Câu hỏi cho Hiệp hội Lương thực VN

20/05/2009 04:06

Nếu điểm lại, khoảng hơn 10 năm qua, nước ta đã lỡ nhịp xuất khẩu gạo khi giá cao đã xảy ra ba lần.

Nếu điểm lại, khoảng hơn 10 năm qua, nước ta đã lỡ nhịp xuất khẩu gạo khi giá cao đã xảy ra ba lần.

Lần thứ nhất vào năm 1998 do hiện tượng El nino, nhiều nước như Philippines, Indonesia và Trung Quốc... mất mùa các loại cây lương thực, nhưng VN lại ngưng xuất khẩu gạo, khi cho xuất khẩu trở lại thì giá gạo thị trường thế giới đã xuống.

Lần thứ hai xảy ra vào năm 2008, khi giá gạo trên thị trường thế giới trên 1.000USD/tấn, lấy lý do “bảo đảm an ninh lương thực”, Hiệp hội Lương thực VN tham mưu cho Bộ Công Thương “cất gạo vào kho”.Bị nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ứng, sau khi kiểm tra thực tế, số gạo dự trữ còn khá nhiều trong khi vụ lúa hè - thu chuẩn bị thu hoạch, bộ này cho xuất khẩu gạo trở lại thì giá đã tụt mất phân nửa, làm người trồng lúa và nhà nước thiệt hại nửa tỷ USD.

Lần thứ ba xảy ra vào tháng 2/2009, nước ta cũng tạm ngưng xuất khẩu gạo với lý do đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,6 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm nên để “cho dân đủ gạo ăn”, tạm dừng việc ký các hợp đồng mới. Sang tháng 5, lại tiếp tục cho xuất khẩu gạo khi mà giá gạo trên thị trường thế giới đã giảm từ 20-40USD/tấn so với tháng 2. Lý do giảm giá là do Ấn Độ và Thái Lan đã đẩy lượng gạo tồn kho 4,8 triệu tấn ra thị trường để mua lúa mới cho kịp thời vụ.

Nguyên nhân chính của ba lần ra lệnh cấm xuất khẩu gạo là do cách điều hành máy móc, thiếu nhạy bén thị trường, đã gây thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp và nông dân.

Thật oái ăm, đúng thời điểm các nước tháo kho, giá gạo tụt xuống, khách hàng o ép giá thì Bộ Công Thương mới cho xuất khẩu gạo trở lại hoặc cho tăng lượng gạo xuất khẩu. Sở dĩ lượng gạo còn tồn kho khá cao là do khi được giá, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua hết lúa trong dân nhưng lại không được xuất khẩu, còn với giá thấp như hiện nay thì chắc chắn doanh nghiệp hạn chế thu mua lúa. Do vậy, giá lúa, gạo đã tụt trung bình từ 500-600đ/kg.

Việc điều hành thị trường lúa gạo là do Bộ Công Thương chứ không phải Hiệp hội Lương thực VN. Việc ngừng hay ký hợp đồng xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào dự báo sản lượng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dĩ nhiên Hiệp hội Lương thực VN là nơi đề xuất chính sách, để từ đó có chủ trương ngưng hay xuất khẩu gạo.

Giới doanh nghiệp cung ứng, chế biến và xuất khẩu gạo đã đặt câu hỏi nghi vấn về tính khách quan của người điều hành ký kết xuất khẩu gạo. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho thanh tra toàn diện Hiệp hội Lương thực VN để làm rõ cho dư luận biết, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu hỏi cho Hiệp hội Lương thực VN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO