Đấu giá, đấu thầu công khai sẽ mang về cho ngân sách nguồn thu đáng kể |
Trong các cuộc họp giao ban định kỳ về kinh tế - xã hội của TP.HCM, phía Sở Tài chính thường nhấn mạnh những đóng góp tích cực mà nguồn thu từ đất đai, bất động sản mang lại trong tổng nguồn thu ngân sách, nhất là các khu đất công khi tiến hành đấu thầu, đấu giá rộng rãi.
Từ vụ chuyển nhượng hơn 30 ha đất...
Việc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng 32,4 ha đất (tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) mới đây đã tạo nên nhiều luồng ý kiến, trong đó có đề cập đến việc "bán rẻ" đất công cho nhà đầu tư, gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Phía QCGL đã ra thông cáo phản hồi liên quan đến vụ chuyển nhượng này. Doanh nghiệp này nhấn mạnh, các thửa đất mà Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL là đất nông nghiệp. Công ty Tân Thuận đã dùng nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh (kinh doanh bất động sản) để thương lượng, đền bù trực tiếp với người dân.
QCGL cũng đã và đang tiếp tục đền bù các thửa đất trong khu đất này, vì hiện Tân Thuận chỉ mới chuyển nhượng cho QCGL 32,4 ha/50 ha đất. QCGL khẳng định quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 32,4 ha (đất da beo) mà Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL 100% không phải đất công (tức không phải do Nhà nước giao đất cho công ty Tân Thuận quản lý), nên không phải thông qua đấu giá.
Để làm rõ vụ việc này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 30 ha đất Phước Kiển cho QCGL. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong chuyển nhượng đất.
Ủy ban này cũng đồng thời làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm trách nhiệm của cá nhân và tập thể có liên quan. Vụ việc phải báo cáo Ban thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5. Trước đó, Thường vụ Thành ủy cũng đã bày tỏ quan điểm không đồng ý bán chỉ định.
... Đến khơi thông nguồn lực từ đất công
Với một đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, quỹ đất để phát triển dự án nhà ở ngày một thu hẹp thì đất công, vốn có quy mô và vị trí thuận lợi luôn là "điểm ngắm" của các nhà phát triển bất động sản. Dĩ nhiên, ở góc độ người đi "săn đất", mục tiêu của họ là tìm được đất đẹp và mức giá càng thấp càng tốt, nên trong vấn đề mua bán đất công, việc có khơi thông được tối đa nguồn lực này hay không tùy thuộc phần lớn bên bán.
Mới đây, nêu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng ngày 20/4/2018, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có đề cập đến việc khai thác những giá trị từ đất đai và tạo những cơ chế, chính sách cho thị trường phát triển bền vững, minh bạch.
Theo đó, phía HoREA đề xuất thực hiện hiệu quả cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là khi thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thực tế cho thấy, việc đấu giá tài sản, đất đai một cách độc lập, công khai đã mang về nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Trường hợp đấu giá "khu đất vàng" 23 Lê Duẩn (quận 1) là một ví dụ điển hình. Đã có 13 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đấu giá "đất vàng" từ năm 2015, với giá khởi điểm 558 tỷ đồng mà Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM niêm yết.
Kết quả trúng đấu giá khi đó là 1.430 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm. Đến nay, công ty Tân Hoàng Minh - đơn vị trúng đấu giá khu đất từng là trụ sở của Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết TP.HCM, đã nộp hơn 1.693 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó có 1.430 tỷ đồng tiền trúng đấu giá và phần chậm nộp hơn 264 tỷ đồng.
Hồi quý IV năm ngoái, tại "Hội thảo trao đổi về công tác quản lý dự án BT, thực trạng và giải pháp", ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cho biết, từ năm 2011 đến tháng 3/2017, trung tâm đã tổ chức 215 cuộc bán đấu giá, với giá khởi điểm của tài sản là hơn 3.200 tỷ đồng, giá trị thu về là trên 4.400 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với giá khởi điểm.
Đáng chú ý trong số này có việc bán đấu giá hơn 200 nền đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giá trị thu về cho ngân sách nhà nước cao hơn 90 lần so với giá khởi điểm. Hay khu đất ở quận 3, do Công an TP.HCM quản lý, giá khởi điểm là 27 tỷ đồng nhưng giá trị thu về là hơn 40 tỷ. Điều này cho thấy, các tài sản công, nhất là đất đai sẽ mang về hiệu quả kinh tế không nhỏ nếu được bán, chuyển nhượng thông qua đấu thầu, đấu giá công khai, phổ biến rộng rãi cho nhà đầu tư tham gia.
Ngoài ra, liên quan đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất (thuộc quản lý nhà nước) trên địa bàn TP.HCM, phía HoREA cũng bày tỏ quan điểm, "đất vàng, đất kim cương" mà không đưa vào xây dựng, khai thác sử dụng thì cũng vô giá trị, vì không tạo được GDP, không tạo được hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ và công ăn việc làm, chẳng hạn như mặt bằng số 127 Nguyễn Huệ (quận 1) bị quây tôn, bỏ không gần 10 năm nay. Trước đó, tổ chức này cũng có kiến nghị xem xét việc tổ chức đầu thầu rộng rãi thay vì chỉ định nhà đầu tư cho các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) tại TP.HCM.