Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng tăng 17,82%

T.H.G.| 30/09/2022 05:00

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng tăng 17,82%

Xuất khẩu ở nhiều ngành tăng trưởng ổn định

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2022 đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% so với kết quả trong nửa cuối tháng 8/2022. 

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 364,89 tỷ USD, tăng 15,9%. Trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 161,15 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2021.

Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 9 đạt 12,75 tỷ USD, lũy kế 9 tháng (đến 15/9) đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,3 tỷ USD; hàng dệt may tăng 5,35 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,84 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7 tỷ USD… so cùng kỳ năm 2021.

Do nhu cầu lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao nên ngành nông nghiệp có triển vọng xuất khẩu sáng nhất. Đơn cử, ngành thủy sản trong tháng 8 vẫn đạt doanh thu xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Lũy kế hết tháng 8/2022, xuất khẩu nhóm này đạt 7,63 tỷ USD, tăng 37,3% so cùng kỳ. Xuất khẩu gạo cũng có dấu hiệu tích cực, với 4,79 triệu tấn gạo đã xuất ra khỏi biên giới, tăng 20,7% so cùng kỳ, trị giá hơn 2,3 tỷ USD.

Với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch qua Trung Quốc

Với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch qua Trung Quốc

Tỷ giá ngoại tệ và lạm phát có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu

Dù tăng trưởng xuất khẩu đạt 2 con số, nhưng rủi ro với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối cùng năm 2022 cũng không ít. Theo các chuyên gia, tỷ giá biến động chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá đồng nội tệ trước sức ép của đồng USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, lạm phát của các nước đang lên rất cao. Nhiều nước phải sử dụng công cụ nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Điều này đã đẩy các nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái và tác động trước mắt là làm cho sức mua tại nhiều thị trường giảm.

Trước những khó khăn này, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang rất tích cực vào cuộc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cụ thể như tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc, mở cửa thị trường…

Bộ Công Thương xác định trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các FTA đã ký kết. Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích doanh nghiệp thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu tìm kiếm thị trường mới và thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới...

Đặc biệt, việc tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng tăng 17,82%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO