So với Mỹ và châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác được đánh giá là có những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả hơn. |
Điều này được thể hiện rõ nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc. Từ một thành phố được coi là "thất bại" trong nỗ lực kiểm soát sự lan rộng của dịch bệnh, giờ đây, Vũ Hán lại được coi là biểu tượng của sự phục hồi, hoàn toàn trái ngược với tình hình bất ổn đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
"Như phượng hoàng, Vũ Hán trỗi dậy từ trong bóng tối của dịch bệnh khi mùa xuân tới", đó chính là tiêu đề của một bài báo đăng trên tờ Global Times. Nhiều tờ báo khác cũng cho đăng những bài viết khác về chủ đề "cuộc sống đang dần trở lại so với bình thường" tại thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, trong đó có những nội dung thú vị như sự bùng nổ số lượng các đám cưới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trong thời gian qua, vẫn còn đó những lo ngại được cảm nhận xuyên suốt các quốc gia châu Á rằng những dấu hiệu phục hồi này sẽ nhanh chóng qua đi và một làn sóng dịch bệnh, rồi phong tỏa, chết chóc và tang thương sẽ lại tràn về.
Những nỗ lực không ngừng
Phát biểu trong cuộc họp bao gồm các lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục tiếp tục "những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc hạn chế các ca lây nhiễm từ nước ngoài, bên cạnh đó là ngăn chặn sự tái bùng phát của dịch bệnh ở trong nước".
Tuy dịch bệnh có dấu hiệu được đẩy lùi, nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vẫn được tiếp tục áp dụng tại nhiều địa phương, trong đó phải kể đến thủ đô Bắc Kinh, nơi các hoạt động vận chuyển, đi lại vẫn đang bị hạn chế đến mức tối đa. Người nước ngoài cũng bị hạn chế di chuyển đến thành phố này do chính quyền lo ngại nguy cơ về những ca bệnh ngoại nhập.
Tại thành phố Tuy Phân Hà, nằm sát biên giới Trung Quốc và Nga, một bệnh viện dã chiến mới được xây dựng và người dân vẫn đươc yêu cầu ở trong nhà sau khi số ca bệnh tại đây tăng đột biến và phần lớn đến từ quốc gia láng giềng. Trong ngày 9/4, có đến 123 ca bệnh được xác định đến từ nước ngoài, và 137 ca nghi nhiễm đươc ghi nhận tại Tuy Phân Hà, theo thông tin trên tờ People’s Daily.
Lệnh phong tỏa Vũ Hán được dỡ bỏ từ 0h ngày 8/4. Ảnh: Xinhua. |
Tỉnh Hồ Bắc sẽ tiếp tục duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với các biện pháp phòng dịch, và các quan chức tỉnh này cho biết tuy tỉnh không có ca nhiễm mới nhưng điều đó không đồng nghĩ là rủi ro về dịch bệnh đã hết. Các ga tàu hỏa và các công ty vận hành loại hình phương tiện này thực hiện hàng loạt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh trên quy mô toàn quốc, bởi có hàng nghìn người dân Vũ Hán được dự đoán rời thành phố trong tuần này, sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.
Nhiều người dân đã bị "mắc kẹt" trong thành phố này sau khi quay trở lại đây để thăm người thân trong suốt kỳ nghỉ tết Âm lịch. Giờ đây, họ sẽ quay trở về nhà tại nhiều địa phương khác trên khắp Trung Quốc. Nhiều thành phố, trong đó có Quảng Châu và Thâm Quyến, cho biết rằng họ sẽ áp dụng các biện pháp tự cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với những ai đến các địa phương này từ thành phố Vũ Hán, nhằm đảm bảo rằng họ sẽ không là trung gian phát tán virus.
Tại Vũ Hán, những người dân đã được lấy mẫu xét nghiệm sẽ được cấp một mã QR định danh trên một phần mềm của chính phủ. Chỉ những ai có mã màu xanh, đồng nghĩa với việc họ không có bất kỳ một triệu chứng nhiễm bệnh nào cũng như họ đã được lấy mẫu xét nghiệm và âm tính với Covid-19, mới được phép rời khỏi nhà. Những ai chưa được cấp mã trên vẫn sẽ phải nghiêm túc chấp hành những quy định nghiêm ngặt từ chính quyền.
Người dân vẫn sẽ được kiểm tra thân nhiệt thường xuyên khi đến các công sở làm việc, các cơ sở kinh doanh vì những người có trông vẻ "khỏe mạnh" vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh.
"Bạn có biết rằng vẫn còn những người nhiễm bệnh nhưng không có những triệu chứng rõ rệt? Những biện pháp như vậy có thể giúp phát hiện ra những trường hợp như vậy không? Covid-19 rất nguy hiểm và chúng ta luôn phải đề phòng ở mức độ cao nhất", theo một người dân Vũ Hán.
Không có thời gian nghỉ ngơi
So với Mỹ và châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác được đánh giá là có những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả hơn. Giờ đây, điều mọi người đang ngóng chờ đó là liệu khu vực này, vốn là khu vực từng được coi là tâm điểm của dịch bệnh trong thời gian trước, sẽ thành công đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi nhanh chóng hay không? Hay là việc gỡ bỏ một phần các hạn chế sẽ là nguồn cơn cho một làn sóng dịch bệnh mới ập tới.
Nhà chức trách Vũ Hán vẫn kêu gọi người dân ở nhà nhiều nhất có thể. Ảnh: Shutterstock. |
Trong một nghiên cứu thực hiện bởi Lancent trong tuần này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo về điều đó. Các nhà nghiên cứu không phủ nhận các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại đã mang lại những kết quả hết sức tích cực trong việc "giảm thiểu số lượng các ca nhiễm mới" nhưng họ cũng cho rằng nếu như vắc xin cho dịch bệnh này chưa được điều chế thành công thì virus này "hoàn toàn có thể quay trở lại khi các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, trường học cho phép người lao động và học sinh quay trở lại làm việc và học tập, qua đó tăng mức độ tiếp xúc xã hội, trong bối cảnh rủi ro đến từ các ca nhiễm đến từ nước ngoài là rất lớn".
"Ngay cả những siêu đô thị giàu có như Bắc Kinh và Thượng Hải, nguồn lực y tế cũng là hữu hạn và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao một cách đột ngột", giáo sư Gabriel Leung, Đại học Hồng Kông, chia sẻ trong buổi công bố kết quả nghiên cứu của Lancent.
"Nghiên cứu của chúng tôi đề cao tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng hệ thống y tế các địa phương phải có đủ nhân lực và vật lực để giảm thiểu đến mức tối đa các ca tử vong do dịch bệnh".
Luôn luôn cảnh giác
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang rất đề phòng khi không tiến hành gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch quá sớm. Singapore gần đây đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày, với 287 ca, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó chỉ có 3 ca bệnh mới được du nhập từ nước ngoài, đồng nghĩa với việc đa số các ca nhiễm mới là hệ quả của quá trình lây nhiễm trong xã hội.
Hồi đầu tuần này, chính phủ Singapore đã chính thức nghiêm cấm tất cả mọi hoạt động tụ tập đông người cho đến ngày 4/5. Một dự luật mới cũng được ban hành, qua đó, những cá nhân không tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp dãn cách xã hội và cách ly sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc.
Hồng Kông cũng chứng kiến số ca mắc bệnh mới tăng vọt sau khi thành phố này nới lỏng một số các biện pháp phòng dịch, với đa số các ca nhiễm mới đến từ nước ngoài. Các quan chức đã ngay lập tức gia tăng lại các biện pháp kiểm soát, và yêu cầu người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội và phòng chống bệnh tật. Những biện pháp trên phần nào phát huy tác dụng, và các quan chức y tế địa phương cho biết tinh thần cảnh giác luôn phải được duy trì ở mức cao.
"Dường như chúng tôi có chút tự mãn", Bernard Chan - một quan chức cấp cao, chia sẻ về việc số lượng các ca nhiễm mới tăng cao. "Đây chính là thời điểm mọi người phải làm tất cả những gì có thể để đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng và hãy nhớ rằng 'một làn sóng dịch bệnh thứ 3' có thể ập tới bất cứ lúc nào".
Hàn Quốc, quốc gia đã rất thành công trong việc kiểm soát đà lan rộng của dịch bệnh, tỏ ra khá thận trọng. Thứ trưởng Y tế Kim Gang-lip cho biết mặc dù số lượng các ca nhiễm mới trong một thời gian dài qua đã giảm mạnh, nhưng những biện pháp hạn chế tụ tập đông người sẽ vẫn được duy trì trong suốt kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, và quốc gia này "sẽ tiếp tục những nỗ lực của mình nhằm chặn đứng các nguồn lây bệnh".
Trung Quốc phải hứng chịu những tác động tiêu cực về cả y tế và kinh tế trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với các quốc gia khác do quốc gia này cho dừng gần như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên quy mô khắp cả nước. Những khao khát về việc nhanh chóng trở lại tình hình ổn định trước kia là điều không hề khó hiểu đối với chính quyền và người dân quốc gia này. Người dân Trung Quốc cũng như toàn thế giới giờ đây sẽ cùng nhau chờ đợi xem liệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thực sự vượt qua được cuộc khủng hoảng dịch bệnh này hay không?
(Theo Người Đồng Hành)