Doanh nghiệp gặp khó vì gánh nặng chi phí

SONG KHUÊ/DNSGCT| 15/08/2016 06:44

Một số quy định trong Luật Lao động hiện hành chưa phù hợp với thực tế khiến không ít doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là những công ty có số lượng lao động lớn.

Doanh nghiệp gặp khó vì gánh nặng chi phí

Một số quy định trong Luật Lao động hiện hành chưa phù hợp với thực tế khiến không ít doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là những công ty có số lượng lao động lớn.

Đọc E-paper

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong các cuộc tranh luận về tiền lương và bảo hiểm an sinh xã hội, giới chức Việt Nam hầu như chưa có sự quan tâm đầy đủ về hệ quả của việc tăng lương với giới chủ doanh nghiệp. Có lẽ những người đề xuất, quyết định tăng lương cũng chưa hình dung được con số doanh nghiệp tiếp tục ngưng hoạt động lại tăng cao như vậy.

Mỗi khi định tăng lương, xin hãy nghĩ đến hệ quả của nó là bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp sẽ tiếp tục đăng ký ngừng hoạt động và bao nhiêu người sẽ tiếp tục mất thu nhập, mất việc làm…

Càng tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp càng phải cắt giảm lao động

Lương tối thiểu vùng luôn là vấn đề được các doanh nghiệp (DN) quan tâm. Năm nào Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đề xuất tăng lương tối thiểu cụ thể theo từng vùng để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình của họ.

Nhiều DN cho biết đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu từ 50 - 100%. Ông Chu Văn An – Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, DN của ông tính chi phí cho một lao động giản đơn làm đủ 26 ngày công là khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng, trong đó, các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Công đoàn phí chiếm đến 34,5% (hơn 2 triệu đồng).

Như vậy, càng tăng lương tối thiểu thì thu nhập thực tế của người lao động càng giảm do mức đóng cho BHXH, BHYT và phí Công đoàn tăng. Trong khi đó, bản thân người lao động cũng không mấy hào hứng vì mỗi đợt tăng lương tối thiểu thì giá thuê nhà, phí điện nước cũng tăng theo.

Năm 2016, Nhà nước quy định tăng lương tối thiểu lên 12,4% nhưng các DN trong ngành thủy sản phải tăng lương cho công nhân đến 13,52% vì phải trả thêm lương tay nghề và chi phí độc hại. Lương công nhân Việt Nam hiện nay cao hơn Thái Lan 20% và Ấn Độ đến 170%, trong khi năng suất lao động lại kém Malaysia và Thái Lan khoảng 6 lần. Ngày càng nhiều DN than vãn phải lo tiền trả lương hằng tháng khá nặng mà năng suất lao động không tăng.

Việc tăng lương tối thiểu trong những năm qua còn ảnh hưởng tới khả năng tích lũy của DN để đầu tư phát triển theo chiều sâu và mở rộng hoạt động để thu hút thêm lao động, nhất là lao động vùng nông thôn.

Áp lực của các loại chi phí khiến Tập đoàn Thủy sản Minh Phú liên tục cắt giảm lao động, năm 2014 có 15.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu được 730 triệu USD, đến năm 2015 chỉ còn 12.000 lao động, xuất khẩu đạt 524,4 triệu USD và năm ngoái còn 9.000 lao động, xuất khẩu chỉ còn 205,3 triệu USD.

Mặt khác, tăng lương tối thiểu liên tục mỗi năm sẽ dẫn đến tình trạng cào bằng mức lương giữa người có tay nghề cao với người lao động cơ bản, khó khuyến khích những người lao động tích cực.

Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì mức lương tối thiểu chỉ nên bằng khoảng 40 – 60% tiền lương bình quân trên thị trường. Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu theo vùng nên kéo giãn ra 2 hay 3 năm mới thực hiện một lần và trước mắt nên tìm một mức nền để đóng bảo hiểm xã hội phù hợp.

Sau năm 2020, khi kinh tế ổn định, hệ thống DN cứng cáp hơn mới tính toán tăng mức nền đóng các khoản phí an sinh xã hội để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả DN lẫn người lao động.

Nghịch lý bảo hiểm xã hội và phí công đoàn

Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 đến nay chưa có đề xuất chính thức, nhưng dù có tăng ít thì nhiều DN cũng khó đáp ứng nổi. Chủ trương của Nhà nước lo đảm bảo an sinh xã hội là đúng, nhưng giữa tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội phải hài hòa. Việt Nam là một nước có thu nhập đầu người ở mức trung bình nhưng mức đóng các khoản bảo hiểm xã hội lại cao nhất trong khu vực.

Nếu tại Việt Nam, chủ DN đóng 22% (chưa kể 2% Công đoàn phí), còn người lao động đóng 10,5% thì ở Thái Lan tương quan đó là 5% – 5%, ở Indonesia là 11% – 3%, ở Philippines là 7% – 3%, ở Lào là 5% – 4,5%. Theo ông Chu Văn An, hiện không có nước nào trên thế giới phải đóng phí công đoàn, tỷ lệ đóng BHXH cao như ở Việt Nam. Và điều này ngày càng trở thành một gánh nặng lớn cho DN.

Hằng năm, tỷ lệ người lao động trong ngành thủy sản về hưu không nhiều, chỉ khoảng 0,5%, chủ yếu là lao động gián tiếp. Vì vậy, quy định đóng các khoản phí bảo hiểm lên đến 34,5% trên tổng thu nhập của người lao động khiến cho các DN khá chật vật.

“Tuy đóng phí bảo hiểm cao nhưng hầu như chưa có một kịch bản nào về mức hưởng lương hưu về sau để người lao động yên tâm. Tôi biết có người về hưu chỉ lãnh hơn 900 ngàn đồng/tháng”, ông Chu Văn An nói.

Một trong những quy định “tồi nhất” trong các đề cử “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất” do VCCI tổ chức là DN phải đóng Công đoàn phí bằng 2% “tiền lương đóng BHXH cho người lao động” (điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP).

Theo ông Chu Văn An, đây là loại phí bất hợp lý vì Công đoàn đã được cấp kinh phí hoạt động theo Luật Ngân sách, chưa kể một số nguồn thu khác từ các hoạt động kinh doanh như nhà nghỉ Công đoàn, du lịch Công đoàn, nhà xuất bản Công đoàn, trường học Công đoàn…

Khoản tiền 2% phí Công đoàn là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được DN giữ lại thì có thể dùng để tăng lương cho người lao động hoặc đầu tư vào tư liệu sản xuất để tăng năng suất lao động.

Tính ra, những DN có trên dưới 10 ngàn người phải đóng Công đoàn phí từ 7 đến 9 tỷ đồng mỗi năm. Nếu không có khoản phí này, thu nhập của người lao động hằng tháng sẽ được tăng thêm hơn 100.000 đồng.

Hơn nữa, việc yêu cầu DN đóng Công đoàn phí sẽ làm giảm tính độc lập của tổ chức Công đoàn. Ông Lê Văn Quang – Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng trong bối cảnh DN đang phải chạy vạy từng đồng để duy trì sản xuất thì nên xem xét bỏ quy định đóng loại phí này. Việc sửa quy định có thể sẽ mất thời gian nên trong thời gian chờ chỉnh sửa thì nên cho phép DN giữ lại 2% Công đoàn phí để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Hằng năm DN sẽ có báo cáo quyết toán hoạt động thu chi này một cách công khai.

Quy định làm thêm giờ chưa phù hợp với đặc điểm ngành

Luật Lao động quy định ngày làm của công nhân không quá 12 giờ, một năm không quá 200 giờ, riêng đối với các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại thì thời gian làm việc không quá 9 giờ mỗi ngày. Một số DN cho rằng quy định này quá cứng nhắc vì trong thực tế, chẳng hạn tại các nhà máy chế biến thủy sản, người lao động làm việc bình quân 10 giờ mỗi ngày mà năng suất lao động cũng như sức khỏe vẫn đảm bảo.

Do bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu theo mùa vụ, không phải ngày nào DN cũng có nguyên liệu để công nhân làm việc liên tục trong 9, 10 giờ. Khi nguyên liệu về, DN phải huy động nhiều công nhân cùng làm việc thêm giờ để tận dụng độ tươi của nguyên liệu.

Trong khi đó, tại một số ngành sản xuất khác, nhiều DN rất hạn chế tình trạng công nhân làm thêm ngoài giờ vì lương ngoài giờ cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường.

“Theo tôi, mỗi ngày làm thêm khoảng 1,5 giờ, mỗi tuần làm thêm khoảng 40 giờ là vừa, sức khỏe người Việt Nam có thể chịu đựng được” – bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhận định. Hơn nữa, chính chủ DN cũng phải cân đối việc làm hằng ngày để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, giúp họ làm việc lâu dài.

Ngoài ra, quy định việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động mỗi năm 2 lần cũng gây lãng phí nhiều thời gian và tiền bạc của DN. Ông Chu Văn An đại diện cho các DN chế biến thủy sản đề xuất chỉ nên khám sức khỏe mỗi năm một lần và chỉ quy định một ngày làm việc không quá 12 giờ, một năm không quá 500 giờ, cho phép DN tự điều chỉnh thời gian làm thêm giờ cho phù hợp với thu nhập và sức khỏe của người lao động.

Thiết nghĩ, việc lắng nghe ý kiến của DN là cách để đưa các quy định trong Luật Lao động phù hợp với thực tế và tiệm cận với xu thế chung của khu vực, của thế giới. Đây cũng là hướng để các cơ quan quản lý có trách nhiệm đưa ra các chính sách hợp lý, phù hợp với lợi ích của quốc gia và cộng đồng DN, tránh để cá nhân, tổ chức lợi dụng để tạo ra các lợi ích nhóm.

>Chi phí công du có là gánh nặng tài chính?

>DN Việt bị hạn chế cạnh tranh do gánh nặng cước phí

>Tiền lương: Gánh nặng hay đòn bẩy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp gặp khó vì gánh nặng chi phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO