Kinh tế Việt Nam 2023: Thú vị nhưng đầy thử thách

TS. Daniel Borer, TS. Hà Thị Cẩm Vân, TS. Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT Việt Nam)| 17/01/2023 06:00

Năm 2023 là một năm của những cơ hội tuyệt vời để củng cố tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là nền kinh tế mạnh của khu vực, đặt cơ sở cho tương lai, tăng trưởng bền vững trở nên minh bạch hơn, ít tham nhũng hơn và "xanh" hơn.

GDP 7,5% - nỗ lực năm 2022

Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 cuối cùng đã có thể phục hồi sau những con số tăng trưởng thấp do đại dịch Covid-19, với tốc độ tăng trưởng GDP là 7,5% theo dự báo của Ngân hàng Thế giới tới thực tế 8% theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Lạm phát chạm mốc 4,55%, nhỉnh hơn so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2022 là 4%.

Cần xây dựng một môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, thân thiện với môi trường và ổn định

Cần xây dựng một môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, thân thiện với môi trường và ổn định

Mức tăng trưởng GDP là tín hiệu khả quan, so với những con số khiêm tốn vào năm 2021 và 2020. Ngoài ra, trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vượt qua một số nước láng giềng về tốc độ tăng trưởng thực tế khi Thái Lan dự kiến tăng 3,4% vào năm 2022, Lào chỉ 2,5% và Campuchia là 4,5%.

Kết quả khả quan này một phần là nhờ nỗ lực vượt trội của NHNN trong việc kiềm chế lạm phát và ngăn chặn sự mất giá quá mức của VND trong giai đoạn hậu đại dịch đầy thách thức, khi các quốc gia khác như Mỹ, Anh hay khu vực đồng tiền chung châu Âu đều ghi nhận tỷ lệ lạm phát dao động 9-11% trong năm 2022. Việc giữ giá không tăng là đặc biệt khó khăn do giá dầu và năng lượng tăng vọt do chiến tranh Nga - Ukraine.

Lãi suất và lạm phát

Năm 2023 có thể vẫn sẽ là một năm thách thức với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là với NHNN. Khi chiến tranh Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra, giá năng lượng sẽ không ổn định, điều này sẽ tác động đến giá trong nước do các sản phẩm mà Việt Nam nhập khẩu. Mức tiêu thụ trong nước chưa chắc sẽ tăng đáng kể trong năm nay, điều này cũng góp phần làm giảm áp lực tăng giá. 

Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát tăng trong năm nay vẫn tồn tại do khả năng VND sẽ mất giá mạnh hơn khi dòng vốn có thể chảy ra khỏi Việt Nam, tìm cách hưởng lợi từ việc tăng lãi suất bằng các loại tiền tệ khác như EUR hoặc USD. Điều này sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, vốn là một phần trong giỏ hàng tiêu dùng của các hộ gia đình trung bình ở Việt Nam.

Xu hướng này có thể được bù trừ do việc tăng lãi suất trong nước đang diễn ra và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên tới 15% đối với tiền gửi cố định/có kỳ hạn do các ngân hàng tư nhân cung cấp. Lãi suất tăng trong năm nay sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường bất động sản, khi nhu cầu đang giảm dần do lãi suất thế chấp tăng. Đối với các nhà đầu tư vào bất động sản, vì bên bán sẽ chậm điều chỉnh giá xuống do nhu cầu giảm, có thể nên đợi đến quý II/2023 để hưởng lợi từ vị thế thương lượng tốt hơn. Nhìn chung, NHNN một lần nữa được kỳ vọng sẽ điều hành để duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 5% vào năm nay, góp phần vào thành công trong việc bảo vệ sự ổn định giá cả.

2023 có thể vẫn sẽ là một năm thách thức với NHNN

2023 có thể vẫn sẽ là một năm thách thức với NHNN

Tỷ giá hối đoái, thương mại và FDI

Giữ giá cả ổn định cũng sẽ làm giảm sự mất giá của tỷ giá hối đoái. Một mô hình dự báo đơn giản chỉ ra rằng, chênh lệch lạm phát của các loại tiền tệ thể hiện sự thay đổi dự kiến trong tỷ giá hối đoái. Trong khi mối quan hệ này đúng trong dài hạn thay vì theo từng năm, lạm phát trung bình của VND sẽ hạn chế áp lực mất giá của đồng nội tệ.

Nhìn lại 20 năm qua, VND đã lạm phát cao hơn 4,3% so với USD hằng năm, tức là VND sẽ dần mất giá so với USD. Do đó, để tạo ra một môi trường thương mại ổn định hơn và giảm bớt sự bấp bênh của thị trường, nên áp dụng biên độ giảm giá dần 3-4% cho VND so với USD. Hệ thống này hứa hẹn mang lại sự ổn định và thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam.

Lĩnh vực xuất khẩu cần nhiều hỗ trợ, vì các thị trường xuất khẩu chính, cụ thể là Mỹ với 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và cả EU, vừa bước vào thời kỳ suy thoái. Trung Quốc - khách hàng lớn thứ hai của hàng xuất khẩu Việt Nam, cũng không ở trong trạng thái tốt cho năm 2023, dù có thể chưa bước vào suy thoái. Mặc dù xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh vào năm 2022 (khoảng 9,5% so với năm 2021), với hải sản và dệt may đạt mức cao kỷ lục, nhưng điều này sẽ không xảy ra trong năm nay.

Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đã tăng trong năm 2022 và đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với 15,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Các nước đầu tư chính điển hình là Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác trong khu vực đang tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam. Mặc dù điều này hấp dẫn trong ngắn hạn và trung hạn, một nền kinh tế đang phát triển cuối cùng sẽ chuyển thành GDP bình quân đầu người cao hơn, kéo theo chi phí lao động cao hơn. Điều này nên được xảy ra vì thể hiện mức độ giàu có của người dân tăng cao hơn. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc xác định và xây dựng thế mạnh ở các khía cạnh khác ngoài mức lương thấp.

Xây dựng một môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, thân thiện với môi trường và ổn định sẽ là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Điều này sẽ thu hút FDI bất chấp việc tăng lương trong nước.

Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung chống tham nhũng ở tất cả các cấp; tăng tính minh bạch của các quyết định chính sách; tăng cường các nỗ lực về môi trường. Tham nhũng làm giảm động lực đầu tư FDI vì nhà đầu tư không chắc chắn về chi phí đầu tư trong tương lai, cũng như đối với nguyên tắc pháp quyền và nguyên tắc tài sản.

Ở khu vực châu Á, các quốc gia, vùng lãnh thổ ít tham nhũng nhất là Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc và cũng là những nơi giàu có nhất trong khu vực. Thông điệp cần phải diệt trừ tham nhũng trở nên rất rõ ràng. Hơn nữa, tăng cường tính minh bạch, chẳng hạn như đã đề cập trước đó với tỷ lệ mất giá tiền tệ được quy định rõ, sẽ khiến Việt Nam trở thành một đối tác thương mại đáng tin cậy hơn. 

Cuối cùng, người tiêu dùng nước ngoài đang trở nên nhạy cảm hơn và thắc mắc về mức độ thân thiện hoặc không thân thiện với môi trường của các sản phẩm họ mua. Với 53% năng lượng đến từ các nhà máy điện than, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để trở nên thân thiện với môi trường. Trong tương lai gần, những khía cạnh như vậy sẽ cản trở FDI.

Bất kỳ phương án nào để giảm tiêu thụ năng lượng cũng như làm cho năng lượng xanh hơn đều cần được khai phá. Một nội dung quan trọng trong chương trình là xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao (MRT) để giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân tại TP.HCM và Hà Nội. Hơn nữa, hệ thống tàu chở hàng quốc gia cần được quan tâm để giảm sự phụ thuộc vào xe tải, giúp làm giảm tắc nghẽn giao thông cũng như khiến các sản phẩm của Việt Nam trở nên thân thiện hơn với môi trường. Ngay cả những khuyến nghị về chính sách như thay đổi múi giờ thành GMT +8, dù có vẻ thái quá, cũng sẽ làm giảm mức sử dụng năng lượng cũng như giúp quốc gia xích lại gần hơn với các đối tác thương mại chính trong khu vực.

Lĩnh vực du lịch

Việt Nam đón 2,36 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng đầu năm ngoái, gấp 18,8 lần cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 83,7% so với trước đại dịch - năm 2019. Trong khi đó, theo nghiên cứu về thị trường khách du lịch nội địa 2016-2022 do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam thực hiện, thị trường khách du lịch trong nước đã phục hồi ngoạn mục trong năm 2022 và góp phần bù đắp những thiệt hại từ du lịch quốc tế. Mặc dù vậy, chi tiêu nội địa và thời gian lưu trú bình quân còn thấp.

Triển vọng cho năm 2023 là lạc quan một cách thận trọng. Sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nổi tiếng và các giải thưởng du lịch quốc tế vào năm 2022 có thể mang lại sự thay đổi cần thiết. Các dự đoán lạc quan hướng tới 10 triệu lượt khách quốc tế, hầu hết đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Việc nới lỏng các hạn chế đi lại do Covid-19 cũng đang giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này.

Giải quyết vấn đề visa du lịch sẽ góp phần thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam

Giải quyết vấn đề visa du lịch sẽ góp phần thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam

Những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy Việt Nam trở thành một điểm đến "xanh", bền vững đã mang lại một số kết quả đã được chứng minh, ví dụ như dự án du lịch sinh thái ở Phú Yên trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một số chỉ số cho thấy sự cải thiện của Việt Nam, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được thứ hạng cao. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 52 trong chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam (TTDI), tăng 8 bậc so với năm 2019. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 23 trong chỉ số rủi ro lợi nhuận châu Á - Thái Bình Dương, theo Fitch Solutions.

Việt Nam sẽ ngày càng thu hút khách du lịch tìm đến các điểm đến du lịch bền vững và cung cấp các sản phẩm du lịch tích hợp bao gồm các điểm đến truyền thống có nắng, biển và cát như Phú Quốc, các điểm đến di sản văn hóa như Hội An và các trung tâm đô thị thú vị như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia - những thị trường đã nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 và đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh và visa ít nghiêm ngặt hơn.

Để thúc đẩy phát triển ngành du lịch, hai khuyến nghị được đưa ra:

Thứ nhất, giải quyết vấn đề visa du lịch. Tăng số lượng các quốc gia được cấp visa khi đến (visa on arrival), tăng thời hạn visa du lịch từ 15 lên 30 hoặc thậm chí 60 ngày sẽ dẫn đến sự gia tăng du lịch quốc tế và do đó tăng doanh thu từ du lịch.

Thứ hai, tăng tính bền vững của các sản phẩm du lịch Việt Nam bằng cách hình thành quan hệ đối tác công tư nhằm giải quyết cụ thể nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Những nhu cầu này là cung cấp dịch vụ du lịch có chất lượng phù hợp bởi nguồn nhân lực được đào tạo và có trình độ phù hợp; cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bền vững về mặt sinh thái, đồng thời cung cấp các sản phẩm du lịch kết hợp nhiều điểm tham quan như bãi biển, điểm văn hóa và trung tâm thành phố.

Nhìn chung, năm 2023 sẽ là một năm rất thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Hầu hết nền kinh tế trên toàn cầu sẽ phải vật lộn với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế giáp ranh với suy thoái. Việt Nam sẽ không phải là một ngoại lệ vì chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế. Tuy nhiên, 2023 cũng là một năm của những cơ hội tuyệt vời để củng cố tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là nền kinh tế mạnh của khu vực, đặt cơ sở cho tương lai, tăng trưởng bền vững trở nên minh bạch hơn, ít tham nhũng hơn và "xanh" hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam 2023: Thú vị nhưng đầy thử thách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO