Triển vọng kinh tế Việt Nam đến 2025

TS. Cấn Văn Lực| 15/02/2021 06:00

Dù không tránh khỏi thảm họa của đại dịch Covid-19 nhưng năm 2020 vẫn được đánh giá là năm mà nền kinh tế Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế trên thế giới đạt tăng trưởng dương cùng với việc thực hiện thành công mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội". Đó là cơ sở để tin rằng năm 2021 và giai đoạn 2021-2015, kinh tế nước ta sẽ phát triển mạnh.

Trien-vong-kinh-te-Viet-Nam-gi-3869-7523

Những thành quả giai đoạn 2016-2020

Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đạt được những thành quả đáng chú ý: (1) Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao (ước đạt 6,01%/năm), lạm phát được kiểm soát ở mức 2,31%/năm. (2) Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực và đúng xu hướng phát triển, rõ nét nhất là từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI. (3) Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể với sự đóng góp ngày càng tăng của năng suất lao động (trung bình khoảng 5,8%/năm). (4) Thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh. (5) Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,8%/năm, cao nhất khu vực ASEAN và liên tục xuất siêu từ năm 2016 đến nay. (6) Khả năng chống chịu của nền kinh tế được nâng cao, tỷ giá tương đối ổn định (bình quân dao động 2% so với USD), dự trữ ngoại hối đến cuối năm 2020 ước tính đạt gần 100 tỷ USD. (7) Môi trường đầu tư - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện rõ nét, giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2020 tăng 29% (nhanh nhất thế giới), đạt mức 319 tỷ USD. (8) Vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. 

Dự báo tăng trưởng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025

Theo nghiên cứu và đánh giá của chúng tôi, trong giai đoạn 2021-2025, thế giới sẽ có 8 xu hướng chủ đạo: Thứ nhất, gia tăng cạnh tranh chiến lược và gia tăng vai trò của Chính phủ trong giải quyết các vấn đề lớn, kể cả khủng hoảng dịch bệnh, rủi ro bong bóng tài chính, biến đổi khí hậu. Thứ hai, thay đổi trong toàn cầu hóa với hình thái liên kết kinh tế theo khu vực, theo nhóm có thể trở nên phổ biến hơn, cùng với xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, từ đó làm chậm lại, chuyển hướng dòng chảy thương mại và đầu tư. Thứ ba, tái định hình chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư nhằm đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế rủi ro phụ thuộc vào một hay một vài thị trường lớn. Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển rất nhanh làm chuyển đổi số nền kinh tế, hình thành nhiều mô hình và phương thức kinh doanh mới, thúc đẩy năng suất lao động toàn cầu và có thể gia tăng phân cực hơn nữa giữa các quốc gia phát triển (làm chủ được công nghệ) và các quốc gia đang và kém phát triển (phụ thuộc công nghệ). Thứ năm, thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, làm tăng rủi ro tài chính và bong bóng tài sản do thanh khoản quá dồi dào. Thứ sáu, thay đổi hành vi đầu tư, tiêu dùng, lối sống của người dân với việc quan tâm nhiều hơn đến yếu tố sức khỏe, môi trường, tiết kiệm, an toàn và dự phòng; phát triển kinh tế xanh, năng lượng sạch. Thứ bảy, già hóa dân số, gia tăng tầng lớp trung lưu và bất bình đẳng xã hội tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, lực lượng lao động, tiết kiệm cá nhân và năng suất toàn cầu. Thứ tám, tiếp tục gia tăng ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cạnh tranh về năng lượng và tài nguyên, có thể dẫn đến bất ổn, căng thẳng địa - chính trị.

tang-truong-kinh-te-2986-1612236537.jpg

Đối với Việt Nam, bối cảnh phát triển kinh tế dự kiến đan xen cả những điều kiện thuận lợi và bất lợi, từ đó dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát mà Đảng và Nhà nước đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD, chỉ số CPI bình quân tăng khoảng dưới 4%, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm. 

Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm dự báo ở mức 6,5-7%, với hai giai đoạn: 2021-2022 phục hồi 6,5-7% và 2023-2025 tăng tốc 6,8-7,5%. Dự báo trên dựa trên cơ sở nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo chiều sâu, năng suất lao động tăng bởi ứng dụng khoa học công nghệ, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. GDP bình quân đầu người năm 2025 ước đạt khoảng 4.500 USD, gấp 1,6 lần so với mức của năm 2019.

Tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2025 chiếm khoảng 80% với ba nhóm ngành chính là công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, du lịch trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục mở rộng. Các lĩnh vực, ngành có tiềm năng phát triển là ô tô, xe máy, đồ điện gia dụng, chế biến thực phẩm, du lịch, công nghệ số.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào thương mại thế giới cùng các hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở mức thấp hơn so với giai đoạn 2016-2020, ở mức 7-8%/năm trong bối cảnh toàn cầu hóa có thể chững lại do cạnh tranh chiến lược và bảo hộ thương mại gia tăng. 

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, môi trường kinh doanh được cải thiện, năng lực quản lý doanh nghiệp được nâng lên, ước tính, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm từ 33-35% GDP năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển vọng kinh tế Việt Nam đến 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO