Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Phải có hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp

HẢI VÂN thực hiện| 15/08/2017 04:00

Đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, nhiều doanh nghiệp (DN) báo lỗ lớn. Trước tình hình này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng...

Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Phải có hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp

Đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, nhiều doanh nghiệp (DN) báo lỗ lớn. Trước tình hình này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng: "Mục tiêu của Chính phủ là tạo điều kiện để ngày càng có nhiều người bỏ vốn vào kinh doanh và ngày càng nhiều DN thành lập. Nhưng một mục tiêu khác cũng quan trọng không kém, đó là DN có khả năng sống sót cao và sức cạnh tranh lớn".  

Đọc E-paper

* Chi phí tăng cao, nguyên nhân chính khiến nhiều DN báo lỗ lớn trong quý II. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Những cản trở thị trường trong nước đều liên quan đến chi phí cao. Hiện, chi phí vốn đang rất cao. Chi phí bảo hiểm xã hội và chi phí công đoàn tăng tới 35,5%.

Tiền lương tối thiểu tăng nhanh, từ 8 đến 12%/năm. Với lý do sức ép thu ngân sách, tiền thuê đất ở một số địa phương đã tăng, có nơi tăng 4 đến 5 lần, có nơi tăng 8 đến 10 lần.

DN đang trả chi phí vận tài rất cao, không chỉ cho BOT mà còn với các hãng tàu nước ngoài, với khoảng 70% các khoản phí, phụ phí. Trong khi đó, các chi phí mới vẫn tiếp tục phát sinh, như từ tháng 1/2017, DN xuất nhập khẩu phải chịu thêm chi phí hạ tầng cảng biển ở Hải Phòng. Các khoản chi này đã trở thành gánh nặng lớn cho DN.

Định hướng của Chính phủ là hoàn toàn đúng khi để xuất "Năm giảm phí”, nhưng từ tháng 5/2017, chính sách giảm phí chưa thấy rõ, chưa thành hiện thực. Chính phủ vừa họp phiên thường kỳ có bàn đến giảm phí. Doanh nghiệp vẫn kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ thay đổi nhiều hơn.

* Nhiều cuộc gặp giữa Thủ tướng và DN được tổ chức, nhưng mới dừng ở mức lắng nghe, Chính phủ chưa có những hành động mang tính đột phá...

- Đúng vậy. Hiện nay, phía chính quyền cho rằng, đưa ra một chương trình, đưa ra một cam kết là xong việc. Do đó, nhiều địa phương đã đưa số lượng văn bản đã ban hành, các chương trình, hội thảo đã thực hiện vào bảng thành tích. Thế nhưng, cái DN cần là chi phí giảm trên thực tế, thanh tra, kiểm tra phải giảm, phải minh bạch, thủ tục hành chính phải thuận lợi.

Khoảng cách giữa chính sách và thực tế còn xa nhau. Cái DN cần tác động đến họ là hành vi đúng đắn của công chức, là những thông tin tương đối chính xác về kinh doanh, là vay được vốn... Những cái đó đều thiếu. Người đứng đầu Chính phủ đã nhận ra những điều ấy.

* Như ông nói, DN cần chính sách phải ổn định hơn?

- DN cần sự ổn định về chính sách và phải biết chính sách sẽ thay đổi theo hướng nào. Một số hiệp định thương mại đã có hiệu lực, Việt Nam phải mở rộng cửa một số ngành, nên càng phải tạo điều kiện cho DN cạnh tranh thuận lợi.

Chính sách phải làm sao để DN nhỏ có động lực trở thành DN lớn. Phải có hệ sinh thái kinh doanh mà ở đó các bên liên quan phải hỗ trợ DN.

Ví dụ, trong thị trường vốn, dịch vụ hỗ trợ phải có sẵn và thân thiện. Hiện nay, ở nhiều nước, DN nhỏ có thể tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ về đào tạo, tư vấn, chắp nối, phát triển công nghệ.

Những thiết chế hỗ trợ cho DN tư nhân Việt Nam chưa phát triển. Các hiệp hội, tổ chức đại diện cho DN còn yếu.

Với liên kết rời rạc, nguồn lực chưa được kết hợp, việc từng DN tự khai mở thị trường là rất khó. Trong khi đó, ở các nước, DN có hiệp hội mạnh, có DN dẫn đầu tổ chức xúc tiến thị trường, cung cấp thông tin, kết nối với khách hàng mới. Đã yếu mà không liên kết được là hạn chế lớn.

>Chủ tịch UBND TP.HCM: Lãnh đạo Thành phố quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và cơ cấu doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Phải có hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO