Đột phá cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
Dự kiến tháng 5 Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xem xét thông qua “Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, với cách tiếp cận “đột phá” mạnh mẽ để tạo động lực cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phát triển.
Đòi hỏi cấp thiết
Khoa học, công nghệ và ĐMST được coi là động lực chính tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra chính sách, hành lang pháp lý đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đầu tư cho khoa học - công nghệ từ ngân sách nhà nước còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra bằng 2% GDP. Tỷ lệ chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp (DN) tư nhân hạn chế. Hợp tác giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học và DN chưa chặt chẽ, chưa tận dụng được tốt nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Mục tiêu đặt ra trong tổng đầu tư R&D khu vực DN phải chiếm tỷ trọng từ 70 - 80% (nhà nước khoảng 20 - 30%), nhưng đến nay các DN mới đầu tư đạt khoảng 1/6 mục tiêu đề ra (mới đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng/năm).
Nguyên nhân ngoài nguồn lực hạn hẹp, năng lực của DN tư nhân còn yếu, còn do thiếu cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, hành lang pháp lý còn bất cập. Luật Khoa học - Công nghệ hiện hành (ban hành năm 2013) chưa bao quát được các vấn đề về ĐMST; hoạt động khoa học - công nghệ, ĐMST còn nhiều rào cản thủ tục hành chính; cơ chế tài chính và chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vẫn còn vướng mắc, khó khăn. Đến nay chưa có các quy định rõ ràng về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chưa có cơ chế bảo vệ các nhà khoa học trước những rủi ro trong quá trình nghiên cứu.
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về khoa học - công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, đã yêu cầu tập trung sửa đổi, bổ sung, xây dựng hành lang pháp lý và chính sách thông thoáng cho lĩnh vực này phát triển trong giai đoạn tới. Đó là lý do dự thảo Luật Khoa học - Công nghệ và ĐMST đang được rốt ráo hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua để thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, khó khăn cho hoạt động khoa học - công nghệ và ĐMST phát huy tối đa tiềm năng, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0.
“Cởi trói” tạo động lực
Dự thảo “Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” đã bãi bỏ quy định yêu cầu đăng ký hoạt động khoa học - công nghệ đối với tất cả các tổ chức, thay vào đó chỉ yêu cầu đăng ký đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D). Điều này nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và giúp sàng lọc các tổ chức không hiệu quả. Đồng thời, dự thảo cũng chấp nhận rủi ro và độ trễ trong quá trình nghiên cứu để tạo điều kiện cho các nghiên cứu khoa học mang tính đột phá và dài hạn, qua đó đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong nghiên cứu. Một điểm đáng chú ý khác là việc mở rộng phạm vi nhân lực khoa học - công nghệ và ĐMST, bao gồm học viên thạc sĩ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ, cũng như các cá nhân có thể tham gia nghiên cứu trong DN.
Dự thảo “Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ nhân lực nghiên cứu trong các tổ chức khoa học - công nghệ công lập, cho phép họ tham gia thành lập và điều hành DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đồng thời, nhân lực này có thể được cử sang làm việc tại các tổ chức khác để trao đổi học thuật, nâng cao trình độ và năng lực, với chế độ lương và quyền lợi được giữ nguyên.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất đơn giản hóa các thủ tục triển khai và quản lý các nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Trước khi dự thảo Luật Khoa học - Công nghệ và ĐMST được thông qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15, thí điểm một số cơ chế và chính sách đặc biệt nhằm tạo ra đột phá trong phát triển khoa học - công nghệ và ĐMST. Một trong các chính sách nổi bật là ưu đãi thuế cho DN và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Bùi Thế Duy cho rằng, Nghị quyết 193/2025/QH15 đã "cởi trói" một số nội dung chi tiêu cho khoa học - công nghệ, cho phép tất cả các chi tiêu R&D và ĐMST của DN được trừ vào chi phí tính thuế (trước đây, chỉ cho phép DN trích Quỹ khoa học - công nghệ tối đa không quá 10% thu nhập chịu thuế).
Luật Khoa học Công nghệ & ĐMST khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, sẽ giúp cho môi trường nghiên cứu khoa học - công nghệ và ĐMST phát triển thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, một số ý kiến từ các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) cần có những quy định cụ thể hơn đối với các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, năng lượng và vật liệu mới. Bên cạnh đó, cần định nghĩa rõ ràng về "khoa học mở", xác định các chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này, đồng thời làm rõ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ trong khuôn khổ khoa học mở.