Để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp

ĐẶNG QUYẾT TIẾN - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính (HẢI VÂN ghi)| 10/05/2017 06:44

Đổi mới mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước là nội dung quan trọng, quyết định sự thay đổi căn bản về quản lý nhà nước đổi với vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 10/5/2017. Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị là tìm ra những giải pháp thấu đáo cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN).  

Đọc E-paper

Những thành tựu đạt được từ đổi mới, phát triển DNNN thời gian qua là đáng kể, song vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, thậm chí là thất bại trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thể chế cho DNNN ngày càng hoàn thiện, song bộ máy tổ chức thực hiện - nhân tố quyết định hiệu quả, thành công vẫn đang là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Vấn đề "đồng tiền bát gạo" không gắn liền với quyền lợi của những người quản lý DNNN vẫn luôn là sự trăn trở hơn 30 năm qua.

Việc tách chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN thực hiện chậm. Cho đến nay, phần lớn các DNNN về thực chất vẫn có bộ chủ quản hoặc chính quyền cấp tỉnh chủ quản. Các cơ quan này cũng đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Vì đóng cả 2 vai vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý nhà nước cho nên tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" là tất yếu.

Đang có một rào cản đối với sự phát triển của DNNN, đó là hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chậm ban hành một số văn bản pháp luật, những văn bản pháp luật đã ban hành chất lượng không cao và có những quy định chưa phù hợp với sự vận hành của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Quan trọng hơn, Nhà nước vẫn can thiệp trực tiếp, quá sâu vào hoạt động của DNNN, trong khi cải cách hành chính chậm.

Kế đến, việc thực hiện một số quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước chưa được triển khai đầy đủ, có hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu còn mang tính hình thức, có nơi, có lúc bị buông lỏng. Chế độ tiếp nhận báo cáo, xử lý thông tin của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu còn hạn chế.

Còn sự chồng chéo giữa quyền của chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chẳng hạn quyền, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật. Muốn nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước phải đối xử bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

>>Cổ phần hóa DNNN: Cần định giá gắn với thị trường hơn

Tuy nhiên, việc các cơ quan quản lý nhà nước được giao vừa thực hiện chức năng hoạch định chính sách và điều tiết thị trường, vừa thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát, có thể làm vô hiệu hóa việc giám sát của Nhà nước đối với các DNNN độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường, không phù hợp các cam kết với WTO.

Thêm nữa, việc phân tán quyền chủ sở hữu nhà nước dẫn tới tình trạng không rõ về trách nhiệm giải trình trong thực hiện quyền chủ sở hữu. Cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát của các bộ và chính quyền cấp tỉnh đối với DNNN còn nhiều hạn chế. Những sai phạm nghiêm trọng của một số DNNN để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội đã không phát hiện được hoặc chậm phát hiện (đã có tới 12 nhà máy lớn với tổng đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng thua lỗ trầm trọng là một ví dụ).

Thực tế cũng chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý cán bộ quản lý DNNN từ cơ quan đại diện chủ sở hữu, nên trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước và hiệu quả hoạt động của DNNN trực thuộc vẫn chưa rõ.

Việc phân cấp cho cán bộ làm đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp có nhiều điểm chưa hợp lý, như vừa xây dựng thể chế và thực hiện quản lý nhà nước, vừa phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản nhà nước, quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc đề ra chính sách ưu đãi, phê duyệt, thẩm định các dự án đầu tư có lợi cho doanh nghiệp thuộc bộ quản lý.

Trong tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam, đổi mới mô hình quản lý vốn nhà nước tại DNNN là nội dung quan trọng, quyết định sự thay đổi căn bản về quản lý nhà nước đổi với vốn nhà nước tại doanh nghiệp, là cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thúc đẩy có kết quả tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN.

Để sử dụng hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước đang nằm tại các DNNN, có thể áp dụng mô hình mà Singapore đã thực hiện thành công, đó là tổ chức đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo hình thức công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Tập đoàn Temasek của Singapore tổ chức kinh doanh vốn đầu tư nhà nước hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, được các tổ chức Standard&Poors và Moody đánh giá đạt mức tín nhiệm AA và Aaa.

Tổng danh mục đầu tư của Temasek tính đến 31/3/2016 là 242 tỷ đô la Singapore, tăng gần 2 lần so với năm 2006. Temasek hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, các quyết định đầu tư dựa trên tính hiệu quả về kinh tế và thương mại, còn việc cấp vốn được thực hiện thông qua Bộ Tài chính Singapore trên cơ sở dự toán đầu tư vốn đã được Quốc hội phê chuẩn.

>>Những “khoảng trống” trong năng lực quản lý nhà nước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO