Theo báo cáo về “Sự dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng - Cận cảnh chi phí kinh doanh ở châu Á” do TMX - Công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh châu Á - Thái bình Dương vừa công bố, Việt Nam đang xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng các thị trường trong khu vực có giá cả hợp lý, đứng sau Campuchia, Myanmar và Philippines, với tổng chi phí nhân công trung bình 108 USD/tháng, chiếm 55% tổng chi phí hoạt động.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có số lượng lao động dồi dào, chiếm tới 57% dân số và tập trung phục vụ cho ngành sản xuất, công nghiệp hàng đầu, đóng góp 16% vào GDP cả nước.
Lực lượng lao động Việt Nam cũng được đánh giá lành nghề. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố vị trí của Việt Nam trong trong thời gian tới khi Nhà nước tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện cho lĩnh vực đào tạo và phát triển tay nghề.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn là một trong những thị trường có chi phí vận hành bình quân thấp nhất trong khu vực, chỉ cao hơn hai quốc gia Campuchia và Myanmar. Tổng chi phí hoạt động trung bình dao động từ khoảng 79 - 209 USD mỗi tháng. Đồng thời, Việt Nam cũng xếp thứ tư trong bảng xếp hạng các thị trường có chi phí cho thuê kho hợp lý nhất, với giá trung bình là 5USD/m2/tháng, đứng sau Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Mức chi phí này được kỳ vọng duy trì trong những năm tới khi tốc độ xây dựng nhà kho trên cả nước ngày càng tăng.
Theo báo cáo Logistics của Bộ Công Thương năm 2021, trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập, kinh doanh vận tải và kho bãi tăng 4,61% với số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia đánh giá Việt Nam là một quốc gia đầy tiềm năng trong khu vực nhờ vào những cam kết bảo đảm của Chính phủ về việc giảm thuế quan, các quy định về thuế và sự trợ giúp từ các hiệp định thương mại tự do được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào thị trường Việt.
Các khu công nghiệp liên tục được mở rộng giúp Việt Nam trở thành điểm đến dịch chuyển sản xuất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài |
Sự xuất hiện của các khu công nghiệp càng giúp Việt Nam trở thành điểm đến dịch chuyển sản xuất hấp dẫn. Hiện sản xuất và chế biến đang thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư trong năm 2020. Do đó, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc xây dựng các khu công nghiệp nhằm phân bổ dòng vốn FDI đang ổn định này.
Tính đến tháng 5/2021, Việt Nam có 394 khu công nghiệp trên khắp cả nước với tổng diện tích đất tự nhiên là 121.900 ha. Năm 2021, TP.HCM đã dành ra hơn 300 ha đất để phát triển các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tất cả các khu công nghiệp được xây dựng với định hướng đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp chuyên môn, từ đó rút ngắn quá trình di dời khi các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đặt chân vào Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là thị trường thích ứng nhanh với số hóa và công nghệ tự động. Cũng theo báo cáo của TMX, 60% lãnh đạo Việt Nam tin rằng sẽ có nhiều ứng dụng công nghệ và công cụ kỹ thuật số được triển khai trong tương lai. Có đến 58% nhà lãnh đạo trong nước khẳng định sẽ ưu tiên áp dụng ngay các giải pháp kỹ thuật số mới nhất trong hoạt động kinh doanh của họ sau đại dịch.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đã và đang từng bước đầu tư vào các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số như công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%) và nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi kỹ thuật số (10.7%).
Theo Giám đốc quốc gia TMX Việt Nam Andrew Maher, khi Việt Nam đang dần thích nghi với nền kinh tế “bình thường mới" và nỗ lực phục hồi sau đại dịch, TMX nhận thấy đây là thời cơ chín muồi để Việt Nam vươn lên và trở thành vùng đất vàng trong chiến lược Trung Quốc+1 nhờ vào vị trí chiến lược, lực lượng lao động có năng lực và khả năng tiếp nhận tự động hóa.