Bất chấp khủng hoảng kinh tế, một số tập đoàn vẫn công bố lợi nhuận tăng trưởng. Bí quyết của họ cũng chính là hướng đi mới trong kỹ trị doanh nghiệp, không chỉ thoát khỏi khủng hoảng mà còn định hướng phát triển lâu dài.
Theo BusinessWeek, Nestle SA, DN sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới, có lợi nhuận ròng cả năm tăng 69%. Nhiều hãng cũng có lợi nhuận tăng khá mạnh, như Colgate-Pamolive có mức tăng trưởng lợi nhuận quý II là 14%. Trong lĩnh vực bán lẻ, Wal-Mart công bố lợi nhuận quý I/2009 tăng 6,9%, lượng bán tăng 10,2%. Còn tại thị trường ô tô, dòng xe Hybrid thân thiện với môi trường Prius của Toyota Motor Corp có doanh số tăng 24% so với tháng trước.... Dường như khủng hoảng kinh tế không tác động tới những nhãn hiệu này và đó cũng là ẩn số trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nếu hãng nào giải được ẩn số này, không những vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn tận dụng cơ hội để vượt lên trước đối thủ trong tương lai.
Có nhiều cách để tăng lợi nhuận trong thời khủng hoảng, nhưng thực tế cho thấy, nhiều nhãn hiệu đã khai thác thị trường mới nổi, dựa vào tình thế hiện hành hay tận dụng sự thay đổi thói quen từ phía người tiêu dùng. Nestle SA đẩy mạnh hoạt động tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Trong khi đó, Colgate-Pamolive thì hạ giá để đánh bật các công ty cạnh tranh, đồng thời không quên dịch chuyển thị trường để đạt 55% thu nhập ngoài thị trường Mỹ. Để cạnh tranh, Unilever, P&G và nhiều tập đoàn khác tìm cách giảm giá hay tăng khối lượng, kích cỡ sản phẩm, mặc dù việc đó đồng nghĩa với việc cắt giảm lợi nhuận. Ngoài ra, còn có giải pháp ngắn hạn khác là đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị để nhắc nhở khách hàng điểm mạnh của những sản phẩm có tên tuổi và khuyến khích họ mua. Unilever đang áp dụng biện pháp này, đặc biệt là với nhãn hàng xà-phòng Dove và nước tẩy rửa Domestos...
Khi kinh tế thế giới phục hồi, các nền kinh tế lớn sẽ thực hiện tái cơ cấu, dòng vốn đầu tư sẽ có sự chuyển dịch. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, DN đẩy mạnh các biện pháp tái cấu trúc lại ở cả hai cấp độ: tái cấu trúc gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu và tái cấu trúc không gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu. Tuy nhiên, cải tiến mới là tiềm lực vững chắc cho DN hiện tại và cả tương lai.
Công ty Reckitt đúc kết thành công mà công ty có được là do thay đổi quản lý, tiếp thị và sắp sếp nhân sự. Theo lời ông Bart Becht, Giám đốc Reckitt, nhờ bộ máy quản lý đơn giản, gọn nhẹ mà công ty có thể nhanh chóng đưa ra quyết định thực hiện kế hoạch. Năm ngoái, trong khi hầu hết những đối thủ cạnh tranh cắt giảm chi phí tiếp thị, Reckitt tăng chi 25%. Công ty tung ra bốn loại nước rửa chén Finish với những mức giá khác nhau, đồng thời còn đưa ra nhiều cải tiến, ví dụ như sản phẩm xịt phòng có bộ phận cảm ứng tự động báo hiệu khi cần xịt, mặc dù có giá đắt hơn sản phẩm thông thường 20%. Người tiêu dùng không bỏ tiền ra cho những thay đổi nhỏ về mùi hương, nhưng họ sẽ chịu chi cho những phát minh mới. Bên cạnh đó, những sản phẩm đáp ứng được xu hướng thời đại như “thân thiện với môi trường”, “công nghiệp xanh”, “năng lượng xanh”... cũng xác lập chỗ đứng riêng trên thị trường.
Những DN đầu tiên nghiên cứu và cho ra đời những ứng dụng thân thiện với môi trường sẽ giành lợi nhuận cao nhất. Đó là nguyên nhân giúp xe hơi Hybrid, Tivi LCD tiết kiệm điện, xe máy giảm tiêu thụ xăng được chuộng dùng tại mọi thị trường. Ngoài ra, sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu, và vấn đề an toàn thực phẩm cũng rất cấp thiết. Đa số phụ nữ trong 15 thành phố tại Trung Quốc trả lời phóng vấn là họ có thể chi thêm 20% nếu hàng hóa bảo bảm an toàn cho sức khỏe con trẻ...
Vấn đề chất lượng - số lượng không mới trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, nhưng cần được đẩy nhanh và mạnh hơn, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng này.