguồn cung sẽ dồi dào hơn và có thể sẽ được bổ sung thêm khoảng 209.870m2.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn cung mặt bằng thương mại sẽ dồi dào hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO