Góc chuyên gia

Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược

YN 25/07/2023 19:51

Với chủ đề “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu Tư tổ chức, các bên liên quan dã cùng trao đổi, tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành, cũng như kết nối cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đến tham dự.

img_1689818029749_1689818252871.jpg

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu Tư Lê Trọng Minh khẳng định: "Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định rõ nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Từ cách tiếp cận của Nghị quyết 29 và với những xu hướng đầu tư, công nghệ trên toàn cầu hiện nay, ngành y tế nói chung và sản xuất dược phẩm nói riêng đang được đặt trước những cơ hội mới để huy động và khai thác những nguồn lực lớn trong và ngoài nước để kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, chuyển dịch nhanh sang nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam, hiện đại hóa và phát triển bền vững, hoàn thành tốt sứ mệnh đặc biệt của ngành y là chăm lo cho sức khỏe của nhân dân.

Thu hút đầu tư vào ngành y dược không chỉ mang ý nghĩa về nguồn vốn để nâng cao năng lực, phát triển ngành y mà còn có tác dụng tăng cường sự liên kết, lan tỏa như tinh thần Nghị quyết 29 mà các chuyên gia tại hội thảo này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Song thu hút đầu tư vào ngành này đang trở thành một cuộc đua nước rút trên cả quy mô khu vực và toàn cầu mà quốc gia nào cũng muốn giành được phần hơn. Chỉ nhìn vào con số hàng nghìn tỷ USD mà các công ty dược phẩm sinh học sẽ đầu tư cho riêng lĩnh vực nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn 2020-2030 cũng có thể lý giải phần nào về cuộc đua này.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phát triển của ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao sẽ có giá trị lan tỏa rộng khắp sang các ngành nghề khác và mang lại các lợi ích kinh tế và xã hội thông qua việc tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ... Do đó, cần những cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm để thu hút tốt nguồn lực, công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

img_1689822433610_1689822593827.jpg

Trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành y tế. Việc ban hành chương trình hành động với những nội dung được cụ thể hóa sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và dược phẩm.

Ông Luke Treloar - Thành viên điều hành, Trưởng Khối tư vấn chiến lược, Trưởng Khối tư vấn ngành y tế và khoa học đời sống, KPMG Việt Nam

Việt Nam cùng với các quốc gia lân cận có tính cạnh tranh cao và rất có động lực để trở thành một trung tâm khoa học đời sống. Đối với Đông Nam Á, chúng tôi đã xác định được ba lĩnh vực chính mà Việt Nam nên tập trung nghiên cứu để khai thác. Thứ nhất, nội địa hóa sản xuất khoa học đời sống, thứ hai là chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thứ ba là tăng cường các hoạt động R&D tại Việt Nam và nên bắt đầu từ các thử nghiệm lâm sàng.

Việt Nam có rất nhiều cơ hội để nội địa hóa các thử nghiệm lâm sàng, bắt đầu từ giai đoạn 3, sau đó chuyển lên chuỗi giá trị sang giai đoạn 2 và giai đoạn 1, thậm chí là hóa học lâm sàng cho những gì Việt Nam có thể làm, tập trung vào đổi mới, tập trung vào sở hữu trí tuệ và chú trọng thu hút các doanh nghiệp dược phẩm toàn cầu đến Việt Nam. Như đã chỉ ra trong hội nghị hôm nay, ngành dược phẩm toàn cầu đã chi 1.000 tỷ USD cho hoạt động R&D trên toàn cầu và hiện tại chỉ một phần nhỏ trong số đó đang được tiến hành ở Việt Nam.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Chúng ta hay nhắc chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi tài chính. Tuy nhiên, theo tôi, nhà đầu tư cần mấy thứ sau. Đầu tư dược chi phí rất lớn, vậy tài chính không phải vấn đề nhưng họ cần sự an toàn, có thể tiên liệu trước, ổn định, yên tâm đầu tư, tránh thay đổi. Khi tham vấn chính sách nên lưu ý khía cạnh này, cung cấp chính sách nhà đầu tư muốn chứ không phải chỉ chúng ta muốn.

Cạnh tranh quốc tế rất lớn, nên chính sách của Việt Nam cần cạnh tranh và lợi thế hơn, liều lượng và cách nghĩ phải thật sự khác mới thúc đẩy phát triển.

Cơ chế phối hợp giữa các bên, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài rất quan trọng, cần được trao cả cho những doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy hợp tác các bên. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng cần thúc đẩy sự tham gia gắn kết của các doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Chúng ta tham gia vào ngành dược phẩm có rất nhiều bất lợi. Ngành dược phẩm có tính đặc trưng rất lớn là nó có tính độc quyền tự nhiên vì chi phí đầu tư rất lớn và hàm lượng tri thức rất cao. Do đó rất khó để gia nhập và phát triển trong ngành dược phẩm ở nước đang phát triển. Ngay tại nước đã phát triển cũng rất khó để tạo ra sản phẩm dược phẩm mang tính toàn cầu.

Ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (MPI)

Trong lĩnh vực dược phẩm, sự thay đổi của ngành sản xuất chậm hơn so với các ngành khác. Trước đây, 100% lĩnh vực này do Nhà nước sở hữu chi phối, sau đó qua quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân tham gia vào… Tuy nhiên, doanh nghiệp cổ phần hóa có con người cũ, quy trình cũ nên không thể chuyển hóa nhanh.

Với doanh nghiệp tư nhân thì niềm tin, uy tín rất quan trọng, doanh nghiệp mới gia nhập gặp rào cản về tiềm lực vốn, khả năng tự nghiên cứu… Chưa kể, những khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… rất nhiều yếu tố gây hạn chế cho sự phát triển của dược phẩm Việt Nam.

Một mối lo ngại nữa là năng lực, khả năng tiếp nhận công nghệ và phát huy, triển khai được việc R&D. Hệ thống máy móc công nghệ cũng đòi hỏi đầu tư, nhưng nhất là thiếu lực lượng lao động có thể vận hành.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng phát triển ngành dược phẩm cần phải đầu tư lớn và, không thể nào một ngày mà chúng ta có thể vươn lên trở thành Thánh Gióng được. Nhưng thực tế hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có sự phát triển rõ nét với tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đã lên đến khoảng 46%.

Tuy nhiên, để quay trở lại vấn đề đặc trưng của ngành dược, nó đòi hỏi đầu tư về R&D rất cao, đòi hỏi một hàm lượng về tri thức rất lớn và đòi hỏi đầu tư về mặt công nghệ rất cao. Do đó, nếu chúng ta muốn chiến lược phát triển ngành dược mạnh thì nhất định phải có sự hỗ trợ của các cộng đồng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO