Phải thay đổi cách thức cổ phần hóa

HẢI VÂN thực hiện| 24/11/2016 06:20

Tới đây cần thay đổi cách thức cổ phần hóa, bởi nếu vẫn duy trì cách làm hiện nay thì không thể thu nhỏ khu vực DNNN.

Phải thay đổi cách thức cổ phần hóa

"Với cách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay thì chỉ huy động thêm vốn, không phải bán vốn", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định. 

Đọc E-paper

* Những lình xình quanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được dẫn chứng bằng các tên tuổi lớn, như Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã được đưa ra Quốc hội Khóa XIV trong kỳ họp thứ hai. Ông bình luận thế nào về điều này?

- Cổ phần hóa DNNN, về số lượng đã được khá nhiều, nhưng về chất lượng thì vốn huy động được quá ít. Cách cổ phần hóa hiện nay chỉ đạt được mục tiêu huy động vốn, không đạt được mục tiêu tái cơ cấu danh mục tài sản nhà nước nhằm chuyển tài sản này sang một dạng khác để đầu tư phát triển.

Hơn nữa, cách làm hiện nay đang làm cho đồng vốn khu vực nhà nước ngày càng lớn hơn, không thu hẹp được nhóm lợi ích chi phối và không đúng với bản chất của tái cơ cấu kinh tế là khu vực Nhà nước kinh doanh phải nhỏ đi. Theo tôi, tới đây cần thay đổi cách thức cổ phần hóa, bởi nếu vẫn duy trì cách làm hiện nay thì không thể thu nhỏ khu vực DNNN.

* Nhưng bằng cách nào?

- Cổ phần hóa DNNN phải được tiến hành một cách thực chất. Bây giờ phải giảm số vốn nhà nước xuống mức đủ để có thể thay đổi cơ cấu sở hữu và quản trị công ty. Đối với những DNNN còn giữ lại, Nhà nước cần áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ của kinh tế thị trường, thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong khu vực DNNN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo báo cáo của Chính phủ, kết thúc năm tài chính 2015, cả nước còn 652 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng tài sản của các DN này trên 3 triệu tỷ đồng, tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản.

Nhà nước cần đảm bảo tính trung lập về cạnh tranh và không thiên vị DNNN trong quá trình xây dựng pháp luật và thực hiện quản lý nhà nước. Trong tương lai, việc can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế thông qua DNNN phải được thay thế bằng các công cụ phù hợp với thị trường, ví dụ như dùng dự trữ quốc gia để cân đối cung cầu, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu thay vì sở hữu DNNN và duy trì mức độ tập trung kinh tế cao, ví dụ như ngành xăng dầu.

* Yêu cầu cổ phần hóa DNNN chưa thấm đến các bộ, ngành, địa phương, bởi việc dễ làm nhất là minh bạch thông tin nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn lừng khừng. Ông nói gì về điều này?

- Đầu tiên là ý thức. Có bộ trưởng, đại diện chủ sở hữu đã quên đi trách nhiệm phải cổ phần hóa DNNN trong khi đó là việc phải tập trung làm. Điều này rất quan trọng, bởi minh bạch là một trong những yêu cầu về quản trị công ty, là yếu tố then chốt để xã hội, thị trường giám sát và đánh giá cũng như làm tăng trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, kể cả bộ trưởng.

Các DNNN phải thực hiện các quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN cũng như nghị định về công bố và minh bạch hóa thông tin. Nếu DNNN không thực hiện, người đầu tiên chịu trách nhiệm là bộ trưởng, bởi đã không thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu đối với DN đó.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Nhà nước có thể áp dụng cách làm của thị trường chứng khoán, phạt tiền DN nếu không công bố và minh bạch hóa thông tin và cần tính đến việc cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm những người có liên quan.

* Chính phủ đặt mục tiêu đưa DNNN đến năm 2020 xuống còn gần 200 DN, giảm 50% so với năm 2015. Theo ông, làm gì để đạt được mục tiêu này?

- Muốn vậy phải có nhiều cách, trong đó có một cách là phải phân bố lại DNNN. Nhà nước không phải thu hẹp vai trò mà là cơ cấu lại danh mục đầu tư. Lâu nay Nhà nước đầu tư vào Sabeco, Habeco, Vinamilk, Mobifone... giờ rút bớt danh mục đầu tư đó để đầu tư mạnh hơn vào bệnh viện, trường học chẳng hạn.

Chỉ như vậy mới thực hiện đúng chức năng của Nhà nước đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và có thêm nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng sắp tới cần phải dựa vào tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, trong đó có những tài sản đã có trong nền kinh tế và khu vực DNNN hiện nay chưa được sử dụng có hiệu quả.

* Cảm ơn ông.

>Tài sản công và yêu cầu cải cách DNNN

>Thoái vốn Nhà nước: Tiền từ đầu tư không phải để chi tiêu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải thay đổi cách thức cổ phần hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO