Báo chí phải thích ứng và gắn kết với công nghệ

Ngọc Quỳnh| 21/06/2023 06:00

Chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ, do đó báo chí không thể không thay đổi để thích ứng. Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh xung quanh đề tài này để hiểu rõ hơn về xu thế phát triển báo chí gắn với công nghệ, trên cơ sở đó có cách thức hoạt động phù hợp, hiệu quả và thu được phí từ độc giả, khán thính giả.

* Thưa ông, công nghệ truyền thông bùng nổ, nguồn thông tin đa dạng, phong phú, tốc độ thông tin nhanh, do đó phương thức chuyển tải thông tin đòi hỏi có những trải nghiệm mới với công chúng. Ông có lời khuyên gì đối với các cơ quan báo chí để thích ứng với xu thế ấy?

- Đã qua cái thời mà báo chí là nguồn thông tin duy nhất, người dùng xem những gì đăng tải trên báo chí chính thống là chính xác tuyệt đối. Giờ đây, người ta có thể tìm kiếm được các thông tin đa dạng, phong phú, nhanh chóng từ nhiều nguồn trên Internet, từ mọi quốc gia và bằng mọi ngôn ngữ, trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Trong biển thông tin đó, bên cạnh những thông tin hữu ích, chính xác đã có nhiều thông tin sai lệch, xấu độc, ngụy tạo và rất nhiều tin giả. Muốn thu hút được dân chúng, báo chí cần phải phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn những giá trị cốt lõi, đó là đảm bảo thông tin trung thực, công bằng, cân bằng, được kiểm chứng kỹ càng; phải có những nội dung, sản phẩm sáng tạo và hấp dẫn, phải làm cho độc giả, khán thính giả thấy được giá trị của thông tin trên báo chí và thấy cần đến báo chí, thay vì "cứ lên mạng là biết đủ thứ chuyện". Báo chí cần áp dụng công nghệ mới, nghiên cứu xu hướng phát triển để đi trước và đón chờ độc giả, khán thính giả trên những nền tảng mới, chú trọng hơn đến yếu tố nhân văn, vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

* Ông đánh giá thế nào mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay?

- Một số cơ quan báo chí đã chuyển đổi số và đạt được những thành tựu bước đầu, song cần thẳng thắn thừa nhận rằng, tiến trình chuyển đổi số ở đa số cơ quan báo chí còn chậm. Mặc dù đã có nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này, Chính phủ cũng đã phê duyệt "Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với những yêu cầu và mục tiêu rất cụ thể, nhưng đến nay nhiều lãnh đạo báo chí vẫn hỏi chuyển đổi số thì thực sự phải làm gì, khi nào nên bắt đầu, liệu chuyển đổi số có tốn kém quá không. Có những tòa soạn báo đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và thực hiện, song thực chất mới chỉ là mua sắm một số máy móc, thiết bị và phần mềm để ứng dụng; một số khác thì có website để ngày ngày đăng tải tin tức, đã có fanpage trên Facebook hoặc tài khoản TikTok thỉnh thoảng có những status vài nghìn like hoặc vài video đạt mấy trăm nghìn lượt xem, thì nghĩ rằng như vậy là đã chuyển đổi số. Điều này cho thấy, nhận thức về chuyển đối số của nhiều lãnh đạo báo chí còn mờ nhạt, chuyển đổi số tại một số cơ quan báo chí vẫn chỉ đơn thuần mang tính cơ học mà chưa nhận thức sâu sắc được rằng, chuyển đổi số là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số.

-8398-1686714864.jpg

* ChatGPT gần đây đã tạo ra "cơn sốt" với người dùng, theo ông thì ChatGPT sẽ giúp ích được gì cho báo chí?

- AI nói chung và ChatGPT nói riêng là bước ngoặt về công nghệ, đang tạo ra nhiều cơ hội với mọi ngành nghề trong việc khai thác các tiện ích, trong đó có lĩnh vực báo chí. Bên cạnh ChatGPT còn có những ứng dụng khác về hình ảnh như DALL-E, Midjourney hay Stable Diffusion, cũng gây ra "cơn sốt" tương tự khi người dùng có thể tạo ra những hình ảnh độc đáo mà chỉ cần gõ câu lệnh. 

Nếu làm chủ và khai thác hiệu quả các công cụ AI này sẽ giúp người dùng giảm được gánh nặng trong công việc.

Theo báo cáo mới nhất của WAN-IFRA (Hiệp hội Báo chí Thế giới thuộc UNESCO), có đến một nửa số tòa soạn tham gia cuộc khảo sát cho biết họ đang tích cực sử dụng các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT, trong đó khoảng 70% cho rằng, AI tạo sinh là một công cụ hữu ích cho nhà báo và tòa soạn báo.

* Có thách thức nào đối với báo chí khi ứng dụng AI, ChatGPT... vào việc sáng tạo nội dung, quản lý nội dung và tổ chức chuyển tải thông tin?

- Kết quả khảo sát của WAN-IFRA cũng cho thấy, nhiều người lo ngại sự ra đời của AI có thể đe dọa đến việc làm của họ. Khoảng 85% người dùng cho biết, lo ngại lớn nhất của việc sử dụng các công cụ AI là nó có thể thu thập thông tin sai lệch, hoặc tạo ra nội dung chất lượng thấp. Khoảng 67% lo ngại về khả năng "đạo báo" và vi phạm bản quyền báo chí. Khoảng 46% người dùng lo ngại về việc bảo vệ dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư.

Những công cụ như ChatGPT đang ngày càng thông minh hơn, nhưng sử dụng thế nào để kiểm soát sự chính xác của nội dung là không hề đơn giản. Theo một báo cáo có tên "Tỷ lệ cao thông tin tham khảo ngụy tạo và không chính xác trong nội dung về y tế do ChatGPT tạo ra" do Mehul Bhattacharyya, Valerie M. Miller, Debjani Bhattacharyya và Larry E. Miller thực hiện, phân tích 30 báo cáo y tế do ChatGPT-3.5 tạo ra, mỗi báo cáo có ít nhất ba thông tin tham khảo, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy trong số 115 thông tin tham khảo mà AI gợi ý thì có đến 47% là hoàn toàn ngụy tạo, 46% là thông tin gốc nhưng được sử dụng không phù hợp, chỉ có 7% là thông tin gốc và được sử dụng phù hợp.

Trang tin công nghệ CNET đã phải gỡ bỏ hoặc sửa rất nhiều bài viết do AI tạo ra do sai sự thật hoặc do "đạo báo". Gần đây, trang Mens Journal đăng tải một bài viết sử dụng AI nhưng đầy lỗi, mà lỗi về nội dung sức khỏe thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với lỗi của một bài báo viết về thể thao ở trường trung học. Những người tạo ra ChatGPT cũng đã thừa nhận, ChatGPT đôi khi đưa ra những câu trả lời nghe rất xuôi tai nhưng không chính xác, hoặc thậm chí chẳng có nghĩa gì.

Nhiều chuyên gia công nghệ cảnh báo, AI có thể hỗ trợ tòa soạn báo chí, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí phải thận trọng khi áp dụng vào sản xuất nội dung để tránh những rủi ro về tính chính xác của thông tin, tránh vi phạm bản quyền và cả những vấn đề mang tính đạo đức.

* Người làm báo thời đại công nghệ cần phải có năng lực, phẩm chất gì về chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp, thưa ông?

- Trong kỷ nguyên làm báo gắn kết với công nghệ như hiện nay, dụng cụ tác nghiệp của phóng viên không chỉ đơn giản là cuốn sổ, cây bút, máy ảnh, camera, máy ghi âm. Một bài báo hay, một bức hình đẹp, một đoạn video hấp dẫn có giá trị thông tin, mang lại hiệu quả truyền thông cao được chuyển tải tới công chúng và có tác động tích cực mới là điều quan trọng. Làm thế nào để nội dung báo chí đến được với người dùng, nói cách khác là trúng đích giữa muôn vàn thông tin nhiễu loạn như hiện nay là không hề đơn giản đối với phóng viên và lãnh đạo cơ quan báo chí. 

-1909-1686714864.jpg

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải nắm được xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, định hướng cho đơn vị áp dụng công nghệ mới để thích ứng với sự phát triển đa dạng. Phóng viên cần phải có những kiến thức, kỹ năng nhất định về công nghệ số, ví dụ như cách thức sử dụng thiết bị mới, sử dụng phần mềm, cả kiến thức cơ bản về lập trình, chưa kể những kiến thức về truyền thông xã hội, về làm thương hiệu cho cơ quan báo chí mình phục vụ, cho nghề báo và cho cá nhân. Bởi không phải cứ ứng dụng công nghệ mới, cứ mua được thiết bị hay phần mềm hiện đại về ứng dụng là chất lượng sản phẩm được nâng lên, mà còn tùy thuộc vào đội ngũ nhân sự có làm chủ được công nghệ, có biết sử dụng nó một cách hiệu quả hay không. 

