Start up

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cùng quỹ đối ứng

TS. Nguyễn Việt Dũng (*) 18/03/2024 - 18:11

Các trường đại học nên chủ động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó có những nhà tài trợ, quỹ đầu tư từ xã hội cùng tham gia đối ứng để phát triển các dự án khởi nghiệp. Như vậy, hội đồng xét duyệt của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM sẽ thấy dự án khả thi và yên tâm rót vốn đầu tư.

TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

Một trong những yếu tố quyết định sự bứt phá của các doanh nghiệp ĐMST là tài sản trí tuệ, phải có những công nghệ, những bí quyết đặc biệt mà người khác không bắt chước được thì sản phẩm mới có thể bứt phá và thu hút các nhà đầu tư. Trong những năm qua, tinh thần khởi nghiệp ĐMST của cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP.HCM rất cao, có nhiều sáng tạo tuy nhiên những sáng tạo mang tính đột phá, ứng dụng những công nghệ đặc biệt để giải quyết vấn đề một cách độc đáo và khó bắt chước vẫn còn hạn chế.

Trường đại học là nơi đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy vai trò của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hết sức quan trọng. Không chỉ đào tạo về kiến thức, khoa học công nghệ mà còn trang bị cho sinh viên sự sáng tạo, tư duy phản biện, tinh thần dấn thân khởi nghiệp và chấp nhận rủi ro… Bên cạnh đó, trường đại học còn có đội ngũ các giáo sư, các chuyên gia khoa học công nghệ có thể tư vấn cho sinh viên. Đồng thời, các chương trình nghiên cứu có thể phát triển thành những sản phẩm sáng tạo rất tốt nên nếu như trường đại học có chương trình bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp và tận dụng toàn bộ hạ tầng, đội ngũ và các mối quan hệ của mình để hỗ trợ thì sẽ là bệ đỡ rất tốt phát triển các ý tưởng của sinh viên và hình thành những DN khởi nghiệp ĐMST.

so-khcn.jpg

Trường đại học là một thành phần không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của mỗi địa phương. Do đó, phải cộng sinh với nhau, luôn hợp tác, chia sẻ và cùng nhau giải quyết các vấn đề. Trong những năm qua, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ các khóa huấn luyện cho giảng viên của các trường đại học về tư duy ĐMST, từ đó khuyến khích các trường hình thành các vườn ươm, hỗ trợ nghiên cứu các chương trình giảng dạy về khởi nghiệp ĐMST. Ngoài ra, Thành phố cũng có các chính sách hỗ trợ hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST trong các trường đại học như: huấn luyện cho sinh viên, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng và hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng thành những sản phẩm thử nghiệm cũng như những chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ĐMST có thể phát triển, gọi vốn đầu tư mạo hiểm…

Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 672, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025. Đây là đề án tiếp theo Đề án 4181 trước đó 5 năm. Thực tế cho thấy, những DN khởi nghiệp ĐMST nếu xuất phát từ trường đại học, được thừa hưởng kết quả nghiên cứu của các phòng thí nghiệm trong trường sẽ có khả năng tồn tại và thành công cao hơn rất nhiều so với các DN khởi nghiệp khác. Chính vì vậy, Đề án 672 hướng đến hỗ trợ các trường đại học cố gắng hình thành hệ sinh thái ĐMST ngay trong trường và bằng những chính sách như hỗ trợ huấn luyện, phát triển các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ ươm tạo, kết nối thị trường, kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Chủ động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cùng quỹ đối ứng

Trong thời gian qua, nhiều trường đại học đã tận dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong trường, nhất là các trường khu vực tư nhân. Tất nhiên, các trường cũng có những nguồn riêng cùng tham gia đối ứng. Sở vẫn kỳ vọng các trường đại học có thể tận dụng tối đa các chính sách này để hỗ trợ nâng cao tinh thần khởi nghiệp ĐMST trong sinh viên. Điều này cũng giống như học gắn với “hành”.

Khởi nghiệp ĐMST thật ra chính là “hành”. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay có xu hướng phát triển các trường đại học khởi nghiệp (ĐHKN), vì nếu chỉ học lý thuyết thì khi đi làm hoặc kinh doanh, sinh viên sẽ không thể giải quyết những vấn đề thực tế. Do đó, tốt nhất là ngay trong trường, học kiến thức khoa học gắn với giải quyết những vấn đề thực tiễn. Học phải gắn với “hành” và “hành” tốt nhất là thông qua các hoạt động ĐMST hoặc xa hơn là khởi nghiệp ĐMST thì sẽ rất tốt cho lực lượng nguồn nhân lực chất lượng của Thành phố trong giai đoạn sắp tới. Như vậy, sự phát triển của xã hội nói chung và trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST nói riêng sẽ có nhiều bứt phá hơn.

Đặc biệt, Nghị quyết 98 của Quốc hội có 4 nhóm chính sách hỗ trợ cho hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST TP.HCM. Trong đó, có gói chính sách hỗ trợ cho các dự án ĐMST và khởi nghiệp ĐMST với các mức 40 triệu đồng, 80 triệu đồng và 400 triệu đồng cho mỗi dự án. Sở KH&CN sẽ mời gọi vườn ươm từ các trường đại học kể cả khu vực tư nhân xây dựng các chương trình ươm tạo, giải quyết những vấn đề cụ thể của xã hội theo 9 lĩnh vực ưu tiên của Thành phố trong Nghị quyết 98 đã nêu. Lúc đó, Sở có hội đồng để xem xét, đánh giá và quyết định hỗ trợ bao nhiêu dự án trong chương trình của các trường.

Tất nhiên, khuyến khích các trường hay các tổ chức hỗ trợ ươm tạo nói chung của xã hội nên có đối ứng từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc vốn của trường cùng tham gia. Giả sử, Sở KH&CN TP.HCM muốn hỗ trợ cho một dự án 80 triệu đồng, khi hội đồng của Sở thành lập, thấy dự án khả thi, mục tiêu tốt mà đã có một quỹ đầu tư cùng tham gia đối ứng là 50 - 50 (các quỹ đầu tư cũng rót vào 80 triệu đồng) thì hội đồng sẽ yên tâm hơn là một trường hợp chỉ xin thôi, không đầu tư vốn. Do đó, chúng tôi vẫn khuyến khích các trường đại học nên chủ động xây dựng một hệ sinh thái, trong đó có những nhà tài trợ, những quỹ đầu tư cùng đi theo để đầu tư, phát triển các dự án khởi nghiệp ĐMST, lúc đó các chính sách của Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ tương đối.

(Lê Hạnh lược ghi)

(*) Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cùng quỹ đối ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO