Đánh giá lại hiệu quả của các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong buổi hội thảo với chủ đề Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh hàng Việt và kết nối cung cầu, được tổ chức mới đây trong khuôn khổ Hội chợ – Triển lãm tôn vinh hàng Việt năm 2015 tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình (TP.HCM).
Từ chính sách…
Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng 97% trong tổng số trên 800.000 doanh nghiệp trên cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), riêng TP. Hồ Chí Minh có gần 152.000 doanh nghiệp.
Theo báo cáo của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố thì trong năm qua đã có nhiều chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của DNNVV tại TP. Hồ Chí Minh được triển khai một cách tích cực.
Một trong những chương trình trọng điểm là DNNVV được hỗ trợ tìm kiếm các nguồn vốn vay lãi suất thấp, tăng khả năng vay tín chấp.
Toàn thành phố hiện có chín đầu mối tổ chức kết nối DN với ngân hàng như: Phòng kinh tế các quận, huyện, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, Ngân hàng Nhà nước… và đã thực hiện gói hỗ trợ lên đến 40.057 tỉ đồng trong năm 2014 (mức dự kiến là 20.000 tỉ đồng).
Gói hỗ trợ tài chính cho DNNVV dự kiến đạt 60.000 tỉ đồng trong năm nay.
>>Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ "vượt lên chính mình"
Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, đơn vị trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ký 121 hợp đồng bảo lãnh DN với tổng giá trị 871,27 tỉ đồng, số dư bảo lãnh tính đến nay là 241,82 tỉ đồng (bằng 1,04 lần vốn điều lệ), tạo điều kiện cho DN tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng với tổng hạn mức là 1.457,54 tỉ đồng, trong đó có 59 hợp đồng ký mới và 62 hợp đồng ký tiếp với khách hàng cũ.
Từ năm 2011 đến hết năm 2014, chương trình kích cầu đã đề xuất cho 114 dự án với tổng đầu tư là 9.525,5 tỉ đồng, vốn được hỗ trợ lãi vay là 4.561,6 tỉ đồng.
Chương trình này sử dụng ngân sách nhà nước để trả bù lãi vay cho DN có dự án đầu tư một số lĩnh vực cần khuyến khích phát triển, chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, ứng dụng công nghệ mới, công nghiệp phụ trợ, xử lý môi trường, xây dựng nhà ở cho công nhân…
Bên cạnh đó, thành phố còn có nhiều chương trình khác như: (1) Đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan chuyên môn với DN nhằm giải đáp thắc mắc, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cùng tháo gỡ những vướng mắc, hoàn thiện quy định về pháp luật, (2) Chương trình hỗ trợ lãi vay cho các hoạt động nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị. Theo đó, các hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, ngành nghề nông thôn… sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/đơn vị để trang bị văn phòng, thiết bị ban đầu khi thành lập, (3) Chương trình bình ổn thị trường, (4) Hỗ trợ pháp lý, (5) Hỗ trợ đào tạo nhân lực, (6) Hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư…
>>Giãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
…Đến thực tế
Hơn 80% các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có kết quả để đánh giá hiệu quả, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các DN.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Đầu tư, TP. Hồ Chí Minh được xem là một trong những tỉnh thành có các chương trình hoạt động tích cực nhất trên cả nước nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong đợi.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương thành phố thì trong những năm qua, không nhiều DN được hỗ trợ bởi những chương trình nói trên.
Nguyên nhân là do hoạt động trợ giúp DNNVV chưa có trọng tâm, trình tự, thủ tục để thụ hưởng các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các DN trong việc tiếp cận…
Thực tế cho thấy từ chính sách đến thực tế là một chặng đường gian nan với các thủ tục rườm ra, thiếu nhất quán, các cơ quan thụ lý hồ sơ chưa có sự kết nối, đồng bộ, khiến DN nản lòng vì phải chạy lòng vòng tốn nhiều thời gian và chi phí.
>>Vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Các chính sách hỗ trợ chưa chú ý tới đặc tính về quy mô nhỏ và cực nhỏ của phần lớn các DN, nhiều chương trình còn thiếu cơ chế điều phối, giám sát, đánh giá thực hiện, nhất là các chương trình hỗ trợ vốn từ ngân hàng.
Các thông tin đánh giá về một DN còn rời rạc khiến các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong việc thẩm định, từ đó làm mất đi cơ hội tiếp cận vốn hỗ trợ cho DN.
Các chương trình xúc tiến thương mại cũng cần được đánh giá lại về hiệu quả. Ngay cả chương trình Triển lãm – Hội chợTôn vinh hàng Việt lần này vẫn chưa đạt được ý nghĩa như tên gọi.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố cho rằng trong 400 gian hàng tham gia hội chợ thì chủ yếu vẫn là các ngành hàng thực phẩm và nhựa – hóa mỹ phẩm. Ngành cơ khí – chế tạo và điện – điện tử là hai ngành công nghiệp mũi nhọn hầu như chưa tham gia.
Hội chợ cũng mới chỉ là nơi để tham quan, mua sắm chứ chưa lựa chọn được các sản phẩm tiêu biểu, chưa có ý nghĩa tôn vinh hàng Việt, cũng chưa phải là nơi giao lưu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường hội nhập quốc tế.
>>Nhu cầu quản lý tri thức trong doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chủ động trong hội nhập
Chỉ còn vài tháng nữa, DN sẽ chính thức bước vào cuộc cạnh tranh thị trường quyết liệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực và 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN được xóa bỏ.
Một lần nữa, các chuyên gia tại hội thảo kêu gọi các DN nên nhanh chóng, chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, từ đó có thể xác định chiến lược cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội cho DN của mình, thay vì tiếp tục trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Trung tâm Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, DN cần chủ động cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và các tiêu chuẩn quốc tế.
Mới đây, các thương hiệu may mặc của Việt Nam với vải chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh đã thất bại trong việc giành đơn hàng sản xuất áo thun cho Công ty giải trí Walt Disney.
>>Doanh nghiệp vừa và nhỏ VN lạc quan nhất châu Á
Đây là một bằng chứng rõ ràng rằng nếu DN không chú trọng hơn về các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn quản lý chất lượng 5S, mô hình tiếp thị dịch vụ 7P, sản xuất tinh giản LEAN, hệ thống quản lý chất lượng 6 Sigmas, trách nhiệm xã hội… thì chúng ta khó lòng giành được các đơn hàng lớn.
Cũng theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng thì một vấn đề quan trọng không kém là vấn đề bảo hộ thương hiệu, căn cứ để đảm bảo giá trị pháp lý cho sản phẩm và DN vẫn chưa được DN Việt Nam quan tâm.
Trong khi đó, các DN nước ngoài luôn hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này trong cạnh tranh và phát triển. Một số DN FDI đã tìm hiểu và đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu tại thị trường Việt Nam và ASEAN dù sản phẩm chưa đưa vào thị trường nước ta.