Chẳng hạn sử dụng công cụ tạo hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo Midjourney, nếu không biết cách viết các câu lệnh thì hình ảnh sẽ không bao giờ như ý muốn, hoặc mua công cụ làm đồ họa tương tác nhưng cần phải biết cách xây dựng dữ liệu để tải lên và có tư duy mỹ thuật để sản phẩm đẹp và dễ hiểu. 

* Còn phẩm chất về chính trị, đạo đức người làm báo thời công nghệ...

- Phẩm chất chính trị, đạo đức của người làm báo thì thời điểm nào cũng vẫn vậy, dù báo chí thời sơ khai hay báo chí thời hiện đại, luôn cần có những nhà báo làm việc đúng với lương tâm và trách nhiệm.

* Nguồn thu phí từ phân phối nội dung trên các nền tảng công nghệ của các cơ quan báo chí còn rất hạn chế, theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Độc giả, khán thính giả nước ta lâu nay có suy nghĩ mọi thông tin trên Internet là miễn phí, một phần do chính sai lầm của báo chí từ đầu thế kỷ này khi đăng tải mọi thông tin lên mạng không thu phí với mong muốn lan tỏa rộng. Tư duy cố hữu đó bây giờ không thể thay đổi nhanh được. Ngay cả ở những quốc gia phát triển, việc thuyết phục người dùng bỏ tiền đọc nội dung số (digital) không dễ chút nào. Trừ các nước Bắc Âu, tỷ lệ người dùng trả phí đọc báo online ở phần còn lại của thế giới đều không cao. Tuy số người trả phí đang tăng lên, nhưng con số này vẫn quá nhỏ, những tờ báo thành công trong việc thu phí như New York Times, Financial Times, Wall Street Journal vẫn còn quá ít.

Tại Việt Nam, việc thu loại phí này còn khó khăn hơn vì không nhiều người sử dụng công cụ thanh toán online như thẻ tín dụng hay ví điện tử, Mobile Money... là những phương thức tiện dụng cho các khoản thanh toán nhỏ, trong đó có thanh toán phí đọc báo điện tử, nhưng đến nay chưa phổ biến. Các cơ quan báo chí muốn thu phí phải tạo ra được nội dung độc quyền, khác biệt, chuyên sâu, phải có chiến lược lâu dài và kiên nhẫn thực hiện, bởi thay đổi thói quen đối với người dùng, nói cách khác là "đào tạo" người dùng không thể đạt được kết quả một sớm một chiều.

* Là người từng giữ trọng trách quản lý tại VietnamPlus tiên phong triển khai báo điện tử có thu phí, xin hỏi ông kết quả ra sao? 

- Chúng tôi thử nghiệm thu phí trên báo điện tử từ năm 2012 và đã có nhiều kinh nghiệm lẫn trải nghiệm. Khi đó, chúng tôi đã phát hiện ra thói quen của người dùng Việt Nam là không thích mua trọn gói cả tháng với giá rẻ nhưng sẵn sàng trả tiền cho từng bài viết nếu đúng nhu cầu. Rất tiếc là suốt một thời gian dài, cách thanh toán đơn giản nhất chỉ là qua hóa đơn điện thoại, mà theo cách này thì cơ quan báo chí nhận phần chia quá thấp (chỉ 30%), nên không đủ chi phí vận hành. Khi VietnamPlus chính thức thu phí vào cuối năm 2018, phương thức thanh toán vẫn không được cải thiện, một số cơ quan báo chí khác sau đó cũng đã thử nghiệm triển khai thu phí nhưng hiệu quả chưa cao. 

* Điều đó có phải đến nay vẫn còn quá ít cơ quan báo chí của Việt Nam thực hiện thu phí?

- Khó khăn triển khai thu phí là việc thay đổi nhận thức của người dùng cần phải có một quá trình, đòi hỏi sự bền bỉ. Hãy nhìn New York Times, họ thử nghiệm thu phí từ cuối những năm 2010, thấy hiệu quả kém nên có lúc đã bỏ rồi lại thực hiện. Ở một nước đang phát triển như chúng ta, người dân vẫn quen dùng tiền mặt thì khó khăn trong việc thu phí với độc giả và khán thích giả là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là các cơ quan báo chí phải hiểu rằng, thông tin cũng là một loại hàng hóa trên thị trường. Phải trả lời được câu hỏi: Điều gì sẽ khiến người dùng móc hầu bao cho sản phẩm của mình, điều gì sẽ khiến họ mua nội dung của mình sản xuất mà không phải là của báo khác? Nếu sản phẩm không có gì đặc sắc, khác biệt thì đừng thử bán, còn nếu có niềm tin vào chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm báo chí thì hãy mạnh dạn thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro và hãy kiên định đi theo con đường đã chọn.

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Báo chí phải thích ứng và gắn kết với công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO