Sản phẩm chế biến - "đại dương xanh" cho nông sản

LỮ Ý NHI| 09/07/2017 06:55

Để "giải cứu" tình trạng thừa nông sản, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, đầu tư đưa vào chế biến, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị cao, đem lại nguồn thu khả quan từ xuất khẩu.

Sản phẩm chế biến -

Theo bà Nguyễn Thị Phước - TGĐ Vietcomreal, Vietcomreal đã "giải cứu" 25 tấn bí đỏ cho nông dân Đắk Lắk bằng cách mua để tặng các bếp ăn từ thiện và chia thành nhiều điểm bán cho người dùng. Nguyên nhân là cuối tháng 5 vừa qua, 2.700 tấn bí đỏ của bà con phải bán cho thương lái với giá 100 - 500 đồng/kg, gần như cho không, vì dưới giá thành sản xuất đến 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Cũng như hiện nay Vissan "mua hộ" heo hơi cho người chăn nuôi với giá cao hơn giá thị trường, cách "giải cứu" của Vietcomreal chỉ là tạm thời.
Những năm gần đây, việc khủng hoảng thừa nông sản diễn ra khá phổ biến và để "giải cứu" tình trạng ấy, một số doanh nghiệp (DN) đã nghiên cứu, đầu tư đưa vào chế biến, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị cao, đem lại nguồn thu khả quan từ xuất khẩu.

Năm 2007, trước tình trạng giá bưởi tại Đồng bằng Sông Cửu Long rớt giá từ 8.000 - 10.000/kg xuống còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được do tin đồn ăn bưởi bị ung thư, với kinh nghiệm làm lương y thời bộ đội, ông Đoàn Văn Khanh ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã quyết tâm đi học để có kiến thức nghiên cứu tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe và sắc đẹp.

Liên tục thất bại, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng vì muốn tạo ra giá trị cho cây bưởi đang có nguy cơ bị nông dân phá bỏ, cuối cùng ông Khanh đã thành công.

Hiện, danh mục sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận do ông làm chủ đã có 26 sản phẩm từ cây bưởi được bán trên thị trường, doanh thu khá cao, trong đó tinh dầu hoa bưởi đã được xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ...

Nhìn thấy tiềm năng của tinh dầu bưởi, có một công ty nước ngoài đề nghị mua lại bản quyền của Long Thuận với giá hơn 2 triệu USD nhưng ông Khanh không bán.

Ông chia sẻ: "Người ta dám mua của mình để sản xuất thì mình cũng phải dám làm, cố gắng nghiên cứu, đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm đem lại giá trị cho cây bưởi. Việt Nam có nhiều cây trái mà ở nhiều nước không có, nếu biết cách chế biến sẽ là nguồn xuất khẩu mang lại giá trị rất lớn". 

Tương tự, vào thời điểm trái thanh long ở Tiền Giang, Bình Thuận phải đổ bỏ, nhiều DN đã tìm cách chế biến rượu vang, tăng giá trị của loại trái cây này lên gấp 3 - 5 lần. Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu vang Thanh Long đã đầu tư 6,5 tỷ đồng để sản xuất rượu vang với công suất 40.000 lít/năm.

Công ty dự tính mỗi năm tiêu thụ 200 tấn thanh long loại trái nhỏ, mẫu mã xấu, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện đã có khách hàng ở Trung Đông đặt hàng mỗi năm đến 1 triệu lít rượu vang từ thanh long. Công ty TNHH Rồng Xanh (Bình Thuận) đã sản xuất các loại nước giải khát từ trái thanh long, sản phẩm đã được xuất sang Lào, Campuchia.

Cũng để "giải cứu" bền vững cho trái thanh long, ông Dương Tấn Thống - Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Nhật Hồng đã sản xuất rượu vang từ thanh long ruột đỏ theo công nghệ của Mỹ và định vị sản phẩm ở phân khúc cao cấp.

Ông Thống cho biết: "Rượu của Công ty bán rất tốt, đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu qua Mỹ và Trung Quốc với giá trị ban đầu khoảng 200.000 USD". Ông Thống cũng tiết lộ vừa đầu tư hơn 4 tỷ đồng nhập một dây chuyền sấy dẻo thanh long, chuối, xoài để xuất khẩu.

Ông Thống nói: "Một số công ty ở châu Âu đặt mỗi tháng từ 10 - 12 container thanh long sấy dẻo nhưng không đủ cung ứng. Một số doanh nghiệp ở Đài Loan và Trung Quốc cho biết trung bình một ngày có thể mua một container (khoảng 16 - 18 tấn) thanh long sấy dẻo. Sở dĩ thanh long được thị trường nước ngoài ưa chuộng vì khi sấy thì ăn ngon hơn mít, xoài và có tác dụng làm đẹp da, nhuận trường, thích hợp đối với người ăn kiêng". 

Những năm qua, nhiều công ty nước ngoài đã đầu tư chế biến sâu nông sản Việt Nam. Đơn cử, đầu năm 2017, nhà đầu tư đến từ Mỹ là PHI Group đã mua lại 51% cổ phần của Công ty Hoàng Minh Châu chuyên chế biến củ nghệ.

Theo dự báo của Global Market Insight, đến năm 2024, thị trường tinh bột nghệ có thể đạt đến giá trị 99,3 triệu USD. Một ký nghệ tươi có giá khoảng 20.000 đồng thì một kg tinh bột nghệ bán với giá cao gấp 50 lần và hiện đang được Ấn Độ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, các quốc gia Trung Đông, Đông Âu ưa chuộng.

Mặc dù tiềm năng xuất khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản Việt Nam rất lớn nhưng việc đầu tư công nghệ hiện đại vẫn chưa nhiều. Lý do, theo ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Công ty Vinamit, là DN Việt Nam bị hạn chế về vốn, nhưng hạn chế lớn nhất là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định vì khi thì khủng hoảng thừa nguồn cung, lúc thì thiếu trầm trọng.

Mà khi thiếu nguyên liệu thì phải nhập nguyên liệu với giá khá cao, khó tạo ra lợi nhuận. Ông Viên dẫn dụ, mít, chuối, khoai môn rất dễ trồng, vậy mà có thời điểm Vinamit không đủ nguyên liệu sản xuất. Việt Nam cũng thiếu những giống cây có năng suất, chất lượng cao, sản lượng ổn định nên rất khó đưa vào sản xuất lớn.

Ông Viên nhấn mạnh, muốn khuyến khích DN đầu tư vào khâu chế biến để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản thì việc liên kết giữa người trồng và người mua là quan trọng nhất, tức DN phải cung ứng giống, kỹ thuật canh tác, phân bón rồi mua sản phẩm của nông dân hay trang trại để chế biến, phân phối.

Giám đốc Công ty Nhật Hồng cho rằng: "Nguồn nguyên liệu ổn định quyết định đến 80% thành công của DN chế biến nông sản, vì vậy, các cơ quan quản lý cần quy hoạch, định hướng sản xuất cho nông dân, đồng thời tổ chức liên kết giữa các ngành một cách chặt chẽ. Nông sản chế biến sâu để xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ tính bằng tỷ đô la Mỹ, nhưng chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị rất thấp như hiện nay là vô cùng lãng phí”.

Mới đây, trả lời Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, sắp tới, các chính sách hỗ trợ DN sẽ được luật hóa và thực hiện 7 nhóm hỗ trợ chung, gồm tín dụng, đất đai, thuế, phí, công nghệ, thị trường..., trong đó, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ là một trong 3 đối tượng được hỗ trợ trọng tâm".

Cũng theo một nguồn tin gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức nghiên cứu để cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rau củ quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản phẩm chế biến - "đại dương xanh" cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO