Trường Giang: Càng nổi tiếng càng phải cần mẫn

HOÀNG LINH LAN ghi| 18/02/2015 09:45

Ngày đầu xuân, anh kể về chặng đường nhiều gian nan nhưng thấm đẫm nghĩa tình, đã trui rèn và đưa anh trở thành cái tên ăn khách bậc nhất ở làng hài kịch TP.HCM.

Trường Giang: Càng nổi tiếng càng phải cần mẫn

Diễn viên hài Trường Giang trước khi nổi tiếng như hiện này đã từng trải qua một tuổi thơ cơ cực và những ngày đầu vào nghề nhiều thăng trầm, vất vả. Nhưng trong anh vẫn là một tấm lòng nhân hậu, yêu nghề, kiên cường và cả tình yêu gia đình ấm áp. Ngày đầu xuân, anh kể về chặng đường nhiều gian nan nhưng cũng thấm đẫm nghĩa tình, đã trui rèn và đưa anh trở thành cái tên ăn khách bậc nhất ở làng hài kịch TP.HCM.

Tuổi thơ cơ cực

Thuở thơ dại, ký ức tôi trống huơ trống hoác bàn tay của má. Chỉ có bóng cha nhọc nhằn, liêu xiêu trên những chuyến tàu vội vã vào Nam ra Trung, mượn chỗ này một ít, vay chỗ kia một tẹo, quăn queo với những đồng tiền nuôi sáu đứa con thơ dại. Chỉ có bàn tay của chị hôm sớm tảo tần, ủ khăn trên trán những đêm sốt mê sảng.

Cha má tôi quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam, dắt díu nhau vào lập nghiệp ở Long Thành, Đồng Nai từ những ngày tóc còn xanh. Cha kể, ngày má còn sống, nhờ sự đảm đang, tháo vát của má, cảnh nhà sung túc. Đột ngột, má về nằm im giữa miền đất đỏ sau một tai nạn giao thông, bỏ mặc gió thổi hàng cao su nỉ non. Những chiều hanh hao nắng, chị thường dắt tôi ra chỗ má nằm, nhặt trái cao su rụng, nghe tiếng lá run run, mắt ươn ướt ngóng xa xăm...

Những đêm trăng nằm nghiêng, tôi thấy dáng cha trầm ngâm, đốm thuốc lập lòe, hơi sương buốt tay. Nhà của tôi nép giữa hàng cao su thưa thớt, mưa lúc nào cũng có thể về bất chợt, đất đỏ nhầy nhụa, trơn trượt, run bần bật theo từng trận gió gầm ghè. Tôi bé choắt, đen nhẻm, tóc khét lẹt mùi nắng, cha và các anh chị gọi bằng cái tên thân yêu, ít nhiều xa xót: Tí.

Sau giờ học, tôi cùng lũ bạn trong xóm hớn hở xách bao đi mót mủ, lượm củi khô trong rừng cao su kiếm thêm ít tiền phụ cha đong gạo. Cảnh nhà tuy thiếu trước hụt sau nhưng mấy anh chị em tụi tôi thương nhau lắm. Cái nghèo bám riết năm này qua tháng nọ, khiến người ta quẩn quanh, tù đọng trong cơm áo gạo tiền: “Cõng cực mà quẳng lên non/ Còng lưng mà chạy cực còn theo sau...”.

Những ngày mưa, cha ho nhiều, tiếng đứt quãng, xa xăm tận đâu đâu. Vậy mà sáng nào cha cũng còng lưng ra rẫy. Tôi thường nghe các em nhỏ mơ lớn lên trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo. Còn tôi ngày ấy, ước mơ là cái gì đó xa xỉ lắm. Đời sống là những chuỗi ngày sống tới. Ước ao duy nhất là có tiền đong gạo cho bảy miệng ăn, cha nào dám mơ một viên thuốc, tôi nào dám ước một món ngon.

Học xong trung học phổ thông, điều kiện chọn nghề tiên quyết của tôi lúc đó là theo học ngành nào vừa đảm bảo sau này có nghề, vừa không phải tốn học phí. Vậy là tôi nộp hồ sơ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Đận đó tôi rớt. Đứng trước cửa nhà, ngó thông thống xuống phía sau, cầm lòng không đặng, tôi xin cha cho lên Sài Gòn kiếm việc chờ thi lại.

Hai lần bị đuổi học vì quá nghèo

Sài Gòn trong mắt thằng con trai nhà quê lên phố sang trọng và choáng ngợp lắm. Để bám trụ ở phố, tôi xoay xở đủ nghề. Ai kêu gì cũng làm, giao gì cũng nhận, miễn chân chính và có thể kiếm được chút tiền để đắp đổi qua ngày. Từ giao hàng, phát tờ rơi, làm phục vụ, bán dạo..., tôi trưởng thành hơn nhờ những ngày lang bạt hết vỉa hè này sang vỉa hè khác.

Thấy tôi lanh lẹ, nói câu nào mắc cười câu đó, mấy người bạn làm chung xúi tôi thi vào Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Nghĩ mình tả tơi, ốm nhách, ai thèm nhận nhưng nghe tụi bạn xúi, tôi thi đại cho bạn vui. Năm đó tôi cũng thi vào Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn nữa. Nghe phong thanh học du lịch tốn tiền dữ lắm nên tôi quyết định học làm diễn viên. Học là học vậy thôi chứ chẳng thấy mình có khiếu. Mà lỡ học rồi thì phải ráng trụ lớp. Oái oăm là những ngày làm thêm cứ trùng giờ học. Nghỉ làm thì lấy gì lấp cái bụng đói meo, rồi tiền đâu trả tiền thuê nhà trọ? Nghỉ học miết nên tôi bị đuổi mấy tháng sau đó. Cầm tờ quyết định trên tay, tôi lủi thủi đi, không cần biết đi về đâu. Tương lai với tôi lúc ấy là cái gì đó mơ hồ vô cùng...

Trời xui đất khiến sao, hai năm sau tôi lại nộp đơn vào Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, xin học Khoa Đạo diễn. Chưa đầy năm, cũng lý do cũ, tôi lại bị đuổi. Dường như đời tôi không có duyên học hành qua trường lớp. Tôi lăn lê hết sân khấu này tới sân khác đóng vai đúp quần chúng.

Đỉnh điểm của cái nghèo, cái khổ không phải là những tháng ngày chân đất ở quê mà là những ngày lạc lõng giữa phố, ăn mì gói thay cơm ngày ba bữa suốt cả tháng trời, riết thấy gói mì mặt mày xanh lè xanh lét; là những chiều vật vạ ngoài vỉa hè, ngồi giữa phố đông, ngó xe cuống cuồng chạy, chờ trời tối; là những khuya rón rén gõ cửa nhà trọ của bạn xin ngủ ké đứa này ít bữa, đứa kia dăm ba hôm. Có những tối, cọc cạch trên chiếc xe đạp, bước thấp bước cao, nước mắt tôi thi nhau rớt. Ý nghĩ hay là về nhà thoáng hiện lên trong đầu, “nhà nghèo thiệt nhưng ít nhất mình không đến nỗi đói”. Nhưng rồi gạt phắt đi, bản lĩnh đàn ông không cho phép tôi làm như vậy. Cha đã nuôi tôi đến chừng này, có khổ thì khổ một mình thôi, không được để cha phải lo nữa.

Giữa lúc cùng quẫn ấy, nhờ một lần đúp vai quần chúng cho bạn, tôi được anh Hữu Lộc kêu về sân khấu Nụ cười mới, cho... chạy ra chạy vô. Chạy quá chừng mà được thấy anh Hoài Linh miết nên vui lắm. Dần dà tôi được giao những vai có một, hai câu thoại. Nhờ chăm chỉ và chịu khó, tôi được anh Hữu Lộc chú ý, đêm diễn nào cũng kêu thằng Giang còi đi theo.

Thời điểm đó anh Lộc nổi tiếng cả trong nước và hải ngoại. Vậy chớ có ai như ảnh, làm giám đốc mà phải tự tay treo băng-rôn. Ảnh đi diễn không màng danh tiếng, miễn sao cho tụi trẻ như tôi được cọ xát với sân khấu. Tiền cát-sê mỗi buổi diễn chừng hai trăm ngàn, trong khi có tới 5 anh em, chia làm sao đây? Vậy mà hổng hiểu sao tụi tôi diễn hăng say vô cùng. Bước ra nghe khán giả vỗ tay rần rần, sướng rơn người.

Vai có thân phận đầu tiên của tôi là trong vở Bụi đời tuổi teen. Diễn xong, nghe anh soát vé kể lại: “Khán giả khen mày dữ lắm. Hỏi chớ cái thằng nhỏ con, diễn mắc cười đó tên gì vậy?”. Tôi mừng chân đứng muốn không vững. Cũng nhờ vở ấy, tôi được anh Hoài Linh “điểm chỉ”, anh Đàm Vĩnh Hưng tin tưởng đặt hàng kịch bản cho một tiểu phẩm trong chương trình Người miền Trung.

Đón Tết trên sân khấu

Tôi đóng nhiều vai, trẻ có, già có, nhưng khán giả đặc biệt khoái vai ông già mặc cái quần lưng cao xệ đáy. Một lần, ra Nha Trang, diễn xong cả đoàn kéo đi ăn cháo. Bà chủ quán nhìn tôi la lên: “Trường Giang, đó giờ chị thích em lắm, giờ hết thích rồi!”. Tôi nghe hết hồn, hỏi: “Sao vậy chị?”. “Em phải đóng vai già, kéo cái quần cao cao lên nữa!”, bà chủ quán bảo thế!

Thôi, ai chê đóng già, xấu cũng kệ, miễn khán giả còn thương là đủ rồi. Nổi tiếng dễ khiến mình tự thỏa mãn lắm. Tôi vô cùng sợ một ngày nào đó mình trở nên ù lỳ nên lúc nào cũng phải kiếm cái này cái kia làm. Dĩ nhiên, cũng có những cái nằm ngoài dự tính của mình. Nhưng tôi quan niệm, không bước lên sân khấu thì thôi, còn đã bước ra thì phải diễn bằng cái lửa ngày xưa mà nhờ đó khán giả yêu mến mình. Anh Chí Tài từng dạy tôi rằng: “Em đừng nghĩ tối đó có 300 khán giả xem, nếu em diễn dở chỉ có 300 người đó biết. Còn có 600 người trong gia đình, rồi bạn bè của họ nữa. Một đồn mười, mười đồn trăm”.

Sáng nay trời lại lất phất mưa. Nghe hơi Tết luồn trong gió. Thêm một cái Tết tất bật với nghề, đem tiếng cười gởi thiên hạ. Nhiều người hỏi Tết không về nhà có buồn không? Nói không thì không đúng, mà nói buồn cũng không phải. Sân khấu này, bục gỗ này, màn nhung này, anh em bạn diễn này, như một ngôi nhà lớn vậy. Chuyện vui buồn, miếng thơm thảo anh em đều chia sớt với nhau chẳng khác nào người thân trong gia đình.

Mấy lúc đi tỉnh, nhìn các bà, các mẹ gói cho cái bánh, tấm quà, tôi thầm nghĩ, giờ này chắc chị cũng đang lui cui nấu bánh sau hè. Chị sẽ lại nhắc cha: “Thằng Tí năm nay về trễ, cha nhớ để dành cho nó cặp bánh tét”. Là nhắc chừng vậy thôi chớ thằng Tí khoái món nào, cha thuộc hết...

>Sân khấu: Chuyện từ khu chung cư cũ
>Mang sân khấu tới học đường
>Lê Khánh: “Bi, hài thì cũng đều hóa thân triệt để”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trường Giang: Càng nổi tiếng càng phải cần mẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO