Châu Âu mở cửa
Sau nhiều tháng đóng cửa để triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19, ngày 15/6 một số nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) như Đức, Bỉ, Pháp, Áo,… ra thông báo sẽ mở cửa biên giới các nước trong khu vực. “Chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số EU” là tấm vé thông hành, dành cho việc đi lại giữa các nước trong khu vực EU cũng được Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu tán thành. Dự kiến được áp dụng vào đầu tháng 7.
EU nêu rõ danh sách các nước được dỡ bỏ lệnh cấm đi vào khu vực bao gồm Albania, Bắc Macedonia, Serbia, Lebanon, Mỹ cũng như các vùng lãnh thổ Đài Loan, Macau và Hong Kong của Trung Quốc. Tùy theo tình hình và quy định phòng dịch, mỗi quốc gia của khu vực lại có những chính sách riêng, tiếp nhận du khách của các nước khác nhau. Cụ thể, các nước Hungary, Bulgaria, Áo, Cộng hòa Séc, Slovakia hay Latvia vẫn có những hạn chế đối với khách du lịch từ các nước Châu Âu có số ca nhiễm Covid-19 cao như Thụy Sĩ, Anh. Với những đối tượng này, tùy theo kiểm tra của quốc gia sở tại mà quyết định được phép nhập cảnh và cách ly 14 ngày hay bị cấm.
Na Uy đã mở cửa với các nước Bắc Âu, trừ Thụy Điển. Đan Mạch chỉ tiếp nhận du khách đến từ các nước Đức, Na Uy và Iceland. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã mở cửa từ ngày 1/7 và áp dụng hình thức “có qua có lại” với các nước. Riêng Pháp, đã dở bỏ quy định đeo khẩu trang ở các khu vực ngoài trời đối với người dân trong nước nhưng vẫn dè chừng với các hình thức nhập cảnh. Pháp đã mở cửa biên giới từ 1/7 và thực hiện đón khách tùy theo tình hình dịch bệnh tại đất nước của người dân muốn nhập cảnh. Pháp đảm bảo tuân thủ các thỏa thuận chung của EU.
Tiềm năng du lịch
Trên trang Twitter cá nhân, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu viết: “Đã đến lúc hồi sinh ngành du lịch tại Châu Âu và để những tình bạn xuyên biên giới được nối lại một cách an toàn”. Theo AFP, Ủy ban du lịch Châu Âu vừa đề xuất chiến dịch “Mở cửa tới Châu Âu” với hy vọng có thể đón khách nước ngoài, vực dậy du lịch của khu vực ngay trong mùa hè này.
Tất cả quyết định được đưa ra trong bối cảnh 25% người trưởng thành tại các nước EU đã được tiêm vaccine đầy đủ và hơn 1 triệu người trong khu vực nhận được Chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số EU.
Hy Lạp - nước có nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch đã nới lỏng biên giới hơn hẳn các nước trong khu vực và sẵn sàng đón du khách ở các nước bên ngoài EU như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cuối tháng 5, Bồ Đào Nha, chủ động khôi phục các chuyến bay với Anh bởi năm 2019, nguồn khách du lịch từ Anh đóng góp 3,2 tỷ Euro cho nền kinh tế Bồ Đào Nha. Hành động mở cửa sớm đón du khách Anh sẽ là cú hích cho ngành du lịch nước này và dự kiến đóng góp thêm 15% doanh thu vào GDP chung.
Tây Ban Nha - Quốc gia được ghé thăm nhiều thứ hai trên thế giới trước đại dịch - đang bắt đầu phục hồi các hoạt động du lịch. Hoạt động tại đô thị Benalmadena tăng nhẹ trong những tuần qua nhờ sự hồi sinh của du lịch nội địa. Thủ đô Madrid - nơi ít phụ thuộc vào du lịch nước ngoài, tình hình có nhiều khả quan. Gonzalo Baselga - Giám đốc bán hàng tại khách sạn 27 tầng RIU cho biết: “Với lịch đặt phòng mà khách sạn đang có, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một mùa hè tốt lành. Phần lớn là khách trong nước”.
Dữ liệu từ nền tảng đặt phòng eDreams (edre.mc) cho thấy số lượng phòng khách sạn được đặt sẵn trong tháng 7 và tháng 8 trên khắp Tây Ban Nha đã tăng gần 4 lần so với mức thấp nhất của năm 2020, trong đó Madrid là một trong những điểm đến phổ biến.
Cơ hội cho nền kinh tế phục hồi
Trước khi quyết định mở trở lại, Ủy ban điều hành EU có những dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Cụ thể, 27 quốc gia thành viên EU sẽ có mức tăng trưởng là 4,2% trong năm nay, tăng đáng kể so với dự đoán hồi tháng 2 là 3,7%.
Paolo Gentiloni - Ủy viên của EU chia sẻ với AP: “Sự phục hồi nền kinh tế ở Châu Âu không còn là ảo ảnh nữa, tất cả đang được tiến hành. Sau một năm khởi đầu yếu kém, chúng tôi tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa năm 2021 và 2022”. Năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nền kinh tế EU giảm 6,3%, đây là mức thấp nhất trong suốt lịch sử phát triển của Liên minh. Hiện nay, với hoạt động tiêm chủng được đẩy mạnh, cơ bản kiểm soát được đại dịch, EU có đủ niềm tin về sự tăng trưởng của kinh tế.
Tuy nhiên, vì đình trệ trong một thời gian dài, khi mở cửa nền kinh tế EU nói riêng và các quốc gia khác nói chung đều gặp phải vấn đề lạm phát. EU dự kiến mức lạm phát sẽ tăng từ 0,7% vào năm 2020 lên 1,9% trong năm nay và sẽ xuống 1,5% vào năm 2022. Nhìn chung, các quốc gia EU đều lường trước được vấn đề và đang chuẩn bị mọi biện pháp để phục hồi. Gentiloni nói: “Chúng ta có thể tiếp tục chi tiêu để đưa nền kinh tế đi lên và phát triển".