Đừng để doanh nghiệp tiếp tục mất lòng tin!

HUỲNH VĂN MINH - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM| 06/05/2014 04:13

Qua bài viết sau đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nêu cụ thể những khó khăn của DN đồng thời kiến nghị những giải pháp thiết thực để vực dậy nền kinh tế...

Đừng để doanh nghiệp tiếp tục mất lòng tin!

LTS - Ngày 28/4 vừa qua, tại cuộc gặp gỡ hằng năm với doanh nghiệp (DN), Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc nhìn nhận môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính còn gây nhiều cản trở cho DN, cần phải tiếp tục cải thiện. Qua bài viết sau đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nêu cụ thể những khó khăn của DN đồng thời kiến nghị những giải pháp thiết thực để vực dậy nền kinh tế...

Theo số liệu thống kê, cả nước từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay có trên 700.000 DN, nhưng đến nay có hơn 300.000 DN phá sản. Trong ba năm gần đây đã có khoảng 150.000 DN phải rời thị trường. Riêng năm 2013 trên 60% DN không có lãi, không có khả năng nộp thuế. Trong quý I năm nay có 16.000 DN "mất tích".

Nhiều DN không còn tài sản thế chấp, còn nợ xấu, rất khó có báo cáo tài chính "đẹp" để đáp ứng điều kiện vay vốn tại các ngân hàng (NH), các tổ chức tín dụng cũng như các quỹ hỗ trợ DN. Tuy lãi suất đã giảm nhiều, nhưng DN nhỏ và vừa vẫn luôn phải vay cao hơn mức lãi suất công bố và chỉ khoảng 15% số DN nhỏ tiếp cận được vốn NH. Một số DN hiện nay vẫn còn vướng lãi suất vay trên 13% như trước đây, do NH không cho đảo nợ và cũng không giảm lãi suất nợ cũ như Chính phủ đã chỉ đạo.

Sức mua thị trường yếu, trong khi chi phí đầu vào tăng cao và tăng liên tục, DN càng sản xuất càng lỗ, nên chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì thị trường và bảo tồn lực lượng. Nhiều DN cổ phần không thể chia cổ tức hoặc chia rất thấp, chia bằng cổ phiếu.

> "Doanh nghiệp cần có tư duy chiến lược để tự cứu mình"
> Cần có chính sách thông thoáng, an toàn và ổn định
>Kinh tế dân doanh: Tứ bề thọ địch
>Xây dựng thể chế kinh tế: Đâu là nền móng?

Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Nhà nước thiếu ổn định, nhiều chính sách chưa phát huy tác dụng kịp thời để hỗ trợ DN, từ đó làm giảm niềm tin của DN, chưa tạo cho DN động lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố không xây dựng các giải pháp (biện pháp) để thực hiện các chính sách của Nhà nước, nên các chính sách ấy không thể sớm đi vào cuộc sống.
Số DN rời bỏ thị trường quá lớn đã làm cho hàng triệu người thất nghiệp và nhiều triệu người ăn theo gặp khó khăn về đời sống.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể ký trong năm nay hay vài năm tới, nhưng DN Việt Nam đang trong tình trạng "sức khỏe yếu", do đó, cơ hội nhiều nhưng sẽ chẳng nắm bắt được bao nhiêu, trong khi DN FDI đã sẵn sàng chờ hội nhập TPP để được hưởng nhiều lợi thế.

Hầu như các DN không còn lòng tin vào thị trường, không có niềm tin đối với các chính sách của Nhà nước, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; kiềm chế lãi suất và giảm lãi suất nợ cũ; cho ra đời gói kích cầu 30.000 tỷ đồng nhằm cứu thị trường bất động sản...

Nhưng các chính sách này chỉ mang tính tạm thời, thủ tục hành chính còn ràng buộc quá mức nên chưa thể giải quyết được các vấn đề tồn đọng của nền kinh tế.

Trước tình hình ấy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước phải có các chính sách về kinh tế thật rõ ràng, minh bạch, ổn định lâu dài, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho DN hoạt động. Cụ thể:

- Nhanh chóng và kiên quyết điều chỉnh những chủ trương, chính sách không còn phù hợp, không đi vào cuộc sống được như Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 71/2010/NĐ-CP; Quyết định 72/2013/QĐ-TTg (trong đó quy định các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu, thuốc lá tại các cửa khẩu quốc tế không được bán miễn thuế cho khách du lịch trong nước, nên lượng khách hàng đến ngày càng thưa vắng, lượng hàng tồn kho rất lớn, nếu không được bán ra thì buộc DN phải chờ đóng cửa); đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm minh, triệt để các cơ quan, công chức cố tình làm khó DN, nhũng nhiễu DN. Đó là yếu tố hàng đầu để củng cố niềm tin nơi DN.

- Khi đã có chính sách thì phải tổ chức thực hiện ngay, tránh tình trạng nghị định, quyết định của Chính phủ phải 3 - 4 tháng sau, nhiều bộ, ngành vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, chưa nói đến việc đã có hướng dẫn nhưng không cụ thể, khó thực hiện. Chẳng hạn Nghị quyết 02 triển khai chậm, không đến nơi đến chốn, cách xác định DN nhỏ và vừa, xác nhận thu nhập cho người dân lao động làm nghề tự do (theo yêu cầu để được vay mua nhà ở xã hội) không rõ ràng; gói 30.000 tỷ đồng đến nay mới giải ngân được trên 1/10, giảm lãi vay nợ cũ hầu như mới dừng lại ở văn bản, nghị quyết về "tam nông" ra đời sớm, nông dân rất mừng nhưng đến nay chưa đi vào cuộc sống, người nông dân ngày càng khó khăn hơn. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về vai trò của doanh nhân cũng tương tự như vậy...

Từ thực tế ấy, một vấn đề cấp bách được đặt ra, đó là khi đã có chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ... thì phải quy định rõ trách nhiệm của người lãnh đạo thực hiện và thời gian phải thực hiện, không nêu chung chung như thời gian qua. Thông thường 3 đến 5 năm mới tổ chức sơ kết một chủ trương hay một chính sách lớn thì quá muộn, làm kinh tế không được phép rề rà như vậy!

- Nhà nước phải khống chế trần lãi suất cho vay của các NH thương mại, kể cả nợ cũ và nợ mới đều áp dụng lãi suất như nhau, đồng thời giảm bớt thủ tục và điều kiện bảo đảm để giúp DN tiếp cận được các nguồn vốn vay. Đây cũng là cách giải quyết việc NH dư vốn, DN thì không vay được. Cho phép DN được đảo nợ thay cho mua bán nợ, trước mắt cho giảm lãi suất nợ cũ và khống chế lãi xuất đầu ra nợ mới (cho vay), thả nổi đầu vào (vay) trong toàn hệ thống NH.

- Nhà nước nên có những gói ưu đãi đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ và chế biến sau thu hoạch, sản xuất ra tư liệu sản xuất.

- Việc phát hành trái phiếu chính phủ nên ưu tiên bán cho người dân trước nhằm huy động nguồn lực (tiền, vàng) trong dân còn rất lớn để đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay Chính phủ phát hành trái phiếu bao nhiêu thì các NH "ôm hết" bấy nhiêu, do lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất huy động tiết kiệm.

- Nên miễn thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập DN cho một số ngành hàng để giúp DN giảm giá bán, giải quyết hàng tồn kho, thu hồi vốn để tái sản xuất, hạn chế hàng nhập lậu.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, các cục, chi cục thuế phải thống nhất trong các quy định, hướng dẫn DN thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế ngay từ đầu khi ban hành văn bản, tránh trường hợp như hiện nay do không thống nhất dẫn đến việc truy thu và phạt DN số tiền lên đến chục tỷ, trăm tỷ đồng. Đối với các DN kê khai sai do nhầm lẫn giữa các văn bản hướng dẫn (không cố tình gian lận, trốn thuế) đề nghị các cơ quan thuế không phạt chậm nộp.

Cần phân biệt giữa DN có bề dày và có cơ sở sản xuất thật sự và DN nhập khẩu kinh doanh nguyên vật liệu khi ân hạn nộp thuế 275 ngày đối với ngành hàng gia công xuất khẩu.

Đề nghị tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí để tăng cầu hàng hóa và hỗ trợ DN.

- Nhà nước có chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ DN tăng năng lực xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

- Đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tái cấu trúc mạnh mẽ các tổ chức tín dụng, NH và DN nhà nước. Theo đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước đồng thời tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống NH thương mại theo hướng tập trung quy mô lớn và hoạt động theo chuyên ngành.

Tránh tình trạng như thời gian qua, Nhà nước quá "bảo bọc" NH, như thả nổi lãi suất đầu ra, siết chặt lãi suất đầu vào làm khó khăn cho DN và người dân, hay Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập vàng rồi đấu giá bán, đó là tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Những quy định về quản lý vàng hiện nay gây khó cho DN nhỏ đang hành nghề gia công vàng và đá quý, làm nghề thủ công truyền thống này bị mai một và tạo điều kiện cho vàng trang sức của nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam. Việc Nhà nước quản lý độc quyền thị trường vàng đã làm cho giá vàng ở Việt Nam luôn cao hơn giá vàng thế giới.

- Nhà nước cần điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế cũng như các hiệp ước mà Việt Nam tham gia (WTO, FTA, CAFTA... và sắp tới có thể là TPP); hạn chế dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào công việc của DN; không nên để xẩy ra tình trạng cái gì quản lý không được thì cấm, như cấm bán rượu, bia, thuốc lá miễn thuế ở các cửa khẩu; cách quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ trong thời gian qua...

- Kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn VCCI tổ chức sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 09/BCT vê đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tại các địa phương, đơn vị... để xem Nghị quyết 09 đi vào cuộc sống đến đâu, địa phương nào, đơn vị nào chưa triển khai nghị quyết quan trọng này.

Có người cho rằng quá trình kinh doanh, nhiều DN mất đi thì có nhiều DN khác thành lập, thế nhưng trong thực tế, hàng trăm ngàn DN mới thành lập không thể bù đắp được số DN có bề dày trên thương trường đã lần lượt ra đi. Có thể nói chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng "khó chịu" như hiện nay.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, đề nghị Nhà nước làm tất cả những gì có thể để tạo điều kiện cho DN trụ được và yên tâm làm ăn. Đó là xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp, hỗ trợ nguồn vốn, nguồn nhân lực cho DN. Ba mặt của một vấn đề như vậy làm cho DN tồn tại, hay nói cách khác, đó là ba điều kiện tiên quyết để giúp DN phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng để doanh nghiệp tiếp tục mất lòng tin!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO