Đầu tư, M&A

VCCI: Nhà đầu tư e ngại khi mua doanh nghiệp cổ phần hóa vì rủi ro pháp lý

Thanh An 15/11/2023 13:30

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số nhà đầu tư rất ngần ngại khi mua phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa do xuất hiện nhiều trường hợp nhà đầu tư tư nhân phải hủy giao dịch, trả lại tài sản do sai sót nội bộ từ bên bán.

Vì thế, việc cổ phần hóa ở Việt Nam hiện nay chỉ đạt được 30% kế hoạch. Quá trình này cũng bị cơ quan thanh tra kết luận có sai phạm tại một số đơn vị, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước.

Theo VCCI, có một số phản ánh từ nhà đầu tư rằng hiện nay họ rất ngần ngại khi mua phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa do rủi ro pháp lý quá lớn. Nhiều nhà đầu tư đã phải bỏ tiền mua lại phần vốn thông qua đấu giá công khai, nhưng khi phát hiện những sai sót nội bộ từ phía bên bán, họ đề nghị bên bán phải hủy giao dịch, trả lại tài sản. Những trường hợp như vậy khiến các nhà đầu tư không muốn tham gia, dù họ có khả năng quản trị doanh nghiệp được bán tốt hơn và mang lại hiệu quả kinh tế.

Xuất phát từ nguyên nhân trên, trong 10 tháng của năm 2023, thị trường đầu tư tại Việt Nam đã không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp thoái vốn, theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố.

Cụ thể, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp (trong đó 03 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 1 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP) với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

4444_co_phan_hoa_hnvm.jpg
Nhiều nhà đầu tư tư nhân đang ngần ngại mua doanh nghiệp cổ phần hóa vì rủi ro pháp lý lớn.

Trước thực tế đó, VCCI vừa có góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đồng thời, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, trong trường hợp bên mua ngay tình (không biết và không có nghĩa vụ phải biết) trước những sai sót của bên bán trong quá trình giao dịch thì quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã mua được pháp luật bảo vệ. Thêm vào đó, trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu gia độc lập thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, VCCI cũng góp ý về quy định công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước. VCCI cho rằng, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn chưa được thực hiện đồng bộ dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định công bố thông tin, nhưng cũng không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc như không công bố, công bố chậm. Điều này làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân.

Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ công bố thông tin này. Có thể cân nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt các trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn những doanh nghiệp có phần vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc đối tượng tác động của luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VCCI: Nhà đầu tư e ngại khi mua doanh nghiệp cổ phần hóa vì rủi ro pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO